Cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý (SN 1924) sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống âm nhạc ở Nghệ An. Khi còn nhỏ, ông theo học Trường Quốc học Vinh. Năm 1945, ông tham gia Việt Minh, sáng lập và xây dựng Đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1947 với tác phẩm đầu tay Ai xây chiến luỹ, thế nhưng tên tuổi của ông sau này mới được nhiều người biết đến với ca khúc tiền chiến Dư âm (1950).
Ông còn nổi tiếng với rất nhiều ca khúc ở nhiều thể loại khác nhau, nhưng có lẽ những bài hát viết về quê hương, con người và tình yêu lao động được yêu thích nhất như Dáng đứng Bến Tre, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa.... Trong đó, hai bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ và Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh khắc họa được hình ảnh ý chí của người lao động cùng tình yêu đối với miền quê mà nam nhạc sỹ gắn bó.
Năm 1976, đúng thời điểm khi cả nước đang bước vào công cuộc xây dựng lại đất nước sau ngày thống nhất, bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ được ra đời vào dịp này. “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn - Mà đời không ngại đào mấy con kênh - Ðắp hồ xây đập, ta đưa dòng nước ngọt…”, từ những câu ca mở đầu bài hát, nhạc sỹ đã gợi lên được tính cách, sự chịu thương, chịu khó của những người được sinh ra trên mảnh đất cằn cỗi. Họ bất chấp sự khắc nghiệt của thiên nhiên để tạo nên một dòng nước ngọt tưới mát cho vùng đất cằn khô sỏi đá.
Câu chuyện đắp đập xây hồ ở Hà Tĩnh sau những năm tháng chiến tranh tưởng chừng chỉ có thể ghi lại bằng những hình ảnh, thước phim đầy mồ hôi công sức, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã dâng tặng cho đời một tác phẩm mang dấu ấn thời đại. Ca khúc thể hiện tình yêu thương con người, tình yêu lao động trong những câu ca: “Tay anh phá đá, tay em đào sỏi - Ngồi trong xe ủi em nhớ những ngày hè”.
Nói đến hồ Kẻ Gỗ, người dân Hà Tĩnh nhớ lại những ký ức, câu chuyện về hàng vạn người dân ngày đêm góp công, góp sức trong 3 năm để xây dựng công trình đại thủy nông lớn bậc nhất ở miền quê này. Thời điểm đó, thanh niên, gái, trai, già, trẻ trong làng ở huyện Cẩm Xuyên được huy động đến để cùng nhau “phá đá, đào sỏi” nhằm xây dựng hồ.
Cũng thời điểm này, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý được lãnh đạo UBND tỉnh mời đến thăm quan công trình. Khi đến, chứng kiến hình ảnh hàng vạn người dân Hà Tĩnh vui vẻ, hào hứng đào đất, đắp đập, anh chàng nhạc sỹ muốn làm một điều gì đó để cổ vũ tinh thần cho mọi người, từ đó xây dựng nguồn lực sáng tác nên bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ. Một tháng nơi công trường xây dựng hồ Kẻ Gỗ, cùng sống với người dân Hà Tĩnh, nhạc sỹ viết liền một mạch bài hát và bản nhạc được hát rồi phát trên đài phát thanh liền sau đó.
Người đi, nhưng bài hát sẽ vang vọng cùng năm tháng
Thời điểm công tác tại Hà Tĩnh, người theo chân cùng nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý có nhạc sỹ Lê Hàm (là trưởng đoàn văn công thời đó). Dù hàng chục năm trôi qua, nhưng nhạc sỹ Lê Hàm vẫn không thể quên những kỷ niệm đẹp cùng nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý rong ruổi khắp vùng núi, miền quê để ghi chép, cùng sáng tác.
Nhạc sỹ Lê Hàm kể lại, vào năm 1976, thời điểm đó ông tròn 42 tuổi, đang là trưởng đoàn văn công nên thường xuyên được đi cùng nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đến rất nhiều vùng quê để hỗ trợ cho ông sáng tác. Ngày đó tình yêu âm nhạc đang hừng hực trong tim hai anh chàng nghệ sỹ. Cứ đi rồi đêm về lại ngồi ở bàn sáng tác, những khi rảnh rỗi, anh em lại cùng hát văn nghệ, biểu diễn cho nhau xem để giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.
“Anh ấy rất vui tính, điềm đạm, chính vì sinh ra ở miền quê Nghệ An nên trong mỗi ca từ của anh thể hiện đậm chất dân ca xứ Nghệ như câu “Chơ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh” trong bài hát Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh. Còn riêng bài Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, khi anh sáng tác xong đưa cho cả đoàn cùng xem rồi sửa.
Sau đó lãnh đạo UBND nhất trí cho hát và phát trên loa phát thanh. Khi bài hát này cất lên ngay tại công trường xây dựng hồ Kẻ Gỗ, ai cùng vỗ tay và hát cùng, họ vui mừng lắm. Thật sự những ca từ trong bài hát này như làn gió mát động viên tinh thần để cổ vũ cho hàng vạn người đang đổ mồ hôi xây hồ”, nhạc sỹ Lê Hàm nhớ lại.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh - Lê Trần Sáng cho biết, trong thời gian nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý còn sống, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh hỗ trợ một tháng 5 triệu đồng cho nhạc sỹ nhằm bày tỏ lòng tri ân đối với nhạc sĩ khi có sự đóng góp bằng tinh thần trong việc xây dựng công trình thủy nông hồ Kẻ Gỗ.
“Sự đóng góp cho nền âm nhạc của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý cho Hà Tĩnh rất lớn. Nhất là đối với công trình thủy nông hồ Kẻ Gỗ nên UBND tỉnh đã giao cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh hỗ trợ một tháng 5 triệu đồng cho nhạc sỹ. Bởi bài hát ra thời điểm đó như một động lực hỗ trợ cho người dân có thêm ý chí để hoàn thành việc xây dựng, đắp đập”, ông Sáng cho hay.
Từ nay nền âm nhạc Việt Nam vắng bóng thêm một cây đại thụ, nhưng những giai ca khúc của ông sẽ vọng cùng năm tháng, sống mãi trong lòng người yêu nhạc.