Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đột ngột tăng

Doanh nghiệp mong muốn mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm tiếp tục ổn định. Trong ảnh: Khách hàng đang giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: TL
Doanh nghiệp mong muốn mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm tiếp tục ổn định. Trong ảnh: Khách hàng đang giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: TL
Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sẽ tiếp tục tác động lên thị trường tài chính, từ đó ảnh hưởng lên tỉ giá tiền đồng.

Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng (NH) đột ngột tăng trở lại sau một thời gian dài ổn định, thậm chí giảm. Việc lãi suất đầu vào tăng đang làm dấy lên sự lo lắng về việc duy trì ổn định lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mùa cao điểm.

Lãi suất tiết kiệm cao nhất lên đến 8,6%

Techcombank mới đây đã công bố biểu lãi suất mới, điều chỉnh lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Biểu lãi suất mới của NH này theo hướng tiền gửi càng nhiều, kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao.

Cụ thể, NH này điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn một tháng tăng 0,1 điểm % lên 4,6%/năm đối với tài khoản tiền dưới 1 tỉ đồng; lãi suất ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng cũng tăng 0,1 điểm % lên mức 6,5%. Riêng khách hàng gửi tiết kiệm online có thể được hưởng lãi suất 6,8%.

Trước đó, ACB áp dụng biểu lãi suất mới, mức lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại NH này hiện là 7,2%/năm. Các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng hầu như không có thay đổi, tuy nhiên NH đã cộng thêm từ 0,05 đến 0,1 điểm % cho các khách hàng có số tiền gửi lớn từ 5 tỉ đồng trở lên.

Trong số các NH tăng lãi suất đợt này, Vietcapital Bank cũng điều chỉnh lãi suất tại nhiều kỳ hạn khác nhau nhưng chủ yếu tập trung từ kỳ hạn tám tháng trở lên với mức tăng 0,6%-1,4%. Riêng với các khoản tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng từ 7,2% lên tới 8,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi NH dài hạn cao trên thị trường hiện nay.

Hàng loạt NH khác như TPBank, SeABank, Nam Á Bank, VIB Bank… cũng đẩy mức lãi suất tiền gửi lên cao. Trong đó có NH tăng lãi suất 1%-1,5% đối với vay trung và dài hạn.

Lý giải về việc nhiều NH đồng loạt tăng lãi suất huy động, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc Nam Á Bank, cho rằng việc tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm chỉ là cục bộ, tạm thời. Đối với một số NH điều chỉnh tăng hay giảm lãi suất đầu vào tùy thuộc vào nhu cầu vốn, tùy vào chiến lược kinh doanh của mỗi NH trong từng thời điểm. Chẳng hạn như chuẩn bị cho nhu cầu vốn tăng vào thời điểm cuối năm.

“Để cạnh tranh, hiện nay các NH nỗ lực cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Từ đó để có điều kiện chia sẻ khó khăn với khách hàng vay” - tổng giám đốc Nam Á Bank nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cho rằng: Hiện nay NH Nhà nước vẫn cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 45% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Nhưng từ ngày 1-1-2019, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm về còn 40%. Chính vì vậy nhiều NH cần tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài để đẩy mạnh huy động nguồn vốn dài hạn. Nghĩa là các NH phải chuẩn bị trước nguồn vốn trung và dài hạn nhiều hơn.

Mặt khác, hiện đồng USD đang trong xu hướng tăng giá nên nhiều NH tăng lãi suất huy động để tránh việc khách hàng rút tiền đồng ra để đầu cơ vào đồng USD. Tức lãi suất tiền Việt phải đủ hấp dẫn để tránh tình trạng người gửi tiền rút tiền Việt ra để mua USD, chờ giá USD lên và bán ra kiếm lời.

Người mừng, kẻ lo khi lãi suất tăng

Thực tế cho thấy áp lực đang đè nặng lên lãi suất. Chuyên gia tài chính NH Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Bất cứ khi nào lãi suất huy động tăng thì cũng tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Bởi để giữ được biên độ lợi nhuận kỳ vọng giữa mặt bằng chung của lãi suất cho vay với huy động, các NH cần tranh thủ đẩy mạnh hoạt động tín dụng, trong đó có cộng thêm biên độ lãi suất tiền gửi.

“Hiện nay chưa có dấu hiệu tăng lãi suất cho vay một cách đồng loạt. Song giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay không phải là điều đơn giản. Thậm chí mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm giữ ổn định đã là một nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng” - TS Hiếu dự báo.

Lý do là từ nay đến cuối năm, những biến động thị trường tài chính thế giới có thể tiếp tục gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam. Ví dụ tới đây, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến lãi suất huy động trong nước tăng, từ đó kéo theo lãi suất cho vay có thể tăng theo. Nếu lãi suất tiếp tục tăng cao, khách hàng gửi tiền hưởng lợi. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bất động sản, BOT, BT… sẽ gặp khó.

TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, cũng nhận định: Trên thị trường liên NH, lãi suất tất cả kỳ hạn đều vượt trên 4%/năm. Điều đó có thể thấy thanh khoản đối với một số NH nhỏ hiện có dấu hiệu căng thẳng. Tuy vậy, lãi suất đầu vào chỉ là một trong rất nhiều biến số để quyết định lãi suất cho vay.

“Trong điều kiện lãi suất huy động tăng nhưng mức độ rủi ro của phương án kinh doanh có mức độ rủi ro thấp, tính pháp lý của tài sản thế chấp an toàn hơn, khả năng trả nợ của khách hàng ngày càng tốt thì lãi suất cho vay vẫn sẽ giữ ổn định” - ông Tín phân tích.

Nhu cầu vay vốn vẫn cao

Nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM vẫn ở mức rất cao trong bảy tháng đầu năm nay. Trả lời báo chí, đại diện Chi nhánh NH Nhà nước tại TP.HCM cho biết tỉ lệ cho vay trên vốn huy động của các NH ở TP đã lên đến gần 90%.

Cụ thể, tổng vốn huy động đạt 2.150.600 tỉ đồng, tăng 7,21% so với cuối năm ngoái, trong khi cho vay 1.928.000 tỉ đồng, tăng 9,47%. Mức tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng đã tác động đến mặt bằng lãi suất chung.

Theo Theo Pháp luật TPHCM
MỚI - NÓNG