Lại bức xúc chuyện ngô không hạt

Lại bức xúc chuyện ngô không hạt
TP - Hàng chục hộ ở xã Đông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai trồng giống ngô NK67, sản phẩm mới của Cty Syngenta do Cty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang phân phối. Hơn 70 ha ngô đến giai đoạn trổ cờ đã bị hỏng, đến nay coi như mất trắng.
Ngô không hạt ở Kbang
Ngô không hạt ở Kbang.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng thôn 7, xã Đông dẫn chúng tôi đi quanh khu vực Tây sông Ba - nơi hầu hết nông dân địa phương trồng giống ngô mới. Nhiều diện tích ngô phát triển rất tốt, cây to, cao khoảng 2m nhưng khi lội vào ruộng và lột vỏ bắp ra mới thấy bên trong không có hạt hoặc chỉ lưa thưa vài hạt, bắp chỉ bằng ngón tay đã thối đen. Thậm chí, nhiều cây không ra trái. Nhiều diện tích khác thì lá cháy, xoắn lá, phát triển kém. Chỉ tính riêng thôn 7 đã có 25 ha ngô bị hư hại.

Có 50 ha ngô lai ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán và huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, vụ đông xuân 2012 - 2013 có hiện tượng không hạt hoặc sún răng. Tập trung chính là 2 giống NK7328 và NK67, trong đó nặng nhất là NK7328 của Cty Syngenta do Cty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang, Cty Cổ phần Khử trùng Việt Nam phân phối, giá bán từ 100.000 đồng/kg...

Gia đình ông Huỳnh Quốc Bảo, ở thôn 7 trồng 2 ha ngô ở NK 67 ở khu vực Tây sông Ba. Ông Bảo cho biết: Khi xuống giống, thấy ngô lên đều và thời tiết thuận lợi nên gia đình tập trung chăm sóc kỹ hơn các năm trước.

Cây ngô phát triển rất tốt, quá đầu người, nhưng đến giai đoạn trổ cờ thì bị nghẽn; bắp ra quả nhỏ và cây khô héo dần. Mấy năm trước, nhà trồng giống DK88 hay 9698, năng suất cũng được, nhưng vừa rồi bên đại lý mời đi hội thảo giống của Syngenta. Gia đình tham quan tại đồng thấy năng suất đạt cao nên chuyển sang trồng thử vụ đầu, nhưng cây bị cháy và hư hết, không ra trái.

Với diện tích này, chỉ tính tiền cày, giống, phân bón…, gia đình cũng bỏ ra hơn 15 triệu đồng, chưa tính công lao động. Tưởng vụ này sẽ bội thu, nhưng giờ coi như mất trắng. Gia đình ông đành chặt bỏ những cây hỏng để chuẩn bị đất cho vụ 2.

Ngay bên cạnh đám ngô của ông Bảo, hơn 2 ha ngô của gia đình ông Trương Công Định trồng bằng giống NK67 và cũng nằm trong tình trạng tương tự. Cây ngô vẫn còn xanh, nhưng quả thì vừa quá nhỏ lại không có hạt, mất đến 90%. Gia đình cũng đành bỏ vậy để cho các hộ khác chặt cây về làm thức ăn cho gia súc.

Gần 20 triệu tiền đầu tư vào đây coi như là mất trắng. Ông Định nói: “Giống NK67 năm nay chúng tôi chuyển đổi cũng là do chương trình khuyến nông người ta quảng cáo. Nói chung, những hộ trồng giống này ở cái đất Tây sông Ba đều bị hư hết. Bây giờ yêu cầu các ban ngành, đoàn thể kiến nghị lên Cty là để bồi thường hay là hỗ trợ để nhân dân tái sản xuất”.

Ai chịu trách nhiệm?

Xã Đông đã có trên 70 ha ngô bị thiệt hại, trong đó hộ nhiều nhất là hơn 2 ha, hộ ít cũng vài sào. Trên cùng một cánh đồng, nhưng chỉ có những đám trồng giống NK67 mới bị hiện tượng như trên. Có những đám trồng xen lẫn giống NK67 và loại giống khác thì chỉ có cây ngô giống NK67 bị hư hại. Những cây ngô bị hư này xuất hiện nhiều sâu bệnh gây hại ở phần ngọn và quả.

Theo các hộ dân ở đây, NK67 là loại giống mới; vụ ngô năm ngoái có một số hộ trồng ở khu vực này và cho năng suất khá cao, thấy vậy nên vụ này, nhiều hộ chuyển sang trồng nhưng không biết vì sao lại bị tình trạng trên. Các hộ dân đã phản ánh lên chính quyền địa phương và ngành chuyên môn.

Ông Nguyễn Văn Thủ, Phó Chủ tịch UBND xã Đông, cho hay, chính quyền địa phương đã rà soát, thống kê diện tích bị hư hại để báo cáo và đề nghị UBND huyện cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguyên nhân. Nếu nguyên nhân từ giống NK67 thì cơ quan phân phối giống cần hỗ trợ kịp thời cho bà con khắc phục
hậu quả.

Ông Phạm Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, cho biết, ngay sau khi nhận được báo cáo của xã, huyện đã có văn bản chỉ đạo giao trách nhiệm cho Phòng NN&PTNT huyện chủ trì, phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện và UBND xã Đông để kiểm tra thực tế diện tích trồng ngô lai NK67 bị thiệt hại và giá trị thiệt hại. Đồng thời, kiểm tra cụ thể nguồn gốc của giống ngô lai này, tìm nguyên nhân xảy ra hiện tượng trên.

Cty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang đã phối hợp các cơ quan chuyên môn của huyện Kbang và chính quyền địa phương kiểm tra thực tế tại cánh đồng để xác định nguyên nhân. Ông Phạm Xuân Trường cho biết, phải đến ngày 9/7, phía cung cấp giống mới hẹn làm việc với UBND huyện để làm rõ vấn đề ngô không hạt cũng như trách nhiệm của họ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG