Làm gì để phòng ngừa tăng cholesterol máu?

Làm gì để phòng ngừa tăng cholesterol máu?
TPO - Mức cholesterol và triglycerid (một loại chất béo khác) tăng quá cao trong máu sẽ làm tăng nguy cơ bị cơn đau tim, đột quỵ, đau khi vận động hoặc thậm chí hoại tử.

> Phụ nữ làm gì để có trái tim khỏe mạnh?

Làm gì để phòng ngừa tăng cholesterol máu? ảnh 1

Do tăng cholesterol được coi như yếu tố nguy cơ với bệnh tim, nên mọi người thường cho rằng cholesterol chỉ có hại. Nhưng cholesterol là một thành phần quan trọng của màng tế bào và có ý nghĩa sống còn đối với cấu trúc và chức năng của tất cả các tế bào trong cơ thể.

Khi mức cholesterol và triglycerid (một loại chất béo khác) tăng quá cao trong máu, nguy cơ bị các mảng chất béo có chứa cholesterol trong máu tăng lên. Dần dần, mảng bám làm hẹp động mạch, ngăn cản dòng máu và gây bệnh xơ vữa động mạch, có thể làm tăng nguy cơ bị cơn đau tim, đột quỵ, đau khi vận động hoặc thậm chí hoại tử.

Cách duy nhất để biết bạn có cholesterol máu cao hay không là làm xét nghiệm máu.

Các yếu tố nguy cơ góp phần làm tăng cholesterol:

- Ít vận động. Ít luyện tập có thể làm giảm mức cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), là cholesterol “tốt”.

- Thừa cân, béo phì. Thừa cân làm tăng nồng độ triglycerid, giảm cholesterol và tăng cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL). Vòng bụng càng cao thì bạn càng tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm liên quan với béo phì.

- Chế độ ăn. Cholesterol tự nhiên có trong các thức ăn nguồn gốc động vật như thịt, trứng và phomat. Ăn chế độ ăn giàu chất béo và cholesterol góp phần làm tăng nồng độ cholesterol trong máu. Chất béo bão hòa và chất béo trans làm tăng nồng độ cholesterol máu.

- Hút thuốc lá. Hút thuốc gây tổn thương thành mạch, khiến chúng dễ bị tích chất béo. Hút thuốc còn có thể làm giảm nồng độ cholesterol HDL tới 15%.

- Tăng huyết áp. Do làm tổn thương thành động mạch, tăng huyết áp có thể làm tăng tích tụ các mảng chất béo ở thành động mạch.

- Đái tháo đường týp 2. Bệnh thường khởi phát sau tuổi 40. Tăng đường huyết mạn tính có thể dẫn tới làm hẹp động mạch.

- Tiền sử gia đình bị xơ vữa động mạch. Nếu những người ruột thịt (bố mẹ hoặc anh chị em ruột) bị xơ vữa động mạch trước tuổi 45, nồng độ cholesterol cao khiến bạn có nguy cơ bị xơ vữa động mạch cao hơn bình thường.

Điều trị

- Thay đổi lối sống là bước đầu tiên có thể cải thiện nồng độ cholesterol và triglycerid máu. Chúng bao gồm thay đổi chế độ ăn, luyện tập thường xuyên và tránh hút thuốc.

- Các thuốc cải thiện lượng cholesterol máu bao gồm:

+ Resin. Cholestyramin (Questran) và colestipol (Colestid).

+ Thuốc hạ triglycerid. Bao gồm các fibrate như gemfibrozil (Lopid) và fenofibrat (Tricor), và niacin (axít nicotinic). Fibrate làm giảm sản sinh triglycerid và loại bỏ triglycerid ra khỏi máu. Thuốc cũng làm tăng nồng độ cholesterol HDL.

- Các statin. Statin làm giảm cholesterol LDL tới 40%. Statin cũng giúp cơ thể tái hấp thu cholesterol từ mỡ ở thành động mạch. Quá trình này từ từ làm thông mạch máu. Các statin bao gồm fluvastatin (Lescol), lovastatin (Mevacor), simvastatin (Zocor), pravastatin (Pravachol), atorvastatin (Lipitor) và rosuvastatin (Crestor).

