Ưu tiên tái cấu trúc ngân hàng
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Full right TP Hồ Chí Minh, trong năm 2012, cái lớn nhất mà chúng ta có thể hy vọng là có một chương trình cải cách mạch lạc, đúng hướng và sau đó là chúng ta có đủ ý chí để thực hiện nó. Điều đó sẽ bắt đầu có tác dụng và riêng lĩnh vực ngân hàng sẽ có tác dụng tức thì.
Cụ thể là trong năm 2012 rủi ro của khu vực ngân hàng giảm xuống, căng thẳng về thanh khoản bớt đi nhiều, dòng tín dụng được lưu thông hiệu quả và khả năng đổ vỡ trong khu vực ngân hàng không còn nữa.
TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng trong ba lĩnh vực thực hiện tái cơ cấu, thì ưu tiên số một phải là cải cách ngân hàng thương mại bởi những biểu hiện và khả năng gây nên xáo trộn cho nền kinh tế nằm ngay ở lĩnh vực này.
Thời gian qua thanh khoản của ngân hàng đang có vấn đề. Ở thị trường liên ngân hàng có những lúc lãi suất lên đến 30-40% và duy trì ở mức cao trong một thời gian dài. Nợ xấu trên thị trường liên ngân hàng đã xuất hiện, và khi nợ xấu gia tăng sẽ làm tăng tính rủi ro và làm cho tình hình thanh khoản trở nên căng thẳng.
Thêm vào đó, nợ xấu của BĐS có nguy cơ tăng lên vì thị trường BĐS vẫn tiếp tục đóng băng. Nếu không cải cách ngân hàng hữu hiệu thì sau một, hai năm cầm cự, giờ không thể cầm cự được nữa, gia tốc nợ xấu có thể tăng mạnh dẫn tới sụp đổ. Đầu tư công hay DNNN thì cần thời gian, còn lĩnh vực ngân hàng có thể tác động lập tức đến nền kinh tế. Đó là lý do đầu tiên để phải coi trọng lĩnh vực cải cách ngân hàng.
Ngoài ra, việc cải cách ngân hàng dễ hơn, bởi số lượng ngân hàng vừa phải. Trong 43 ngân hàng thương mại trong nước có khoảng trên dưới 10 ngân hàng là có vấn đề thật sự. Việc khu trú số này dễ dàng hơn rất nhiều so với chạy theo hàng nghìn dự án đầu tư công hoặc theo 1.300 DNNN bởi khi đó nguồn lực bỏ ra sẽ rất lớn.
Xử lý được vấn đề ngân hàng sẽ là cơ sở để xử lý hai vấn đề còn lại. Khi quan hệ ngân hàng và DN là quan hệ thương mại đúng nghĩa thì DNNN không thể chi tiêu thiếu cân nhắc bởi không còn được hưởng trợ cấp lãi suất ưu đãi, được hưởng tín dụng chỉ định. Tức là cải cách ngân hàng tạo ra động lực để giám sát hiệu quả hoạt động của DNNN cũng như bất kỳ DN nào.
Còn TS Bùi Kiến Thành cho rằng một bộ phận ngân hàng ở Việt Nam hiện nay đang hoạt động kiểu lách luật nên Ngân hàng nhà nước (NHNN) phải ra nhiều quy định, biện pháp để chấn chỉnh hoạt động của thị trường. Một số ngân hàng hoạt động không đúng theo tinh thần của Luật Ngân hàng, lợi dụng giấy phép để cấp tiền cho các dự án mang tính cá nhân là chính. Với những ngân hàng như vậy, theo ông Thành không nên để tồn tại.
Lãi suất sẽ giảm, DN vẫn gặp khó
Về thị trường lãi suất, TS Vũ Thành Tự Anh nhận định: Lãi suất phụ thuộc rất nhiều vào lạm phát. Khi lạm phát đi xuống thì lãi suất mới có cơ sở giảm một cách bền vững. Nếu như lạm phát mà giảm xuống mức 10-12% thì chắc chắn lãi suất sẽ giảm. Tuy nhiên giảm xuống bao nhiêu thì chưa thể nói được.
Vào cuối năm 2010, chúng ta đặt mục tiêu lạm phát là 7% nhưng cuối cùng là lên 18,5%. Vậy thì mục tiêu là một chuyện, còn thực tế là chuyện khác. Nếu như mục tiêu được thực hiện đúng như đề ra ban đầu (đầu tư giảm xuống còn 34-35%, tăng trưởng tín dụng xuống 15-16%) thì tôi tin lạm phát năm 2012 sẽ ở mức 10-12% là có thể đạt được và khi lạm phát như thế thì lãi suất có thể giảm ở mức độ tương ứng.
