Lạc giữa mùa yêu ở Toom Sara

0:00 / 0:00
0:00
Điệu múa tung tung da dá – điệu múa dâng Trời truyền thống của người Cơ Tu được dân làng biểu diễn trong khuôn khổ lễ hội Ảnh: Giang Thanh
Điệu múa tung tung da dá – điệu múa dâng Trời truyền thống của người Cơ Tu được dân làng biểu diễn trong khuôn khổ lễ hội Ảnh: Giang Thanh
TP - Giữa mùa yêu của người Cơ Tu, bên những cánh rừng đại ngàn ngập sắc hoa cỏ mùa xuân, cư dân làng Toom Sara (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) vẫn cần mẫn vun vén để gieo mầm tình yêu văn hóa Cơ Tu trong chính cộng đồng của họ cũng như trong lòng du khách thập phương.

1. Cách trung tâm Đà Nẵng hơn 50km về phía Tây, có một ngôi làng Cơ Tu nằm nép mình dưới những núi đá, những tán lá rừng, bên những khe suối róc rách rực rỡ các loại hoa rừng. Ngôi làng ấy có tên là Toom Sara, trong tiếng Cơ Tu, “toom” nghĩa là suối, “sara” là tên 1 loài hoa. Đây là vùng đất lâu đời của người Cơ Tu ở Hòa Phú. Ngôi làng chỉ có 30 hộ với hơn 100 nhân khẩu, gồm người Cơ Tu ở huyện Đông Giang (Quảng Nam) và ở xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Hơn chục mái nhà Moong (nhà truyền thống của người Cơ Tu) được dựng quây quần quanh nhà Gươl. Ở đây, người Cơ Tu vừa sinh sống, vừa làm du lịch bằng chính cuộc sống thường ngày và những nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Dưới những mái nhà Moong, người già, người trẻ của làng Toom Sara dệt vải, đan lát, điêu khắc… để đón khách du lịch, hái lượm rau rừng, quả rừng để bán cho du khách.

Già làng Alăng Đợi (58 tuổi) lặn lội từ Đông Giang (Quảng Nam) xuống vùng đất Hòa Phú, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) để dạy văn hóa truyền thống cho người Cơ Tu ở các thôn Tà Lang, Giàn Bí, Phú Túc. Đó là cả một hành trình dài và nghe có vẻ cũng khá ngược đời khi người Cơ Tu phải khăn gói đến vùng Tây Giang, Đông Giang của Quảng Nam để học văn hóa của chính dân tộc mình. “Lúc mình xuống, các bạn trẻ và cả người già trong các làng Cơ Tu ở Đà Nẵng đều mất hết bản sắc người Cơ Tu, họ mặc quần áo như người Kinh, tập tục cưới gả rồi họ tên cũng giống người dưới xuôi hết”, già làng Đợi nhớ lại.

Lạc giữa mùa yêu ở Toom Sara ảnh 1

Trai tráng Toom Sara dựng cây nêu Ảnh: Giang Thanh

Vài năm trôi qua, những nét văn hóa Cơ Tu dần dần được phục dựng; người Cơ Tu đem văn hóa đi làm du lịch, tạo sinh kế bền vững cho những bản làng giữa núi rừng Hòa Vang. Làng du lịch cộng đồng Tà Lang - Giàn Bí, làng nghề rượu cần Phú Túc, làng truyền thống Cơ Tu Toom Sara… là minh chứng rõ nét cho việc người Cơ Tu cải thiện đời sống bằng việc phục dựng những tập tục tốt đẹp, những nghề truyền thống để phục vụ du khách, phát triển du lịch cộng đồng bài bản và bền vững.

Giờ đây, người Cơ Tu ở Hòa Phú nói riêng và cả Hòa Vang nói chung biết dệt thổ cẩm, đan lát, ủ rượu cần, khắc gỗ... Già làng Đợi tự hào: “Người Cơ Tu giờ biết mở tua, đón khách, làm giàu từ chính những vốn quý của dân tộc mình, cải thiện đời sống. Mình rất mừng vì người Cơ Tu ở Hòa Vang đã tìm lại về được với nguồn cội, với những nét văn hóa đặc sắc, lớp trẻ cũng rất trân trọng, vui vẻ học tập và giữ gìn truyền thống của cha ông”.

