Đúng như trong cuộc hành trình tìm thế giới mới, khi đặt chân lên hòn đảo Cu Ba (1492), Christopher Columbus đã phải thốt lên: “Đây là hòn đảo duy nhất trên thế giới mà con người nhìn thấy được” và trái tim của đảo chính là thủ đô La Habana.
Pháo đài cổ EL Morro |
Thành phố La Habana do Diego de Batabano thành lập vào ngày 25/8/1515, lúc đầu mang tên San Cristobal de la Avana, ở ven bờ vịnh, nối liền với một đầm rộng nằm trong đất liền. Đến nay mọi công trình cổ vẫn giữ nguyên phong cách nghệ thuật kiến trúc baroque và tân cổ điển, đồng thời vẫn giữ được nét phối hợp nhuần nhị giữa những ngôi nhà hiện đại cao chọc trời và chiếc cổng vòm tò vò. Chính vì vậy, La Habana đã được Ủy ban Di sản của UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1982.
Chúng tôi rất may mắn được anh Manuel, phiên dịch viên kể cho nghe, năm 1576, theo sắc lệnh của vua Tây Ban Nha (Cu Ba khi ấy là thuộc địa của Tây Ban Nha), người ta xây dựng ở đây một loạt công trình bằng đá hết sức kiên cố để phòng thủ các cuộc tấn công từ bên ngoài. Đặc biệt sau khi La Habana bị những tên cướp biển tấn công tàn phá nặng nề, vua Tây Ban Nha Phillipe II cho xây dựng bức tường thành vành đai vững chắc với cụm pháo đài El Morro, đồng thời cho xây tòa thị chính, nhà bưu điện và ngôi nhà thờ ở Quảng trường Latedran.
Xe taxi trên quảng trường Cách mạng |
Vào thế kỷ XVII, xây dựng cảng La Habana hoàn tất và trở thành nơi trung chuyển hàng hóa quan trọng giữa hai lục địa châu Âu và châu Mỹ của thực dân Tây Ban Nha. Nơi đây còn là chỗ thu thập các sản vật quý, vàng bạc châu báu mà chúng vơ vét được để đưa về chính quốc và còn là nơi tiêu thụ hàng hóa dư thừa, ế ẩm ở “nước mẹ” đưa sang.
Tại khu vực xung quanh Quảng trường thành phố cổ Place Armas, người ta trồng nhiều cây cổ thụ, trông chẳng khác nào một công viên xanh. Năm 1768, cung điện Carsa del Colde de Santovana được xây dựng. Mặt tiền cung điện tạo thành mái vòm hình vòng cung. Ngôi nhà thờ Cơ đốc giáo trang nhã nhất của La Habana nằm trong khu vực đi bộ của thành phố. Phía sau nhà thờ là Chủng viện Cosiliari Ambrosio, mang dáng dấp kiến trúc Trường Đại học Valiadolid, Tây Ban Nha. Cũng tại đây, vào thế kỷ XVII, người ta còn cho xây dựng một loạt cung điện: Lombilio, Penialvera và cung điện Baiano. Phía sau các cung điện là Viện Bảo tàng Thuộc địa.
Biết chúng tôi là những nhà báo Việt Nam vừa mới sang, người phiên dịch đưa đoàn đến thăm trung tâm thành phố cổ và chỉ cho chúng tôi thấy: nằm giữa hai cung điện Agnace và Clarace là quán cà phê La Florida nổi tiếng nhất của La Habana, nơi mà tiểu thuyết gia người Mỹ Ernest Hemingway (1894 - 1961) thường hay lui tới thưởng thức cà phê mỗi sáng, trong thời gian lưu lại ở La Habana. Và cách đó không xa, đập vào mắt tôi là tòa nhà màu hồng, nơi E. Hemingway đặt bút viết tác phẩm trứ danh “Chuông nguyện hồn ai”.
Hình như thấy chúng tôi rất chăm chú lắng nghe, anh Manuel vui vẻ giải thích: sự phong phú và đa dạng của văn hóa Cu Ba được thể hiện mạnh mẽ nhất ở thành phố La Habana, là nơi có nhiều nhà hát, rạp chiếu phim, nhiều trung tâm biểu diễn ca nhạc và các phòng trưng bày triển lãm nghệ thuật.
La Habana là quê hương đời sống âm nhạc với những dàn nhạc biểu diễn nổi tiếng trên thế giới. Trong thành phố còn có nhiều tụ điểm trình diễn làm phấn chấn giới trẻ với loại nhạc Rock và điệu Hiphop.
