Trước khó khăn của các doanh nghiệp và người dân, NHNN vừa ban hành công văn (số 5901/NHNN-TD) về thực hiện giảm lãi suất và miễn phí dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
NHNN yêu cầu việc triển khai các chương trình giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ cần đảm bảo thực chất, hiệu quả, có kết quả cụ thể; Đồng thời, chủ động truyền thông trên các báo chí về các chính sách của mình, thông tin cho khách hàng cụ thể về chính sách giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ để khách hàng biết và tiếp cận chính sách hỗ trợ của ngân hàng.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tăng cường giám sát việc các NHTM thực hiện các cam kết giảm lãi suất một cách thực chất. Kết quả thực hiện cam kết giảm lãi, phí của từng ngân hàng sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ hàng tháng. Trên cơ sở kết quả giám sát việc thực hiện giảm lãi suất, phí này, NHNN sẽ xem xét và có chính sách khuyến khích hoặc hạn chế một số nội dung trong hoạt động tín dụng của ngân hàng trong năm 2022.
Cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay thực hiện theo kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Tháng 7/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã họp với 16 NHTM, thống nhất cam kết giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu của người dân và doanh nghiệp trong 5 tháng cuối năm 2021, mức giảm từ 0,5 -2,5% cho từng khoản vay với tổng mức giảm lãi khoảng 20.300 tỷ đồng.
Riêng Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết dành thêm khoảng 4.000 tỷ đồng giảm thêm lãi suất cho doanh nghiệp người dân ở TP HCM, Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch. Vietcombank giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại Tp HCM và Bình Dương. Khách hàng ở những địa phương còn lại được giảm lãi suất tới 0,3%/năm.
Tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, BIDV dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho vay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID-19. Mức giảm là 0,5 - 1,5%/năm lãi suất cho vay VND đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021. Mức giảm tối đa dành cho các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng trong các lĩnh vực như giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort…..
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) thống kê, từ ngày 10/6/2021 đến đầu tháng 8/2021, có hơn 600 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng trên tổng dư nợ thực tế là hơn 1,19 triệu tỷ đồng. Như vậy, ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư là rất lớn. Hệ quả của đại dịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các TCTD và cộng đồng doanh nghiệp.