Cô giáo dạy đàn trong một lớp học xưa. |
Đối với thế hệ học trò những năm 1970-1980, chuyện tặng quà cho thầy cô giáo mỗi dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam là những kỷ niệm khó quên trong đời. Anh Lâm (42 tuổi, Hà Nội) bồi hồi nhớ lại, trước ngày nhà giáo Việt Nam cả tuần, lũ học trò lớp 5 bận rộn lo chọn quà tặng cho thầy cô giáo. Cả lớp tự biên tự diễn, chẳng bao giờ để bố mẹ đến nhà thầy cô.
"Học trò trước kia nghèo lắm, đến ngày lễ là góp nhau 500 đồng, 1.000 đồng để mua quà. Cả lớp gom được hơn 40.000 đồng, cãi nhau ỏm tỏi nên tặng quà gì cho cô. Quà thường là chiếc bút kim tinh hoặc cuốn sổ, mà nhất định phải có chữ Sổ giáo án ở ngoài bìa mới chịu mua. Hôm sau, thấy cô giở trang giáo án có đúng bìa sổ mình tặng là sướng lắm", anh kể.
Ngày 20/11 trở thành ngày nghỉ hợp pháp nên đêm hôm trước, lũ học trò thao thức không ngủ. Ai cũng mong chờ trời sáng để mặc quần áo đẹp rồi í ới gọi nhau ra điểm tập kết là ngã ba, ngã tư đường, cùng đến nhà cô. Anh Lâm còn nhớ, ngày thường đi bộ đến lớp, nhưng sáng hôm đó Lâm năn nỉ anh trai cho mượn chiếc xe đạp Thống Nhất khung ngang để đi cho oách.
Tuổi nhỏ, chân đứa nào cũng ngắn nên không ngồi hẳn lên yên xe được, cứ nhấp nhổm theo những vòng quay đều đều của bánh xe. Có đứa còn vẹo hẳn lưng sang một bên để đạp xe, nhưng hăng lắm. Đi ngoài đường ngày hôm ấy, nhìn thấy đám nào đông, toàn áo trắng lao xe ầm ầm, đích thị đến nhà thầy cô giáo để thăm.
Nhiều năm trôi qua, anh Lâm không quên được nụ cười hiền hậu của cô giáo chủ nhiệm khi thấy lũ học trò mồ hôi nhễ nhại, tóc xù lên vì gió bụi đứng trước cổng nhà í ới gọi tên cô. Cô còn mang bao nhiêu hoa quả, bánh kẹo cho cả lớp ăn. Học trò thấy bánh kẹo là thích, hồn nhiên thò tay bốc táo, bốc kẹo ăn ngon lành. Vừa ăn vừa kể chuyện cho cô nghe "đứa này đi lạc, đứa kia chỉ sai đường, bảo rẽ trái thì nó cứ cãi là đi thẳng"...
"Nhà có vườn táo ngọt sai quả, cô cho cả lớp kéo nhau ra vườn ăn bao nhiêu tùy thích. Thế là cả lũ ào ra, đánh tan tác vườn cây nhưng cô không hề trách. Sau này lớn lên, chúng tôi người đi học, người đi làm xa nhưng có dịp là tụ họp về thăm cô đã nghỉ hưu", người đàn ông mắt lấp lánh sau cặp kính chia sẻ.
Trong ký ức của chị Hoài Thu (38 tuổi), món quà dành cho thầy cô giáo là những bông hồng nhung đang hé nở được chị và các bạn đi xin khắp làng. Trước 20/11 vài ngày, lũ học trò phân công nhau rình trong xóm, nhà nào có hoa sắp nở là canh chừng, chờ đúng ngày xin hái tặng cô. Những bông hồng nhung đỏ rực, đầy gai nhưng có hương thơm ngát. Đã dặn dò bác chủ nhà từ trước là "nhớ để dành cho cháu mang tặng cô" nhưng một ngày cô học trò Thu phải vòng xe qua đó mấy lần để an tâm là bông hoa vẫn nằm yên trên cành.
Cô giáo trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) đàn guitar tặng học trò. |
Sớm tinh mơ, Thu hái bông hồng đỏ thắm còn ngậm sương mai rồi tập hợp hoa của các bạn khác thành một bó, bọc trong giấy báo và góp tiền mua thêm cuốn sổ để tặng cô. Cô giáo dùng chiếc bình đẹp nhất nhà, đổ nước vào để cho lũ học trò tự tay cắm. Nhìn bình hoa được cô trang trọng đặt lên bàn ở giữa nhà, trong lòng học trò đều vui sướng.
Những năm sau này, chị Thu và bạn bè lựa chọn những món quà sang hơn một chút như mảnh vải, lọ hoa, bộ ấm chén Hải Dương hay chiếc áo len tặng cô, vì cuối tháng 11 cũng là dịp đông giá lạnh. Các thầy thì được tặng sơ mi hoặc chiếc cà vạt. Tuyệt đối không có phong bì hay những món quà tiền triệu.
"Các thầy cô giáo cấp 2, cấp 3 luôn là những người gần gũi, thân thiết nhất như cha mẹ. Sau này lên đại học, tôi không còn cảm giác hồi hộp mỗi mùa 20/11 đến nữa vì ai cũng muốn đi riêng hoặc đến thăm thầy cô chỉ có cán bộ lớp", chị Thu chia sẻ.
Còn cô giáo Thanh Hương, cựu học sinh Lê Hồng Phong (Hải Phòng), tâm sự, mấy ngày hôm nay đi đâu cũng thấy phụ huynh than thở chuyện tặng quà thầy cô giáo. Suốt những năm tháng chị cắp sách đến trường, chưa năm nào bố mẹ phải đến nhà thầy cô. Chỉ có một lần duy nhất là khi chị học tiểu học cách đây 30 năm. "Đúng ngày 20/11 thì cô giáo chủ nhiệm bị ốm, mẹ mua cho cân đường, phụ huynh đứa bạn mua cân cam. Thế là buổi tối, hai phụ huynh chở hai đứa học trò trên chiếc xe đạp khung dựng đến thăm cô", chị kể.
Hình ảnh những thầy cô ngày ngày trên bục giảng với bảng đen, phấn trắng đã gieo vào lòng cô học trò năm nào tình yêu sư phạm. Tốt nghiệp xong, Hương lên Lai Châu "cắm bản" ròng rã hơn chục năm trời. Chị bảo có lên đây mới thấy thương học trò vô cùng. Đường sá đi lại khó khăn, ăn uống không đầy đủ. Khi mùa đông về, cô trò nhóm củi lửa để sưởi ấm bàn tay mà cầm phấn, cầm bút.
Ngày 20/11 năm đầu tiên chị Hương lên đây dạy học, có em học trò xách một xâu cá đến bảo bố vừa bắt dưới suối mang biếu cô. Mấy cô bé bẽn lẽn, tay cầm theo bó hoa rừng để cô cắm vào ống bương cho đẹp căn phòng. Cô giáo trẻ năm ấy chỉ biết ứa nước mắt rồi mang cá đi nấu cơm, cô trò cùng ăn ngon lành.
"Ký ức về tình yêu sư phạm cùng tấm lòng bao dung, nhân hậu của những người thầy thuở xưa luôn nhắc nhở mình mỗi khi đứng trên bục giảng phải luôn hết lòng với học trò. Mình tự hào vẫn đang làm đúng như thế", cô giáo Hương nói.
Theo Vnexpress