>Bí ẩn từ những khối đá ở Tràng An
>Tràng An: Ngất ngây vẻ đẹp nguyên sơ
>Quan chức UNESCO "mê mẩn" Tràng An
Đường vào khu voọc cư trú |
Cá chép ma bắt về nấu, khi mở vung ra chỉ còn trơ xương với da, hệt như có bàn tay của ma quỷ lấy cắp hết thịt. Cá này thường sống trong hang nước sâu quanh năm, mùa đông mới bơi ra và chỉ gặp ở ven đầm Cút.
Người già kể rằng, hồi những năm 1963 - 1964 trước khi đắp đê đầm Cút để ngăn lũ, phần lớn các hang quanh khu vực này đều là hang cạn. Sau, nước dâng lên lấp cả cửa biến thành hang ngập nước như hang Cá, hang Vồng, hang Bóng… Muốn xuống các hang ấy chỉ có con đường duy nhất là hít một hơi lặn rồi trồi lên mới vào nổi.
Lão ngư Trần Văn Mạnh ở thôn Phú Sơn (xã Vân Long) dù đã bỏ nghề săn cá cỡ 20 năm nay kể với tôi rằng cứ đến giữa đông, tiết đại hàn, mặt nước nghi ngút hơi như trong nồi luộc bánh chưng, cá chép ma lại nổi lên ngớp không khí rồi lặn xuống đáy đầm Cút tạo thành âm thanh đánh “ùm” trên mặt nước.
Thân cá màu sáng, mình và vảy giống hệt cá chép, lắm con nặng đến dăm ba cân. Nặng thì nặng vậy nhưng chép ma mình dẹt, vị rất tanh, nếu có đánh được cũng thường để nấu cho lợn.
Thủa đó, ông Mạnh dùng chĩa sắt loại 7 răng hoặc 9 răng, cái cán bằng tre, gỗ, mũi chĩa dài 50 cm để dễ dàng xuyên qua đám rong đuôi chó dầy đặc trên mặt đầm Cút. Hễ thấy bóng cá là “phập”, cái chĩa như một mỗi lao phóng thẳng xuống nước, ghim ngọt vào thân con vật đang hối hả trốn chạy.
Kỷ lục nhất trong đời, ông Mạnh từng dùng chĩa khuất phục được con cá nặng tới 21 kg. Đã qua rồi thời của lũ cà cuống sống trong những bụi liễn, bụi lác, tối nổi lên mặt nước đẻ trứng từng hàng, màu trứng lấm tấm như đất, nướng ăn bùi bùi, thơm thơm, nhớ đến khi đất rơi lộp bộp trên huyệt mộ.
Đã qua rồi thời của những con cá trèo đồi đầu nhọn như đầu rắn, thân giống như cá chuối, đôi vây cứng khỏe có thể rạch lên bờ như cá rô mùa nước. Đã qua rồi thời của những con chép ma tiết đại hàn thường búng nước đánh ùm ở đầm Cút. Ông Mạnh rầu rầu bảo: “Trên 20 năm nay, từ hồi môi trường sống thay đổi, chúng tôi không còn thấy xuất hiện một con cá chép ma nào nữa”.
Hết chuyện dưới nước lại chuyện trên cạn. Vân Long là khu điển hình của địa hình các - tơ xen lẫn đầm lầy. Dãy núi đá vôi ở đây có hệ sinh thái độc đáo với điểm nhấn là voọc quần đùi trắng hay còn gọi là voọc mông trắng thuộc họ khỉ - một trong 25 loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm trên thế giới.
voọc quần đùi trắng. |
Ở Việt Nam, voọc quần đùi trắng chỉ còn khoảng 300 cá thể phân bố tại Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa.
Lúc thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long năm 2001, các nhà khoa học thống kê có 43 cá thể voọc nhưng năm 2010 thống kê có 110 cá thể và hiện nay đã tăng lên khoảng 150 cá thể.
Vì những thành tích ấy, Vân Long được ghi nhận vào sách kỷ lục là địa phương có loài voọc mông trắng nhiều nhất ở Việt Nam. Ở đâu chuyện chứng kiến những loài thuộc sách đỏ trong điều kiện sống tự nhiên đều là cơ hội hiếm có trong đời nhưng ở Vân Long ngắm voọc quần đùi trắng dễ như ăn một bữa cơm bụi.
