Đầu tuần này, chị Thanh Liên đến chi nhánh một ngân hàng cổ phần trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 (TP HCM) gửi tiết kiệm 500 triệu đồng kỳ hạn 2 tháng. Nhân viên ở đây cho biết lãi suất là 4,7% một năm, tăng 0,2% so với tuần trước đó.
"Cũng bằng ấy tiền nhưng tuần trước mẹ tôi gửi vào với kỳ hạn tương tự chỉ được hưởng lãi suất 4,5%, tức tầm 1,85 triệu đồng một tháng. Nay số tiền lãi tôi nhận được tăng thêm gần 100.000 đồng mỗi tháng", chị chia sẻ và cho biết còn được tặng một số quà như áo mưa, mũ bảo hiểm.
Không chỉ chị Liên, nhiều khách hàng cho biết khá bất ngờ khi lãi suất tiền gửi tăng lên thời điểm này vì thông thường vào cuối năm các ngân hàng mới hay đẩy lãi suất lên cao để hút vốn.
Theo khảo sát của PV, hơn tuần qua, các ngân hàng đều có động thái tăng lãi suất tiền gửi. Cụ thể, từ ngày 6/8, Techcombank áp dụng biểu lãi suất mới theo hướng tiền gửi càng nhiều, kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao.
Chẳng hạn với khách hàng ưu tiên (khách mở mới sổ tiết kiệm) lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng dành cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng, Techcombank áp dụng 4,7% mỗi năm, tăng 0,2% so với trước đó. Với khách hàng gửi từ 1 đến dưới 3 tỷ đồng, lãi suất 4,9% và trên 3 tỷ đồng lãi suất sẽ là 5% một năm cho kỳ hạn 1-2 tháng.
Ngoài ra, kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên tăng khá mạnh từ 0,1%-0,5% một năm, tùy thuộc vào đối tượng khách hàng và số lượng tiền gửi. Như khách hàng mới mở sổ gửi dưới 1 tỷ kỳ hạn 12 tháng lãi suất 6,6% mỗi năm, nhưng gửi từ 3 tỷ trở lên lãi suất là 6,9% một năm.
Tương tự, VPBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên, thêm 0,1%-0,2% mỗi năm so với biểu lãi suất cũ. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6-11 tháng tăng thêm 0,2% lên 6,7% một năm so với trước đó. Trong khi đó, các kỳ hạn dài từ 12-15 tháng trở lên cũng tăng lên 7,1% mỗi năm.
Mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại VPBank là 7,4% một năm cho khách hàng gửi từ 5 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn từ 18 tháng, tăng 0,2% một năm so với trước.
Cách đây gần hai tháng, các ngân hàng như Sacombank, Vietcombank, Techcombank... đã có đợt giảm lãi suất huy động 0,2-0,4% tùy kỳ hạn.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam cho rằng, về mặt chính sách, chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước và các nhà băng thương mại là cố gắng hạ lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông lý giải, tín dụng những quý cuối năm thường có xu hướng tăng cao, đặc biệt là cho vay ngắn hạn để phục vụ nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn để có thêm nguồn vốn phục vụ cho vay.
Mới đây, lãi suất liên ngân hàng cũng tăng mạnh trở lại với lãi suất qua đêm gấp đôi so với cuối tuần trước đó và gần bằng lãi suất vay trên thị trường mở OMO (4,75%). Đến ngày 10/8, lãi suất qua đêm tăng 2,28% lên 4,42%. Lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tuần đều tăng gấp 1,9 và 1,7 lần thời điểm một tuần trước đó.
Tại buổi làm việc với UBND và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM hôm 10/8, Phó thống đốc Đào Minh Tú đưa ra thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như ổn định lãi suất cho vay, cho vay các lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực đột phá và được đa số các nhà băng bày tỏ sự đồng thuận.
Đại diện lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng việc giảm lãi suất cho vay chỉ nên tính toán ở một số lĩnh vực, ngành nghề. Về cơ bản duy trì sự ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay như hiện nay là phù hợp với các diễn biến vĩ mô của nền kinh tế và đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Trong các tháng cuối năm, Phó thống đốc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM và các nhà băng trên địa bàn tiếp tục tập trung vào hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất và chưa đặt ra yêu cầu tăng hoặc giảm lãi suất huy động và cho vay.