Kỷ vật còn lại của Anh hùng lấy thân làm giá súng

Một bức họa thể hiện hình ảnh Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng.
Một bức họa thể hiện hình ảnh Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng.
“Nhiều du khách nước ngoài đến tham quan bảo tàng xúc động trước những kỷ vật của Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn và khi biết anh lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội tiêu diệt quân địch.

"Nhiều cụ già trong nước khi đến đây đã rơi nước mắt khi thấy những kỷ vật của người anh hùng trẻ tuổi...”, Đại tá Đinh Quốc Hưởng, Trưởng phòng Kiểm kê bảo quản, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam nói như thế về những kỷ vật của Anh hùng Bế Văn Đàn được trưng bày tại Bảo tàng.

Đơn sơ, mộc mạc..., những kỷ vật còn sót lại của người anh hùng nằm bình dị trong Phòng sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam bên cạnh những khí tài, thiết bị quân sự... hạng nặng của quân đội Pháp.

Trong tủ kính, dưới ánh điện hong vàng, chiếc bút máy có tuổi đời ít nhất là 60 năm đã bong lớp sơn màu đỏ lộ ra màu nâu đen của năm tháng. Cùng với chủ nhân, chiếc bút đã “ngã xuống” ở chiến trường Điện Biên, để rồi 60 năm sau trở thành một kỷ vật tôn thêm tấm gương anh dũng của liệt sĩ Bế Văn Đàn.

“Hẳn chiếc bút gắn liền với cánh thư gửi về quê nhà hay những trang nhật ký chiến trường. Trên chiếc bút có khắc chữ R. Chắc đây là kỷ vật có nhiều kỷ niệm của liệt sĩ Bế Văn Đàn lúc sinh thời”, Đại tá Đinh Quốc Hưởng bùi ngùi.

Kỷ vật còn lại của Anh hùng lấy thân làm giá súng ảnh 1

Súng trung liên, Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng trong trận chiến đấu ở Mường Pồn, Điện Biên Phủ, năm 1954. Hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh tư liệu

Nằm cạnh chiếc bút, tấm Huân chương Quân công hạng Nhì cũng bình dị khi vải đã sờn, màu vàng lấp lánh phai nhạt. Ông Bùi Văn Ri, ở số 1, phố Bùi Thị Xuân, TP. Hải Dương, cựu thanh niên xung phong trong chiến tranh chống Mỹ bồi hồi khi chứng kiến kỷ vật của Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn: “Chỉ là những kỷ vật nhỏ bé, nhưng liên tưởng đến hình ảnh Anh hùng Bế Văn Đàn ôm lấy giá súng đặt lên vai, hô đồng đội nhằm quân thù mà bắn. Đến lúc hi sinh, anh vẫn ôm chặt giá súng. Sự xúc động trong tôi trào lên mãnh liệt. Tổ quốc đã sinh ra một người anh hùng như thế...”.

Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thì chiếc bút máy của Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn được tìm thấy khi Bộ Quốc phòng cùng gia đình tổ chức bốc mộ cho liệt sĩ vào năm 1959. Tấm huân chương được Nhà nước trao tặng vào ngày 31/8/1955. Cùng ngày, liệt sĩ Bế Văn Đàn được Quốc hội truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tấm gương hy sinh của anh cùng nhiều đồng chí khác đã cổ vũ mạnh mẽ và trở thành biểu tượng cho tinh thần chiến đấu quật khởi của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Cùng với chiếc bút, tấm huân chương được trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam còn lưu giữ kỷ vật khác liên quan đến Anh hùng Bế Văn Đàn, đó là khẩu súng trung liên mà anh nguyện lấy thân mình làm giá súng.

Anh hùng Bế Văn Đàn sinh năm 1931 ở xã Triệu Ấu, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, nhập ngũ tháng 1/1948. Trong trận đánh ở Mường Pồn thuộc chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 (chặn quân Pháp rút từ Lai Châu về Điên Biên Phủ), anh đã hy sinh.

Cuộc kháng chiến chống thực đân Pháp đang ở giai đoạn quyết liệt, Đảng ta quyết định mở chiến dịch Đông Xuân năm 1953 - 1954, đơn vị hành quân đi chiến dịch, đồng chí Bế Văn Đàn làm liên lạc tiểu đoàn.

Một đại đội của tiểu đoàn được giao nhiệm vụ bao vây giữ địch ở Mường Pồn. Lúc đó, khi thấy lực lượng ta ít, địch tập trung hai đại đội có phi pháo yểm trợ liên tiếp phản kích, nhưng cả hai lần chúng đều bị quân ta đánh bật.

Cuộc chiến đấu diễn ra căng thẳng và quyết liệt. Địch liều chết xông lên. Ta kiên quyết ngăn chặn, chốt giữ. Cần có lệnh cho đại đội quyết tâm giữ ở Mường Pồn bằng bất cứ giá nào, để các đơn vị khác triển khai lực lượng, thực hiện các chủ trương của chiến dịch.

Mặc cho bom rơi, đạn nổ, đồng chí đã dũng cảm vượt qua lưới đạn dày đặc của địch, xuống truyền đạt mệnh lệnh cho đại đội kịp thời, chính xác.

Trong khi đó, trận chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt hơn, đồng chí được lệnh ở lại đại đội chiến đấu. Địch phản kích lần thứ ba, đại đội bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương.

Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ hy sinh. Khẩu trung liên của bạn chiến đấu Chu Văn Pù cũng chưa bắn được vì không có chỗ đặt súng, tình thế hết sức khẩn trương, không ngần ngại Bế Văn Đàn chạy lại cầm 2 khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô bạn bắn.

Đồng chí Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn đã nói: ''Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi''. Đồng chí Pù nghiến răng nổ súng vào đội hình quân địch quật ngã hàng chục tên. Địch hoảng hốt bỏ chạy, đợt phản kích này của chúng bị bẻ gãy.

Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, Bế Văn Đàn bị hai vết thương nữa và đã anh dũng hy sinh. Tấm gương dũng cảm của người anh hùng đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận hăng hái thi đua giết giặc lập công, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu

Anh hùng Bế Văn Đàn lúc hy sinh là tiểu đội phó. Trong đại hội mừng công của đơn vị, Bế Văn Đàn được truy tặng Huân chương chiến công hạng nhất. Ngày 31/8/1955, đồng chí được Quốc hội truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương quân công hạng Nhì.

 

Theo Bùi Quý

Theo Infonet
MỚI - NÓNG