Voọc thường xuất hiện ở khu núi Chân Tiên hay hang Chanh. Voọc xuống tận dốc Cửa Luồn vào đầu giờ chiều, trẻ con đi học hò hét ầm ầm chúng vẫn không thèm chạy. Voọc ra các khu núi đá ở vũng Sốc thuộc Trạm quản lý số 6 hàng ngày với những âm thanh “éc oọc, éc oọc” ầm ĩ vang dội vào các vách đá.
Thuyền trôi giữa đôi bờ ngập sậy, giữa những đám sen đã tàn vào buổi chớm heo may, giữa những bầy cò nhạn có cái mỏ như mỏ vịt đập cánh phành phạch để vào khu vực núi đá có voọc quần đùi trắng.
Gió hiu hiu, tôi lặng nghe anh Bùi Văn Liên, một nông dân trong nhóm giao quản lý bảo vệ rừng, kể về quy luật xuống núi của voọc, mùa khô sáng sớm chúng đã ra các mỏm đá sát đầm uống nước, mùa mưa sẵn nước trong các hốc đá chúng rất ít xuống.
Sáng cứ tầm 5h đến 9h, chiều 3-4h đến tầm 5h chúng mới về chỗ ngủ ở các vách đá chắn, hàm ếch. Voọc có cách ngủ độc đáo hệt như thạch sùng bám tường. Chúng dang hai tay, hai chân ra ôm lấy vách đá mà ngủ đề phòng thú dữ, rắn độc tiếp cận, tấn công.
Cả buổi sáng đó, ngóng mỏi cổ không thấy xuất hiện một bóng voọc nào, cả đoàn ai cũng thất vọng. Anh Liên lấy tay vỗ trán một cái như sực nhớ ra điều gì rồi chợt bảo: “Thôi chết, sáng nay đài báo bão mà tôi quên khuấy đi mất. Hễ thay đổi thời tiết là chúng ở trong hang trên núi không chịu xuống đâu”.
Không nản chí, chiều hôm đó, tôi lại vào tiếp. Thuyền neo cạnh một đám sậy. Cả không gian lặng phắc như tờ. Bỗng người lái đò khe khẽ kêu, chỉ tay về một vách núi. Dõi theo tay anh một lúc, tôi thấy lũ voọc đang đu cây, chuyền cành, nhảy từ hòn đá này sang hòn đá khác thoăn thoắt.
Đám cành lá rung lên từng từng đợt như có sóng. Giữa núi đá xanh xám, lùm bụi xanh xẫm, thân voọc có cái mông trắng nổi bật trên nền đen rất dễ phát hiện.
Là một người từng dẫn nhiều đoàn khoa học trong nước cũng như quốc tế bao năm ăn bụi, ngủ rừng để khảo cứu về voọc, anh Liên thuộc từng nếp ăn ở của loài này. Lắm nề nếp của voọc kể cả con người cũng phải kính phục.
Ở khu vực chỗ chúng ngủ, sáng ra bầy đàn chỉ đái, ỉa ở một chỗ cố định chứ không bao giờ phóng uế bừa bãi. Món khoái khẩu nhất của voọc là lá cây mũi thị, cây chả khế, cây nhọ nồi, rau muống dại. Không bao giờ người ta thấy chúng ăn lá ngọn, lá búp mà chỉ ăn lá bánh tẻ.
Cứ theo lý luận rất nông dân của anh Liên thì lá già chát nên không ngon còn lá non ngon quá đi chứ nhưng lũ voọc tính để làm thức ăn lâu dài nên chỉ ăn lá bánh tẻ. Voọc cũng không mấy khi ăn quả, ăn hoa cũng có thể vì nghĩ đến cái lẽ lâu dài này chăng?
Voọc quần đùi trắng có tuổi thọ trung bình khoảng 30 năm nhưng voọc con 2 năm tuổi mới moọc răng. Thỉnh thoảng đi rừng người dân vẫn thấy những xác voọc non chết bởi bị bệnh hay bị suy dinh dưỡng nhưng xác voọc già không bao giờ gặp.
Dường như chúng có "thánh địa" an táng riêng ở một nơi thật bí hiểm, cheo leo nhất. Nhiều nhà khoa học cũng như dân thổ địa quen với cảnh luồn rừng, cắt núi đã đổ biết bao công sức để tìm kiếm nhưng chẳng bao giờ phát hiện ra nghĩa trang bí mật này của loài voọc.