Hàng ngàn thùng rau câu hương vị khoai môn hiệu Taro của công ty New Choice Foods đã bị thu hồi vì sử dụng chất phụ gia thực phẩm tạo đục nhập từ công ty Triko Foods Co.LTD (Đài Loan) nghi nhiễm DEHP.
Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho hay, đến hết ngày 5-6-2011, công ty New Choice Foods đã thu hồi hơn 6.000 thùng, hiện còn hơn 1.000 thùng vẫn lưu hành trên thị trường, tương ứng với 9 tấn (9kg/thùng).
Lỡ ăn
Các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Co.opmart, Maximark, Citimart… đã hoàn tất việc đưa rau câu Taro ra khỏi quầy kệ. Họ vẫn còn nhiều loại rau câu khác bán cho khách. Trong khi đó, rau câu Taro vẫn còn được bày bán ở một vài tiệm tạp hoá, sạp chợ, xe đẩy bán bánh kẹo đồ chơi…
Theo một số phụ huynh có con nhỏ, rau câu New Choice là mặt hàng họ thường mua cho con ăn, làm quà tặng cho các trẻ nhỏ vào dịp lễ, tết, sinh nhật… Giá trung bình 1 gói 500g khoảng 18.000 – 21.000 đồng (tuỳ nơi bán), hộp lớn hình thú giá khoảng 65.000 – 110.000 đồng (tuỳ cỡ). Sản phẩm rau câu Taro của New Choice có hương vị khoai môn là loại bán chạy nhất vì có vị ngọt, béo, ở giữa có thạch dừa dai giòn.
Nhiều phụ huynh thường xuyên mua rau câu New Choice cho con ăn đang lo lắng. Bà Xuân Hà đi siêu thị ở Phú Mỹ Hưng, quận 7 đã cản không cho con mua bất cứ loại rau câu nào. Bà nói: “Rau câu New Choice đang thu hồi, còn các loại rau câu khác dùng chất tạo đục có chắc là tốt, chưa thấy nhà sản xuất hay cơ quan y tế công bố đảm bảo an toàn, tốt nhất không cho tụi nhỏ ăn nữa”. Và bà Hà lo: “Con tôi, cháu tôi ăn loại Taro này đã mấy năm rồi, chẳng biết có bị làm sao không, liệu có cách nào để kiểm tra các cháu đã bị nhiễm chất độc hay chưa?”
Ông Lê Hùng, ngụ ở khu Vườn Lài quận Tân Phú, lục trong kệ thực phẩm nhà bếp còn gói rau câu Taro chưa khui, định bỏ thùng rác thì bị vợ giữ lại. Bà bảo: “Giữ để làm bằng chứng. Con tôi đã ăn từ lúc ba tuổi đến nay sáu tuổi, không biết có bị ảnh hưởng gì đến phát triển sau này. Tôi nghe nói chất độc trong sản phẩm có thể làm trẻ em dậy thì sớm, hoặc gây bệnh ung thư…”
Cần theo dõi
Cho đến nay, DEHP là chất độc mới, các nhà chuyên môn vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm để xử trí.
Một lãnh đạo của cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, để biết lượng độc hại có nhiều hay không và ảnh hưởng như thế nào thì Nhà nước phải làm nghiên cứu mới biết. Bởi, chất độc này cũng mới được cập nhật trên thế giới.
Bác sĩ Đào Thị Yến Thuỷ, chuyên gia trong ngành dinh dưỡng cho biết: DEHP có thể gây ngộ độc cấp trên đường tiêu hoá và ngộ độc mãn gây rối loạn nội tiết và sinh dục... Chất này tan trong dầu và ít tan trong nước nên việc uống nước lọc nhiều cũng giúp tăng thải một phần độc chất qua nước tiểu. Phụ huynh không nên để trẻ ăn các sản phẩm chứa DEHP, cần uống nhiều nước lọc hơn trong 1 – 2 tuần lễ.
Bác sĩ Thuỷ lưu ý, rất ít nghiên cứu về việc ngộ độc chất này trên người, vì nó bị cấm dùng trong thực phẩm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng độc chất này vẫn có thể nhiễm vào người một lượng nhỏ qua thức ăn, nước uống có đồ chứa bằng nhựa hoặc thiết bị y tế bằng nhựa.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc trung tâm dinh dưỡng TP.HCM: “Việc nhiễm chất độc vào cơ thể phụ thuộc vào thời gian ăn sản phẩm trong bao lâu, hàm lượng chất độc chứa trong sản phẩm và số lượng sản phẩm đã ăn vào. Vì vậy phụ huynh nên theo dõi và nếu thấy con có các dấu hiệu bất thường thì nên đưa đến bác sĩ”.
PGS Nguyễn Xích Liên, nguyên trưởng khoa công nghệ thực phẩm, đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng: Nếu trẻ tuần nào cũng ăn cùng một loại rau câu có chất DEHP và với liều lượng cao thì phải theo dõi sự phát triển và sức khoẻ của bé.
Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu phân tích: Những chất có thể gây ung thư phải có quá trình tác động lâu dài, chứ không phải một vài ngày tiếp xúc với chất đó là có thể ung thư ngay và còn tuỳ theo cơ địa, sức khoẻ của mỗi người. Do đó, gia đình đã trót mua cho trẻ ăn thì không nên lo sợ quá khi mới mua 2 – 3 lần.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyên phụ huynh cần cẩn trọng khi chọn thực phẩm cho con, cần hạn chế tối đa các loại thực phẩm chế biến sẵn, có thời gian sử dụng quá dài, có màu sắc sặc sỡ không tự nhiên, có chứa chất bảo quản…
Đã lỡ ăn, người tiêu dùng có thể đòi bồi thường? Luật sư Nguyễn Văn Trường, đoàn Luật sư TP.HCM: theo quy định hiện nay thì rất khó để người dân buộc nhà sản xuất phải bồi thường. Bởi lẽ, chất DEHP cũng chỉ được coi là một trong những tác nhân gây ung thư, nên giả sử phát hiện có bệnh thật thì việc chứng minh chất này là tác nhân duy nhất không phải dễ dàng. Theo luật, việc chứng minh thiệt hại thuộc về người có yêu cầu. Vì vậy những chi phí ban đầu cho việc khám để phát hiện bệnh và chứng minh DEHP và sản phẩm thạch Taro là tác nhân gây bệnh phải do người yêu cầu bỏ ra trước. Vì vậy, cách tốt nhất là phụ huynh không nên cho con mình dùng sản phẩm này nữa. |
Theo SGTT