Lại cạn khô nước mắt

Người thân của các ngư dân mất tích đã cạn nước mắt ngóng trông Ảnh: PĐ - V.M
Người thân của các ngư dân mất tích đã cạn nước mắt ngóng trông Ảnh: PĐ - V.M
TP - Lương thực chuẩn bị cho chuyến ra khơi khai thác rau câu (rau chân vịt) ở quần đảo Hoàng Sa chỉ đủ cho ngư dân dùng một tháng, nhưng nay đã 2 tháng mà thông tin về tàu cá QNg 66192TS do ông Lê Minh Tân (ở thôn Đông, xã An Vĩnh, Lý Sơn) làm thuyền trưởng cùng 5 lao động khác vẫn không một ai biết rõ.

> Sáu ngư dân Lý Sơn mất tích ở Hoàng Sa

Người thân của các ngư dân mất tích đã cạn nước mắt ngóng trông Ảnh: PĐ - V.M
Người thân của các ngư dân mất tích đã cạn nước mắt
ngóng trông. Ảnh: PĐ - V.M.

Lý Sơn mùa này biển vẫn dậy sóng. Khung cảnh u buồn, lo lắng bao trùm hàng chục nóc nhà nơi gia đình thuyền trưởng Lê Minh Tân sinh sống. Bà Ngô Thị Việt, vợ ông Tân mấy ngày qua liên tục ngất lịm trong vòng tay của bà con lối xóm. Mỗi khi tỉnh dậy bà lại nhấc máy liên lạc với hy vọng gặp chồng nhưng rồi lại vô vọng. Chị em phụ nữ đến động viên bà Việt ngồi chật cứng lối vào nhà, gương mặt ai cũng buồn rượi.

Trên con tàu mất tích có một thuyền viên đặc biệt mà nhiều người đã biết, đó là ngư dân 70 tuổi Nguyễn Đảng. Ông chính là thành viên cao tuổi nhất trên con thuyền số hiệu QNg 66478 do sói biển Mai Phụng Lưu làm thuyền trưởng, vừa được Trung Quốc thả về từ Hoàng Sa hồi tháng 10 vừa rồi. Nay thì ngư dân can trường ấy lại bặt vô âm tín.

Bà Nguyễn Thị Xí (50 tuổi), vợ ông Đảng, kể trong nước mắt: “Ông ấy bị Trung Quốc bắt giam ở Hoàng Sa mới được thả về đi làm lại kiếm tiền lo Tết cho gia đình. Trước khi đi, ông ấy dặn chờ tôi kiếm ít tiền về rồi mới đi sắm Tết. Mẹ con đinh ninh giáp Tết ông ấy về gia đình sum họp, ai ngờ … Không biết trời phật có run rủi phù hộ ổng và mấy anh em thêm lần nữa không?”.

Mấy ngày qua, vợ chồng anh Hồ Văn Ki và chị Ngô Thị Bích – ba mẹ của ngư dân Hồ Văn Lâm cũng chẳng thiết ăn uống gì, cả ngày chỉ ngồi dõi mắt ra ngõ chờ ngóng tin con. Lâm mới 19 tuổi, là lao động trẻ nhất trên tàu. “Chỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vợ chồng tôi mới cho cháu đi kiếm chút tiền về xoay xở Tết. Cháu nó mới 19 tuổi mà đã phải chịu khổ. Trước khi ra khơi cháu nó còn dặn mẹ đừng sắm quần áo Tết cho nó để về có tiền nó tự đi sắm, nào ngờ...” - chị Bích kể.

Ngày 22-12-2010, tàu cá QNG 66192 TS của ông Tân ra quần đảo Hoàng Sa hành nghề hái rau câu. Tuy nhiên, những ngày giáp Tết thời tiết trên biển diễn biến xấu. Biển ngớt động 2 - 3 ngày rồi lại nổi sóng, gió giật cấp 8 - 9.

Tại quần đảo Hoàng Sa, hàng trăm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi và các tỉnh vẫn cố bám trụ để đánh cá về quê ăn Tết. Sáu ngư dân trên tàu bị nạn cũng trụ lại trong đoàn tàu mắc kẹt ở Hoàng Sa. Bởi trời động thì không thể cho tàu chui vào các đảo ngầm hái rau.

Ngày 15-2-2011, tàu QNG 9029TS của ông Phạm Minh Sách là tàu cá cuối cùng trụ bám ở Hoàng Sa xuyên Tết trở về đất liền. Người thân của các ngư dân đi trên tàu ông Tân mới tá hỏa về việc chồng con mất tích. Theo các ngư dân trên tàu QNG 96307TS của ông Nguyễn Văn Lộc ở cùng quê trình bày, họ đã nhìn thấy chiếc tàu và 6 ngư dân này lần cuối cùng vào ngày 12-1-2011 tại khu vực đảo Bom Bay.

Hiện nay, UBND huyện Lý Sơn và Bộ đội Biên phòng đã giao nhiệm vụ cho 8 tàu cá của ngư dân Lý Sơn đang hành nghề tại quần đảo Hoàng Sa tổ chức tìm kiếm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của ngư dân, 6 ngư dân và tàu cá của ông Lê Minh Tân ít có khả năng sống sót.

Chiều ngày 21-2, ông Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết tỉnh đã đề nghị Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ tìm kiếm 6 ngư dân và tàu QNg 66192 TS. Danh sách các ngư dân gồm: Lê Minh Tân, Hồ Văn Lâm, Nguyễn Hoàng, Trần Văn Lành, Trương Văn Tiến và Nguyễn Đảng.  

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG