Lại bán xăng dầu nhỏ giọt

Lại bán xăng dầu nhỏ giọt
Mấy ngày qua, hàng loạt cây xăng ở khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ lại xảy ra tình trạng bán nhỏ giọt hoặc đóng cửa hẳn. Đặc biệt trong ngày 1 và 2-5, số lượng cây xăng đóng cửa đã tăng vọt.

Lại bán xăng dầu nhỏ giọt

>> Xử lý nghiêm cây xăng bán “khoán” cho dân

Mấy ngày qua, hàng loạt cây xăng ở khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ lại xảy ra tình trạng bán nhỏ giọt hoặc đóng cửa hẳn. Đặc biệt trong ngày 1 và 2-5, số lượng cây xăng đóng cửa đã tăng vọt.

Nông dân xã Tân Hội, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) mua xăng để bơm nước mỗi lần chỉ được 20.000 đồng (ảnh chụp trưa 2-5). Ảnh: T.Tú
Nông dân xã Tân Hội, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) mua xăng để bơm nước mỗi lần chỉ được 20.000 đồng (ảnh chụp trưa 2-5). Ảnh: T.Tú.

Điều đáng nói, tình trạng trên chỉ xảy ra phổ biến ở các khu vực nông thôn, khu vực sát với biên giới với Campuchia.

Bán 20.000 đồng/lần

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 2-5, đi suốt quãng đường 30km trên quốc lộ 53 thuộc các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và nhiều đoạn quốc lộ 54 thuộc các huyện Trà Cú, Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh), nhiều cây xăng đóng cửa nghỉ bán. Nơi thì kéo rào kín khu vực bán xăng, nơi thì mở cửa và ghi bảng “hết xăng”.

Mãi khi tới xã Long Toàn, huyện Duyên Hải, chúng tôi mới gặp một cây xăng mở cửa bán. Cây xăng này của Công ty Xăng dầu Trà Vinh (Petrolimex Trà Vinh). Nhân viên bán xăng cho biết do hầu hết cây xăng tư nhân trong khu vực đóng cửa nên các cây xăng Petrolimex Trà Vinh chỉ bán cho khách quen và đổ đủ xăng cho phương tiện chứ không bán số lượng lớn. Theo phản ảnh của người dân, rất nhiều cây xăng ở Trà Vinh đang áp dụng chính sách bán nhỏ giọt, không quá 2 lít/phương tiện; thậm chí có nơi chỉ bán 20.000 đồng/lần.

Tại Long An, nhiều cây xăng ở huyện Tân Thạnh hết dầu nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc bơm tát cho vụ hè thu. Mấy ngày qua, cây xăng Phục Hưng ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh tuyên bố hết dầu, xăng chỉ bán tối đa 30.000 đồng/phương tiện. Trong khi đó cây xăng TB ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng lén lút bán xăng giá cao hơn quy định. Ngày 27-4, phóng viên Tuổi Trẻ chụp được ảnh bảng đồng hồ điện tử một cột bơm xăng ghi rõ đơn giá 22.000 đồng/lít (cao hơn thị trường 700 đồng/lít).

Tại Tiền Giang, nhiều cây xăng tại khu vực Châu Thành, Cai Lậy bán cầm chừng, mỗi người chỉ được mua 20.000-30.000 đồng/lần; thậm chí có cây xăng đóng cửa vài giờ trong ngày. Trưa 2-5, chúng tôi tới cây xăng Thiệu Minh ở xã Nhị Mỹ (huyện Cai Lậy) để đổ xăng. Nhân viên chỉ bán 20.000 đồng chứ không bán nhiều hơn. Cây xăng này là đại lý bán lẻ của Công ty CP thương mại tổng hợp xăng dầu miền Tây.

Tại An Giang, ba ngày nghỉ vừa qua trong khi tuyến quốc lộ 91 luôn tấp nập dòng xe đi chơi lễ thì nhiều cửa hàng xăng dầu hai bên đường đóng cửa. Nhiều điểm chỉ bán số lượng nhỏ giọt, thường mở cửa lúc 8g và kéo rào ngưng bán lúc 16g. Ngày 2-5, chúng tôi tiếp tục lần lượt ghé vào một số cây xăng trên địa bàn các huyện Châu Thành, Châu Phú, mỗi điểm chỉ được đong 20.000 đồng xăng cho xe gắn máy và 50.000 đồng dầu đối với ôtô.

Tại Bình Phước, cây xăng ngừng bán hoặc bán cầm chừng nên nhiều người dân phải mua xăng ngoài với giá đắt hơn. Anh Nguyễn Thế Toàn (ngụ ấp 3, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh) cho biết: “Tôi đến các cây xăng Hoàng Trọng, Hoàng Sơn trên quốc lộ 13, đoạn thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh đổ xăng nhưng nhân viên bán hàng ở các cây xăng này chỉ cho biết cây xăng nghỉ bán mà không nói lý do”.