2. Đầu tháng 3 hằng năm thường là mùa lễ hội của người Cơ Tu. Trong sắc xuân, muôn loài sinh sôi nảy nở, người Cơ Tu làm lễ dựng cây nêu để gửi lời cảm tạ trời đất, núi rừng, sông suối. Những đôi trai gái Cơ Tu dập dìu sánh đôi trong lễ “đi sim” để làm quen và kết duyên. Theo già làng Alăng Đợi, vùng đất mà ngôi làng Toom Sara này được dựng lên - đúng như tên gọi của nó - cứ vào đầu tháng Ba, hàng trăm loài hoa rừng nở tràn bên những dòng suối, dưới những tán rừng rậm rạp với đủ loại sắc màu. Năm nay, lễ hội của làng được tổ chức muộn hơn vì dịch COVID - 19, những sắc hoa đã thưa bớt, nhưng những cánh bướm dập dìu rợp một góc trời vẫn khiến du khách đến đây mê đắm.

Dân làng Toom Sara tươi tắn, khỏe mạnh trong trang phục thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu dập dìu theo tiếng trống, tiếng chiêng để tạ ơn các vị Giàng (thần linh) vì một năm mưa thuận gió hòa. Những thanh niên lực lưỡng dựng x’nur (cây nêu) ra giữa khoảng sân trước nhà Gươl. Nam thanh nữ tú nhảy múa điệu tung tung da dá xung quanh cây nêu tạo nên hai vòng tròn, nữ trong - nam ngoài, tượng trưng cho sự phồn thực, no đủ.

Lễ hội năm nay ở làng Toom Sara được gọi là “Mùa yêu”, bởi lẽ xuân về khi trăm hoa đua nở, trai gái Cơ Tu đến tuổi sẽ tìm cặp tìm đôi. Mùa xuân trong văn hóa người Cơ Tu là mùa “đi sim”, là mùa mà thanh niên tự do tìm hiểu, tính chuyện trăm năm. Trong những ngày hội làng, nam nữ độc thân đến tuổi trưởng thành lại háo hức rủ nhau “đi sim”. Con trai mang theo cây đàn abel (đàn tình yêu) để cùng bạn gái vừa chơi đàn vừa hát giao duyên tâm sự suốt đêm trên nhà Moong hoặc bờ suối, nương rẫy trong rừng...

Và tuyệt nhiên chỉ dừng ở trò chuyện, tìm hiểu. “Tục “đi sim” rất thiêng liêng đối với người Cơ Tu. Con chim có đôi, con cá có bạn, thanh niên Cơ Tu lớn lên được gia đình ủng hộ đi tìm người yêu để bàn chuyện kết hôn, sinh con. Các đôi trẻ có thể thoải mái tìm hiểu, được sự đồng ý của hai bên gia đình nhưng tuyệt không có chuyện “ăn cơm trước kẻng” như dưới xuôi”, già làng Đợi nói.

Nhóm làm dự án mong muốn, thông qua nhiều kênh, bằng nét truyền thống và cả hiện đại, quảng bá được hình ảnh về làng, về những con người Cơ Tu cần mẫn giữ gìn bản sắc văn hóa nơi đây đến đông đảo du khách thập phương. Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng người Cơ Tu có thể tự dàn dựng, biểu diễn và giới thiệu những “đặc sản” văn hóa mang đậm đặc trưng dân tộc họ để phục vụ du khách”. ông Võ Quảng

Những ngày diễn ra lễ hội Toom Sara Fest, dân làng tự chuẩn bị chương trình, tham gia biểu diễn phục dựng những tập tục văn hóa truyền thống của người Cơ Tu như: tục “đi sim”, lễ dạm ngõ, lễ cưới truyền thống, hát lý, nói lý giao duyên, xin cưới… Bản thân họ sẽ tự nói về những tập tục truyền thống, giới thiệu đến du khách những nét đặc trưng của dân tộc mình.

Giữa không gian thanh vắng, mát rượi của Hòa Phú, sân khấu được dựng lên bên thung lũng gợi nhớ không gian âm nhạc Mây Lang Thang đặc trưng của Đà Lạt đang “làm mưa làm gió” gần đây. Nhưng trên sân khấu na ná Đà Lạt ấy, nam thanh, nữ tú đồng bào Cơ Tu múa những điệu múa, hát những lời hát được truyền lại từ nhiều thế hệ mang đến những chiêm nghiệm vừa quen, vừa lạ.

Chuỗi lễ hội mang tên làng - Toom Sara Fest - là dự án “người Cơ Tu làm du lịch”, sử dụng chính những chất liệu từ cuộc sống hằng ngày của đồng bào Cơ Tu để viết nên câu chuyện văn hóa du lịch thuần túy cho riêng họ. Theo ông Võ Quảng (giám đốc truyền thông của dự án Toom Sara Fest), những hoạt động của dự án, ngoài văn hóa Cơ Tu, Ban tổ chức sắp xếp nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng với những nghệ sĩ tên tuổi để quảng bá làng Toom Sara.

MỚI - NÓNG