Thành phố La Habana chia thành 6 khu vực: Martanau, Plaza, La Habana trung tâm, Guanabakoa, Cách mạng tháng Mười và Boiseros. Nơi du khách thường đến thưởng lãm nhiều nhất là khu vực La Habana Vieja với những viện bảo tàng nổi tiếng như: Viện Bảo tàng Capitolio hay Viện Bảo tàng Plaza de Armas, nơi từng là trụ sở Chính phủ thực dân Tây Ban Nha.
Forteleza San Carlos de la Cabau là khu pháo đài cổ, nay là Viện Bảo tàng Carrete de la Cabau. Trước đây công trình này là một hệ thống phòng thủ phức tạp nhất tại các nước châu Mỹ, được bố trí hàng loạt súng thần công hướng ra biển và những khu đất rộng với những bãi cỏ xanh mướt và những khu vườn rực rỡ sắc màu.
Điểm nổi bật của La Habana, khiến chúng tôi vô cùng thán phục là khu biệt thự tráng lệ, được xây dựng dưới thời thuộc địa vào những năm 1920, hiện là văn phòng cơ quan các bộ, ngành, trụ sở của nhiều đại sứ quán nước ngoài, gợi cho chúng tôi nhớ tới khu Ba Đình, Hà Nội.
Nằm giữa trung tâm thủ đô, cạnh đại lộ 26 là công viên Acapulco (sau đổi là công viên Hòa Bình) nay là công viên Hồ Chí Minh, một trong những công viên đẹp nhất và là điểm tham quan du lịch nổi tiếng của La Habana, nơi đặt tượng đài bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do kiến trúc sư Yoel Diaz Gutiérrez, người có nhiều năm gắn bó với Việt Nam, đảm nhiệm thiết kế và giám sát thi công, được khánh thành vào năm 2003.
Ngay giữa thủ đô La Habana, với nhiều kiến trúc cổ được bảo toàn khá nguyên vẹn vẫn còn có một khu rừng nguyên sinh nhiệt đới, diện tích lên đến 170 km2, với nhiều cây cổ thụ. Đi giữa khu rừng bên dòng suối trong xanh, với những thác nước ầm ào, đang giữa trưa hè mà du khách vẫn cảm thấy mát dịu. Điều đặc biệt khiến chúng tôi thích thú là những dòng xe ô tô cổ, đầy màu sắc của Mỹ được sản xuất vào thập niên 1950, vẫn còn ngược xuôi trên các đại lộ, con phố…
Với những nét cổ kính của thành phố lịch sử trên 500 năm, La Habana ngày nay trở nên hiện đại, với những tòa cao ốc, những khách sạn bốn, năm sao như La Habana Libre, La Habana Riviera,.. Giữa trung tâm Quảng trường Cách mạng nổi lên pho tượng Jose Marti nổi tiếng và bức phù điêu Che Guevara, anh hùng giải phóng dân tộc là tòa nhà chọc trời của Viện Cải tạo đất, Trường Đại học Tổng hợp La Habana. Tiêu biểu là tòa lâu đài Capitol, một kiến trúc không khác mấy tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC, nay là trụ sở Quốc hội Cu Ba, cách đó không xa là dinh thự Phủ Chủ tịch, nơi trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc. Quanh đó còn có nhiều công trình kiến trúc đồ sộ như Thư viện Quốc gia Jose Marti, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Nhân chủng học…
Sau nhiều năm bị Mỹ bao vây cấm vận, đời sống nhân dân Cu Ba vô cùng khó khăn. Nhiều hạ tầng cơ sở - đường sá, cầu cống... xuống cấp. Tuy vậy, khi được hỏi, người dân hồ hởi nói với chúng tôi: Nhân dân Cu Ba nghèo thật, nhưng sự giàu nghèo không mấy cách biệt. Tất cả nhân dân đều được Nhà nước chăm sóc. Khám chữa bệnh miễn phí, con em chúng tôi học hành từ mẫu giáo đến bậc đại học đều không phải nộp học phí.
Hiện nay, với tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo, Cu Ba đã có mối quan hệ kinh tế với hầu hết các quốc gia Mỹ La Tinh, cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu và tổ chức này bắt đầu có quan hệ thương mại và giúp kinh tế cho đất nước Cu Ba. Đặc biệt với sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của Việt Nam anh em, Cu Ba từng bước phục hồi kinh tế. Kinh tế tư nhân đã phát triển, nhiều cửa hàng, tiệm ăn, khách sạn... đã mở cửa. Hàng năm đảo quốc tự do, xinh đẹp này đón hàng triệu du khách bốn phương đến thăm.