Lãi suất tiền gửi giảm xuống thì lãi suất cho vay cũng giảm xuống. Nếu như chính sách như thế thì lãi suất cho vay dao động từ 12-14% là hoàn toàn có thể.
TS Vũ Thành Tự Anh . |
TS Bùi Kiến Thành. |
“Năm 2012, Việt Nam vẫn chịu những ảnh hưởng của những tác động do chính sách tiền tệ năm 2011 gây ra. Dù có hạ được mức lãi suất cho vay xuống 14%-15% như Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tuyên bố thì năm 2012 vẫn là năm khó khăn với các DN. Các DN sẽ vẫn phải hoạt động cầm chừng do bị “tổn hao” trong năm qua. Chỉ khi lãi suất xuống được mức 10% thì DN mới có lực để phát triển tốt. Chung quy lại, chính sách quan trọng hàng đầu là chính sách tiền tệ như thế nào để DN tiếp tục phát triển, tiếp cận được tín dụng với lãi suất hợp lý. Đây là vấn đề quan trọng nhất trong năm 2012”, ông Thành chia sẻ.
Bất động sản tiếp tục giảm, vàng giữ ngôi
TS Bùi Kiến Thành, phân tích: “Trong năm 2012, thị trường BĐS sẽ vẫn tiếp tục giảm giá do giá vẫn ở mức cao. Những người có nhu cầu mua nhà thực sự chưa có cơ hội tiếp cận nhà giá rẻ đúng nghĩa khi thị trường giá nhà chung cư vẫn ở mức 30-40 triệu đồng/m2 như hiện nay. Thị trường chủ yếu là những giao dịch giữa các nhà đầu tư với nhau”.
Theo ông Thành, để thị trường BĐS hồi sinh, cần có sự chỉnh đốn hết sức nghiêm ngặt với các nhà đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần phải có một chương trình hỗ trợ về BĐS để các DN sản xuất vật liệu xây dựng có thể hoạt động được.
Để làm được như vậy, cần xem lại cách vận hành của hệ thống BĐS hiện nay. Không thể để tiếp tục tình trạng thu hồi đất nông nghiệp của dân với giá rẻ mạt rồi sau đó thông qua nhiều kênh khác nhau, chủ đầu tư làm giá, đẩy giá lên vài chục triệu đồng/m2.
Nhiều DN bất động sản cho biết có thể xây các dự án nhà với giá dưới 10 triệu đồng/m2 nhưng nếu chỉ một hai đơn vị làm thì không đủ sức. Còn để thị trường vận hành như hiện nay là không hợp lý, nếu không muốn nói là vô đạo đức.
Cũng cần có một chương trình tín dụng về bất động sản để thuận lợi hơn cho người mua. Như ở Mỹ họ cũng có chương trình tín dụng bất động sản ở mức vài phần trăm/năm và người mua chỉ phải trả khoảng 10%-20% giá trị bất động sản. Số tiền còn lại trả dần trong vòng 20-30 năm. Với mức lãi suất vài phần trăm/năm và giá nhà khoảng 10 triệu đồng/m2 sẽ tạo một thị trường ổn định, giúp người đầu tư bất động sản và người mua tiếp cận dễ dàng.
Về thị trường tiền - vàng, TS Vũ Thành Tự Anh, nhận định: Bất kỳ một dự báo nào ở VN thì đều phải nhìn ra nước ngoài. Bối cảnh kinh tế trong năm 2012 được dự báo là ảm đạm, có thể còn xấu hơn 2011. Với bối cảnh chung như thế, khả năng duy trì tăng trưởng cao của nền kinh tế VN là khó khi nền kinh tế không đi lên thì làm sao còn yếu tố tăng giá nữa.
“Thị trường vàng và đô-la thường có sự tương quan nghịch, nghĩa là nếu đồng đô-la yếu đi thì vàng sẽ lên ngôi và ngược lại. Nếu như triển vọng kinh tế của Mỹ sáng sủa hơn, tức là tăng trưởng được khôi phục dần, thất nghiệp giảm bớt và những khúc mắc về tài khóa của Mỹ được giải tỏa thì đồng đô-la có thể mạnh lên và giá vàng có thể đi xuống. Điều này không phải không có thể xảy ra, nhưng xác suất thấp nên khả năng đồng đô-la yếu đi là tương đối lớn, do vậy giá vàng có thể vẫn sẽ duy trì ở mức cao”, TS Anh nói.
"Vấn đề tái cấu trúc của Việt Nam được đặt ra từ cuối năm 2008, nhưng mãi đến cuối 2011 vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế mới được đặt lại. Điều này nói lên rằng không phải chúng ta không bắt được bệnh của nền kinh tế, và điều đó cũng nói lên một chuyện trước đó chúng ta thực sự có ý chí cải cách." - TS Vũ Thành Tự Anh |