Phòng ngừa

Cải thiện nồng độ cholesterol máu làm giảm nguy cơ bệnh tim. Thay đổi lối sống là bước đầu tiên trong hành động cải thiện nồng độ cholesterol máu của bạn. Các bước này bao gồm ăn chế độ ăn có lợi, luyện tập và không hút thuốc lá.

* Ăn chế độ ăn có lợi cho sức khỏe:

- Kiểm soát chất béo toàn phần. Hạn chế tất cả các loại chất béo: bão hòa, chưa bão hòa đa, chất béo trans và chất béo chưa bão hòa đơn - ở mức ≤30% tổng lượng calo hàng ngày.

- Hạn chế cholesterol trong chế độ ăn: giới hạn mức cholesterol trong chế độ ăn hàng ngày là 200 mg. Để đạt được mục tiêu này, hạn chế hoặc tránh nguồn thực phẩm cô đặc như nội tạng, lòng đỏ trứng và sữa nguyên kem.

- Ăn thực phẩm có chất xơ hòa tan. Là một phần của chế độ ăn ít béo, chất xơ hòa tan giúp giảm nồng độ cholesterol toàn phần trong máu. Các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan bao gồm cám yến mạch, đậu đỗ, cám gạo, lúa mạch, cam quýt, dâu tây và cùi quả táo.

Nên ăn nhiều thực phẩm có chất xơ
Nên ăn nhiều thực phẩm có chất xơ.

- Ăn nhiều cá. Một số loại cá - đặc biệt là cá béo hay sống ở nước lạnh như cá hồi, cá thu và cá trích - chứa lượng lớn chất béo không bão hòa đa là axít omega-3. Omega-3 làm giảm nồng độ triglycerid. Tuy nhiên, phụ nữ có thai và phụ nữ dự định mang thai nên hạn chế ăn cá nước lạnh hàng tuần vì nguy cơ nhiễm thủy ngân.

- Quan tâm đến sản phẩm từ đậu nành. Các hợp chất từ đậu nành isoflavon tác động như hormon kiểm soát nồng độ cholesterol. Ăn protein đậu nành làm giảm nồng độ cholesterol toàn phần, cholesterol LDL, triglycerid, và tăng nồng độ cholesterol HDL.

- Uống rượu vừa phải. Nếu bạn uống rượu, nên hạn chế khoảng 1 ly/ngày nếu bạn là nữ hoặc không hơn 2 ly/ngày nếu là nam. Không uống rượu nếu bạn có nồng độ triglycerid cao.

- Giảm ăn đường. Là một cách làm giảm nồng độ triglycerid.

* Luyện tập:

Thừa cân thúc đẩy nồng độ cholesterol cao và giảm cân giúp cải thiện nồng độ cholesterol. Hãy thiết lập chương trình luyện tập để giảm cân theo hướng dẫn và lời khuyên của bác sĩ:

- Hãy tham gia vào các hoạt động như đi bộ nhanh, chạy bộ, đi xe đạp...

- Hãy sắp xếp thời gian và tần suất luyện tập. Hoạt động từ từ khoảng 30-45 phút/lần, ít nhất 3 lần/tuần. Nếu bạn thừa cân hoặc ít hoạt động trong nhiều năm hãy dành vài tháng để dần dần đạt tới tốc độ này. Mức vận động càng cao, tốc độ giảm cân càng nhanh.

- Kiên trì với chương trình luyện tập của bạn. Hãy sắp xếp thời gian thường xuyên cho luyện tập.

* Không nên hút thuốc:

Nếu bạn hút thuốc, hãy dừng lại. Nếu bạn không hút thuốc, đừng bắt đầu hút thuốc. Hút thuốc gây tổn thương thành mạch, khiến mạch máu dễ bị tích mỡ. Nếu ngừng hút thuốc, nồng độ HDL của bạn có thể trở về bình thường.

Theo Viết
MỚI - NÓNG