Lãi suất ở Việt Nam đang không giống ai

Lãi suất ở Việt Nam đang không giống ai
Lợi nhuận chênh lệch để bù đắp chi phí lên đến 8-10% khiến ngân hàng lãi khủng còn doanh nghiệp thì dở khóc, dở cười.

Chính sách tiền tệ có lợi cho ngân hàng

Với lý thuyết, lợi nhuận thì chênh lệch 3-4% của ngân hàng là đảm bảo bù đắp chi phí và có lãi. Thực tế đang diễn ra nhiều tháng nay là chênh lệch đã lên đến 8-10%. Và kết quả là ngân hàng thì lãi khủng còn người gửi tiền thì thiệt đơn, thiệt kép, doanh nghiệp khốn đốn vì lãi suất cao.

“Chúng tôi cảm thấy trừ Việt Nam không có đất nước nào thực hiện một chính sách lãi suất như vậy, nhất là trong điều kiện kinh tế bị đình đốn, hàng tồn kho nhiều, đời sống nhân dân khó khăn, sức mua suy kiệt” - ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội siêu thị thành phố Hà Nội đã nêu ý kiến.

Về chính sách tiền tệ, nếu còn duy trì chế độ chặn đầu vào của tiền gửi thì đồng thời cũng phải thực hiện việc chặn đầu ra khi cho vay. Tất nhiên, sẽ có chính sách đầu ra đối với các đối tượng ưu tiên khác nhau trong xã hội. Một phương án khác có thể đến thời điểm nhất định ngân hàng nên thả nổi lãi suất để thị trường tiền tệ giao dịch mua bán sẽ tự quyết định lãi suất của nó.

Ngoài ra, việc minh bạch các chính sách, thông tin cũng cần được thực hiện nghiêm túc. Nhà nước cần cầm chịch giá bán ra của các doanh nghiệp đang ở vị trí thống lĩnh thị trường và độc quyền của các mặt hàng.

Song song với việc giải bài toàn đình trệ sản xuất, tiêu thụ hiện nay, Nhà nước cần chú ý những yếu tố lạm phát quay trở lại, vòng quay đình - lạm sẵn sàng tiếp tục nếu chúng ta không có biện pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Chính phủ yêu cầu NHNN phải hạ nhanh lãi suất cho vay nhưng cũng cần phải đồng thời có biện pháp không để lãi suất quay đầu tăng cao trở lại hoặc biến động thất thường như những năm trước lúc tăng, lúc giảm, khi thì còn 10%, 6% nhưng lúc lên 16, 18, 20%. Có làm được như vậy thì doanh nghiệp và nhà đầu tư mới dám vay và yên tâm vay.

TS Ngô Trí Long cho rằng: Cần điều hành ngay lãi suất theo lạm phát mục tiêu hoặc theo lạm phát cơ bản để hạn chế những cú sốc từ bên ngoài. Mặt khác, tuy giảm nhanh lãi suất nhưng không thể giảm các điều kiện cho vay, giảm chất lượng tín dụng vì nếu không vòng luẩn quẩn nợ xấu sẽ tăng trở lại.

Cùng mạch tư duy này, TS Ngô Trí Long khẳng định, giảm lãi suất mới chỉ là một câu chuyện nhỏ. Bởi nếu giảm lãi suất mà doanh nghiệp không hấp thu được vốn thì cũng không có ý nghĩa gì. Thực tế hiện nay, doanh nghiệp đang khó khăn nhất là đầu ra, hàng tồn kho lớn. Nếu từ nay đến cuối năm tình hình không được cải thiện thì việc hấp thu vốn cũng rất khó khăn. Khi đó, sản xuất tiếp tục đình đốn và chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục thấp, kinh tế có chiều hướng suy giảm. CPI tháng tới có thể tiếp tục giảm hoặc là sẽ tăng rất thấp kéo dài cho tới cuối năm.

Ngân hàng cứu DN hay cùng ôm nhau “chết”?

Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng mới tăng 0,76% so với cuối năm 2011; nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác thì tăng khoảng 1,4%.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhìn nhận, thách thức lớn nhất hiện nay là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, doanh nghiệp khó khăn về tài chính và ngày càng yếu đi, dẫn tới tăng trưởng tín dụng thấp.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Lãi suất quá cao khiến doanh nghiệp ngại vay. Ngân hàng cũng sợ cho doanh nghiệp vay vì có quá nhiều nợ xấu”.

Lãi suất huy động đã lùi về 9%/năm nhưng lãi suất cho vay vẫn ở xa vời vợi. Nên cho dù các ngân hàng tuyên bố lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng đến thời điểm này, chỉ có lác đác vài địa phương, có một vài doanh nghiệp khẳng định là đã tiếp cận được vốn vay với lãi suất 13%/năm. Nhưng, lại là chữ “nhưng”, các DN này phải là những DN có sức khỏe tốt.

Cũng phải nói thêm rằng, các ngân hàng hiện nay đang khó khăn về nợ xấu lớn, nên không dễ gì cho vay nếu dự án vay được xác định là không khả thi. Trước mắt, với mức lạm phát thấp như hiện nay, các ngân hàng vẫn có cơ hội dư thanh khoản, vì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư có lợi lúc này, tránh một sự dịch chuyển tiền ra các lĩnh vực nhạy cảm khác.

Liên quan đến nợ xấu, TS Nguyễn Thị Lan (Học viện Tài chính) cho rằng, nợ xấu đang làm cho lãi suất cao, việc tiếp cận vốn khó khăn, tín dụng không tăng lên được. Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thành đề án mua bán nợ xấu, xác định rõ các nguồn gốc vốn, tổ chức và cách làm phù hợp với chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, cơ cấu lại doanh nghiệp. Theo đó, không nên mua lại nợ xấu thuộc nhóm không thu hồi được, nợ do yếu kém chủ quan của ngân hàng hay doanh nghiệp.

Theo Vũ Hạnh
VOV online

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG