'Lá bùa' chủ trương

'Lá bùa' chủ trương
TP - Cty cao su Quảng Nam phá hàng trăm héc ta rừng kiểu “tiền trảm hậu tấu”. Chủ trương đã ra, cứ thế mà “trảm” rừng! Hơn 630 ha rừng kéo dài từ thôn Tứ Dũ đến Cấm La (Quế Lâm), nhiều chỗ cây cao su đã mọc quá đầu người thay cho những héc ta rừng sản xuất, rừng đặc dụng trước kia.

> Bài 1: Cơ bản... phá xong rừng

Theo tìm hiểu, được biết tháng 8-2009, UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương để Cty cao su Quảng Nam trồng cao su tại huyện Nông Sơn. Công văn số 2731 của UBND tỉnh đồng ý về mặt chủ trương cho Cty Cao su thuê hơn 1.300 ha rừng sản xuất tại 2 xã Phước Ninh và Quế Lâm.

Thời hạn cho thuê đất là 50 năm. Theo đó, Cty Cao su phải có trách nhiệm ký hợp đồng thuê đất với Sở TN-MT tỉnh, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan chức năng phê duyệt theo quy định.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Cty cao su chỉ mới hoàn tất thủ tục đề nghị và được tỉnh giao 152 ha đất để thực hiện các khu vườn ươm cây giống. Thực tế, vườn ươm giống chỉ chiếm 3,48ha nhưng Cty Cao su đã chặt phá tới 630 ha rừng, giải phóng mặt bằng để trồng cao su, xây nhà cửa, làm đường.

Như vậy, ngoài 152ha được giao đất đúng quy định, Cty san ủi trái phép thêm gần 500ha rừng mặc dù trong tay chỉ mới có văn bản chủ trương. Trong khi theo anh Phạm Sinh (thôn Tứ Dũ): Người của Cty cao su về họp dân, nói rằng họ đã có sổ đỏ của rừng, buộc dân phải nhường đất!

Thông tin từ đoàn giám sát của HĐND huyện Nông Sơn, tại thời điểm này, với tổng diện tích 630ha rừng bị tàn phá, Cty cao su Quảng Nam vẫn chưa có kết quả thẩm định phê duyệt đánh giá tác động môi trường của cơ quan chuyên môn và thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi đất, cho thuê đất để thực hiện dự án…

Thông báo số 13/TB-ĐGS của HĐND huyện Nông Sơn kết luận đây là việc làm trái quy định. Chưa hết, ngay trong diện tích 152ha đã có quyết định cho thuê đất để trồng cao su, người dân 3 thôn Cấm La, Tứ Dũ và Phước Hội không đồng tình vì 54ha của dân là vùng rừng nguyên sinh trồng cây dầu rái đã hàng trăm năm nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, ở miền Tây Quảng Nam, cây dầu rái mới chính là cây thoát nghèo của bà con miền núi.

Quá trình tranh chấp, người dân thua cuộc nên đã chán nản lên khu vực rừng nguyên sinh dầu rái còn lại đốn hạ. Lý lẽ của dân là: trước sau gì Cty cao su cũng chặt phá. Ngoài ra, quá trình san ủi mặt bằng triển khai dự án trồng cao su cũng gây ra tình trạng bồi lấp kênh mương, ruộng đất sản xuất của nhân dân, một số công trình hồ đập trên địa bàn hư hỏng.

“Đá” trách nhiệm

Phóng viên nhiều lần liên hệ với Hạt kiểm lâm huyện Nông Sơn nhưng lãnh đạo Hạt luôn cáo bận. Cuối cùng kiểm lâm viên Nguyễn Dũng, người đo đạc hiện trạng rừng, ra tiếp.

Ông Dũng khẳng định làm hết chức trách, không phát hiện điều gì khuất tất, và “toàn bộ đều là rừng sản xuất”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi: Nếu là rừng sản xuất, vậy tại sao bản án của toà huyện Nông Sơn phạt anh Mai Ty Phô (Phước Hội) lại ghi là “chặt phá là rừng đặc dụng” nằm ngay trong lòng diện tích 630ha rừng bị Cty cao su phá? Lẽ nào chỉ có 0,6ha rừng “đặc dụng” bị lẫn trong “rừng sản xuất”? Ông Dũng nói việc đó không rõ lắm, chỉ có cấp cao hơn mới trả lời được.

Còn Chủ tịch UBND xã Quế Lâm Lê Đức Thịnh cho biết không nắm rõ về thủ tục, chỉ biết huyện, tỉnh có chủ trương thì phải chấp hành. Ông Mai Văn Tám - Phó Chủ tịch huyện Nông Sơn (phụ trách vấn đề đất rừng) thừa nhận đây chính là vấn đề làm đau đầu lãnh đạo huyện thời gian vừa qua.

“Về mặt chính quyền, chúng tôi đã làm hết sức. Riêng tôi có không dưới 10 cuộc họp với Cty Cao su, yêu cầu họ khẩn trương hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định, không hiểu vì lý do gì mà 3 năm qua vẫn chưa được”.

Việc “tiền trảm hậu tấu” của Cty cao su bắt đầu từ năm 2009, từ khi có chủ trương cho thuê 1.310ha rừng, trồng được 630ha thì bị HĐND huyện đề nghị phải dừng hẳn.

Mặc dù vậy, đến ngày 17-12-2010, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục thống nhất chủ trương cho Cty cao su tiếp tục mở rộng thêm 3.000ha (ngoài diện tích 1.310ha) đi qua thôn Nà Lau.

Đây là toàn bộ khu vực rừng nguyên sinh, nằm trong diện tích từng được cơ quan chuyên môn đề nghị đưa vào khu bảo tồn voi.

Tuy nhiên, ông Tám vẫn khẳng định: “Toàn bộ đều là rừng sản xuất”. Khi PV cho biết đã đi thực tế ở Nà Lau và soi kỹ tiểu khu trên bản đồ, ông Tám lúng túng: để xem lại, đôi khi cũng dính rừng đặc dụng, phòng hộ. Người dân đi rừng ở Nà Lau cho hay, quanh khu vực này, hiện còn khoảng 7 con voi cái, thỉnh thoảng họ vẫn gặp.

Ông Mai Văn Tám cho biết huyện không biết cách xử lý như thế nào, đành phải chuyển hồ sơ lên tỉnh, chờ chỉ đạo. Vậy là quả bóng trách nhiệm đã được đá từ huyện lên tỉnh - nơi ra nhiều văn bản, chủ trương cho thuê đất, chuyển đổi rừng trái khoáy.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 24-1-2011: Trong quá trình triển khai dự án trồng cao su ở Hiệp Đức (Quảng Nam), Cty cao su Quảng Nam đã chặt phá 147,78 ha rừng trong đó có 28,06ha rừng phòng hộ tại xã tiểu khu 529 Phước Trà. Ngoài ra, Cty Cao su Trà Nô (thuộc Cty Cao su Quảng Nam) cũng chặt phá rừng tự nhiên để trồng 12ha cao su tại tiểu khu 522 thuộc quy hoạch rừng phòng hộ. Cả 2 vụ việc trên hoặc chưa xử lý hoặc xử lý chưa nghiêm, không bồi thường thiệt hại kinh tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.