Tương tự, việc cây xăng nghỉ bán hoặc bán cầm chừng cũng diễn ra tại Đồng Nai. Tại địa bàn huyện Tân Phú, nhiều cây xăng đóng cửa để bảng “cúp điện” trong khi toàn bộ địa bàn huyện vẫn có điện. Nhiều người đi xe máy phải đẩy bộ nhiều kilômet kiếm cây xăng. Cá biệt, cây xăng Đinh Ngọc Cẩn ở xã Phú Xuân chỉ bán cầm chừng, mỗi người chỉ được mua một lần 20.000 đồng.

Ở khu vực biên giới và vùng sâu, tình hình xăng dầu có phần khó khăn hơn, người dân cần chạy ghe tàu, máy xới, máy bơm nước... nhưng không thể mua.

Hạ mức chiết khấu

Theo ghi nhận của PV, những điểm tự ý nâng giá, ngưng bán nói trên thuộc các hệ thống phân phối của Petrolimex, Saigon Petro, PV Oil, Petimex, Petro Mekong... Nhiều cửa hàng thừa nhận nguồn cung hiện nay của các tổng công ty vẫn đáp ứng đủ, không hề giảm so với trước, có điều mức chiết khấu hoa hồng quá thấp: 150-200 đồng/lít, không thể bù đắp chi phí kinh doanh.

Bà Lê Thị Nương - chủ cây xăng Huệ Nương ở xã Tân Hội (Cai Lậy, Tiền Giang), là đại lý của Petec cũng đang bán cầm chừng vì thiếu hàng - cho biết trước đây khi đặt hàng, Petec cho gối đầu một đợt hàng, nhưng gần đây đại lý bán lẻ chỉ được nợ 50% trong vòng năm ngày. Ngoài ra, chiết khấu của Petec cho đại lý hiện chỉ còn 40 đồng/lít nên bà không còn mặn mà kinh doanh xăng dầu.

Ông Phan Lợi, chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường An Giang, nhìn nhận nguồn cung ứng xăng dầu hiện nay vẫn bảo đảm, không hề thiếu hụt. Tuy nhiên mấy ngày qua có tình trạng cửa hàng ngưng kinh doanh, bán giá cao hơn quy định giống như từng xảy ra ở các thời điểm xăng dầu chuẩn bị tăng giá lần trước. “Chúng tôi cho lực lượng cải trang trong vai người đi mua xăng dầu, nếu phát hiện trường hợp ngưng bán không lý do chính đáng, tự ý nâng giá sẽ xử lý nghiêm, có thể đề nghị rút giấy phép kinh doanh” - ông Lợi cho biết.

Trao đổi với PV ngày 2-5, hầu hết các đầu mối xăng dầu lớn như Petrolimex, Saigon Petro, PV Oil... đều khẳng định: đã bán đúng lượng các đại lý đã đăng ký mua và không giảm sản lượng xăng dầu khu vực ĐBSCL. “Chúng tôi bán bao nhiêu, có hợp đồng và biên lai giao hàng nên cơ quan chức năng có thể kiểm tra. Còn chuyện tổng đại lý bán đi đâu, nhỏ giọt hay không, chúng tôi khó kiểm soát” - giám đốc một công ty đầu mối xăng dầu nói.

Hiện các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã kiến nghị tăng giá xăng dầu. Mức chiết khấu cho các đại lý cũng đã giảm còn 200-250 đồng/lít.

Quản lý kinh doanh xăng dầu khu vực biên giới:

Người dân phải đăng ký nhu cầu

Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khu vực biên giới phải lập nhu cầu tiêu dùng, còn cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh và người dân trên địa bàn phải đăng ký nhu cầu tiêu thụ... Đây là những nội dung chính trong dự thảo quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu khu vực biên giới đất liền và biên giới biển vừa được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến đóng góp.

Theo dự thảo này, ngoài việc đăng ký nhu cầu sử dụng của các cơ sở kinh doanh, cư dân thường xuyên cư trú tại xã biên giới có tàu thuyền đánh bắt thủy sản phải ghi rõ bản kiểm soát phương tiện, nhu cầu từng chủng loại dầu, họ tên chủ phương tiện, nơi cư trú... có xác nhận của chính quyền địa phương. Khi mua xăng dầu, các đối tượng này phải xuất trình giấy đăng ký phương tiện, giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hành nghề, lượng xăng dầu tiêu thụ thường xuyên...

Các phương tiện vãng lai như xe khách, xe tải chỉ được mua tối đa 50 lít xăng dầu/ngày, tàu thuyền vãng lai chỉ được mua tối đa 100 lít/lần/ngày tại các cửa hàng xăng dầu biên giới. Ngoài ra, dự thảo quy định này cũng không cho phép bán xăng dầu qua các dụng cụ đo lường như can, ca nhựa, không được mua đi bán lại... Đây là một trong những biện pháp nhằm hạn chế buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG