Thấp thỏm cả đêm
Thôn 5 cách trụ sở ủy ban xã Trà Đốc khoảng 12km nhưng vào thôn mất gần 2 giờ đồng hồ vừa chạy xe vừa đẩy bộ vì đường cách trở, sình lầy. Nằm gần như cách biệt giữa núi rừng nên cuộc sống của khoảng 80 hộ dân tộc Ca Dong nơi đây khó khăn thiếu thốn đủ bề vì điện lưới chưa vào đến nơi, trường, trạm chưa có.
Gần 1 tháng nay, cuộc sống người dân bị xáo trộn vì 3 con voi rừng liên tục quậy phá nương, rẫy, vào tận làng. Ban đêm, người dân không dám ra khỏi nhà, thay nhau canh voi.
Tổ 4 thôn 5 nằm sát bìa rừng. Một rẫy lúa của người dân bị voi quần đạp, nhiều diện tích cao su mới trồng, ngô đang độ thu hoạch bị voi giày xéo. Anh Hồ Văn Dũng, 30 tuổi, dẫn chúng tôi đi thăm rẫy lúa vừa trổ đòng của gia đình anh, vừa bị voi phá cách đây 3 hôm, gần như mất trắng.
"Voi thường xuất hiện ban đêm, đi hiên ngang vào làng. Không kiếm được gì ăn chúng lại ngược lên rẫy, ăn lúa, ngô, phá nát hoa màu. Có hôm voi bất thình lình xuất hiện giữa ban ngày, dân làng đang làm rẫy tá hỏa bỏ chạy”, anh Dũng kể.
Theo người dân thôn 5, năm 2006 đàn voi gồm 7 con này từng xuất hiện khiến dân làng khiếp sợ. Mỗi lần voi xuất hiện, dân làng lấy cồng chiêng, xoong nồi, đốt đuốc đuổi voi vào rừng. Nhưng nay, đàn voi chỉ còn 3 con voi cái, lỳ lợm và hung hăng hơn trước rất nhiều.
Đánh trống chiêng, đốt đuốc nhưng voi không chạy mà ngược lại có lúc còn hùng hục chạy về phía dân. Voi lỳ quá nên dân làng không dám đuổi nữa. Hằng đêm, thanh niên, trai tráng thay nhau canh chừng, hễ voi xuất hiện là hô hào nhau vào nhà đóng cửa chặt, phó mặc may rủi.
Ông Hồ Văn Mười, tổ trưởng tổ 4 nhà sát bìa rừng, là hộ bị thiệt hại nặng do voi rừng quấy phá. Rẫy lúa gia đình ông gieo hết 6 ang giống nay đã bị voi phá hết. Giờ cả nhà không ai dám lên rẫy vì sợ voi xuất hiện bất ngờ, tháo chạy không kịp.
“Nhiều đêm, voi về đến tận hiên nhà. Cả nhà nín thở nghe voi thở phì phì trước sân, chờ voi đi rồi mới dám ngủ”, ông Mười cho biết.
Theo ông Mười, năm 2006 đàn voi về làng, làm sập mái hiên nhà ông nhưng lúc đó đàn voi khá hiền, dân làng xua đuổi là voi kéo vào rừng. Nhưng nay, tuy chỉ có 3 con cái nhưng rất hung hăng, hễ thấy người là rượt đuổi, khiến ai cũng sợ.
Voi cái hung dữ
Theo người dân địa phương, đàn voi xuất hiện chỉ còn 3 con voi cái. Ông Trần Văn Lợi, Phó chủ tịch xã Trà Đốc cho biết: Voi rừng liên tục xuất hiện khiến cuộc sống của người dân nghèo ở thôn 5 bị xáo trộn. Voi đã phá hoại nhiều diện tích lúa ngô, hoa màu của người dân. Hiện xã đang cử cán bộ đi thống kê thiệt hại để có hướng kiến nghị hỗ trợ giúp đỡ người dân.
Cũng theo ông Lợi, đàn voi này xuất hiện khu vực Suối Bùn giáp ranh giữa thôn 5 xã Trà Đốc và xã Phước Trà (Hiệp Đức). Trước đây, đàn voi sống ở khu vực giữa xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) và Trà Sơn (Bắc Trà My), do khu vực này rừng bị tác động mạnh nên đàn voi bơi qua sông Tranh vào khu vực thôn 5, rồi phá phách ở đây.
“Voi đực đã bị săn bắn hết, nay chỉ còn voi cái. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu, có phương án để di dời hoặc xua đuổi đàn voi sớm để dân sớm ổn định cuộc sống, làm ăn”, ông Lợi cho hay.
Anh Hồ Văn Dũng trên rẫy lúa bị voi đạp nát
Một cán bộ kiểm lâm huyện Bắc Trà My cho biết: Trước đây đàn voi có 7 con gồm cả voi đực, voi cái đi từ Hiệp Đức qua. Năm 2003 đàn voi này về tận khu vực thị trấn Trà My quấy phá, rồi được xua đuổi vào rừng. Thi công công trình thủy điện Sông Tranh 2, có nổ bom mìn khiến đàn voi này hoảng sợ chạy qua Hiệp Đức, Quế Sơn. Mấy năm qua, voi đực đã bị săn bắn nên chỉ còn 3 con voi cái.
Vì thiếu voi đực, bị xua đuổi nên voi cái rất hung hăng. Theo ông Phạm Trung Sỏi - Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Bắc Trà My: Xưa kia đàn voi có cả trăm con. Năm 2003 voi về địa bàn, ghi nhận có 7 con có cả voi đực. Nay, theo người dân phản ánh đàn voi chỉ còn 3 con là voi cái. Voi đực chắc đã bị săn bắn hết rồi, nên mới chỉ còn lại voi cái như vậy.
Về lâu dài nếu không có biện pháp kịp thời số phận 3 con voi hiện xuất hiện ở thôn 5 Trà Đốc sẽ rất nguy hiểm. Bởi vào năm 2003, từng xảy ra việc một con voi cái tách đàn, bị xua đuổi và chết tại xã Trà Tân vì kiệt sức.
Liên quan đến việc đàn voi hung hãn, uy hiếp tính mạng của người dân, ông Sỏi cho biết: “Trường hợp voi uy hiếp tính mạng người dân cơ quan chức năng muốn bắn phải xin ý kiến Thủ tướng chính phủ vì voi là động vật quý hiếm”.
Trước việc voi về phá làng, ông Sỏi cho biết: Kiểm lâm huyện chỉ biết tuyên truyền người dân phải tự bảo vệ lấy mình bằng cách tránh xa khi voi xuất hiện, tiến hành các biện pháp xua đuổi không được giết hại voi.
Về kinh phí bảo tồn, kiểm lâm huyện không có. Những năm trước, cùng với UBND huyện, hạt kiểm lâm có hỗ trợ gạo lúa cho các hộ dân bị thiệt hại. Hiện nay, kiểm lâm địa bàn đang nắm lại tình hình, báo cáo UBND huyện để có biện pháp hỗ trợ giúp dân.