Ký ức một thời lửa đạn của nữ cựu binh Bộ tư lệnh đoàn 559

Chân dung nữ CCB Lê Thị Mộng Phượng ngày đầu trong quân ngũ. (ảnh: NVCC)
Chân dung nữ CCB Lê Thị Mộng Phượng ngày đầu trong quân ngũ. (ảnh: NVCC)
TPO - Với lòng nhớ thương và cảm phục đồng đội đã từng “vào sống ra chết” cùng mình, nữ cựu chiến binh Lê Thị Mộng Phượng (quê Thạch Trung, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã bồi hồi chia sẻ ký ức về những tháng ngày gian nan trên chiến tuyến diệt thù.

KỲ 1: Hành quân vào Thượng Lào

Ở cái tuổi 65, gương mặt chị Phượng vẫn ngời lên nét thanh tú một thời xuân sắc. Trong những câu chuyện kể của chị luôn đan xen giữa tiếng cười lạc quan dí dỏm và tiếng nấc nghẹn khi nhớ lại đồng đội năm xưa…

Ba lần viết huyết thư xin đi bộ đội

Những ngày còn đang học cấp 2, bất kể lúc nào có máy bay oanh tạc, chị đều chạy một mạch lên Cồn Cồ cách nhà 500m để làm nhiệm vụ tiếp đạn cho bộ đội cao xạ. Năm 1968 chị mới 14 tuổi, nhưng đã tìm mọi lý do thuyết phục gia đình cho nghỉ học để đi làm dân công hỏa tuyến. Sau chuyến đi gánh gạo phục vụ chiến trường vào đến tận Quảng Bình, chị được cấp trên tin tưởng kết nạp vào Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Làm được một năm, chị gái và anh rể yêu cầu chị phải về đi học tiếp. Tháng 12 năm 1970 chị đang học lớp 10 thì biết có chủ trương của nhà nước tổng động viên để chi viện cho chiến trường. Để thực hiện ước mơ được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh của “anh Bộ Đội Cụ Hồ”, chị đã làm đơn gửi đến tỉnh đoàn thanh niên Hà Tĩnh. Sau 3 lần cắt máu viết tâm thư xin đi bộ đội, cuối cùng nguyện vọng của chị cũng được toại nguyện. Chị ra đi với ba lô trên vai và một trái tim nóng bỏng với một lý tưởng cao đẹp là "giải phóng miền nam, thống nhất đất nước". Cùng với hàng nghìn chiến sỹ nữ, chị được tập trung học điều lệnh hai tháng ngay trên mảnh đất quê hương Hà Tĩnh. Sau đó, các chị được lệnh hành quân thẳng vào chiến trường. Với sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh của một cô gái tuổi “17 bẻ gãy sừng trâu”, chị được cấp trên phân công làm tiểu đội trưởng chỉ huy một tiểu đội nữ quân nhân. Tiểu đội của chị cùng đơn vị hành quân bộ dọc theo đường giao liên vào Thượng Lào để mở “Đường 20 Quyết thắng”.

Dọc đường hành quân

Đơn vị được lệnh hành quân dọc theo đường mòn giao liên có qua đèo, lúc đó các cánh lính gọi là đèo 1001. Con đường giao liên bằng đường đất, đi xuyên qua núi từ Quảng Bình sang Lào. Khi ấy, con đường rất khó đi, đất trơn tuột, dốc thẳng đứng, phải đi qua nhiều lau, sậy, đá tai mèo dốc thẳng đứng. Thế mới biết, ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào người lính Cụ Hồ cũng luôn luôn lạc quan để vượt qua. Hành quân vất vả là vậy mà chị kể nghe cứ nhẹ bâng, hài hước vô cùng: “Vào những ngày mưa thì “từng đoàn” vắt đuổi theo bước chân người đi nghe như tiếng gió rào rào. Những chú vắt cứ thế tùy tiện chui vào bất cứ đâu mà chúng có thể chui được chứ “chẳng thèm xin phép” các cô, chú bộ đội. May mắn là bọn vắt khác với bọn đỉa, những chú vắt sau khi hút no máu thì tự lăn ra mà không “đóng đô” lại đâu đó trên cơ thể con người như loài đỉa. Trong đoàn hành quân cũng có đồng chí khóc vì sợ vắt, sợ thú rừng và mang vác nặng cũng khóc. Nhưng khóc thì chẳng có ích lợi gì vì có ai nghe đâu, mọi người đều mãi miết đi và đi, may ra chỉ có gió, mưa và những chú vắt rừng nghe được…”. Có lẽ là người con gái Hà Tĩnh nên chị được thừa hưởng cái “gien” mạnh mẽ, cứng cỏi của người dân miền quê nóng rát gió Lào. Chính vì thế, trong các cuộc hành quân chị là người thường đi trước, nhưng lại thường xuyên đứng đợi hoặc quay lại phía sau xem có đồng chí nào mệt tụt lại để còn giúp đỡ. Có đồng chí vác nặng quá không mang theo được đã bỏ lại dọc đường cả những ruột tượng gạo hay tăng màn, quần áo. Thấy vậy chị đã nhặt hết, mang theo trên đôi vai của mình có lúc đến hơn 50kg, ngang ngửa với trọng lượng cơ thể. Bởi chị nghĩ, nếu không mang đi dọc đường lấy gì mà ăn, đồng chí mình lấy gì mà ngủ, mà thay.

Ký ức một thời lửa đạn của nữ cựu binh Bộ tư lệnh đoàn 559 ảnh 1

Nữ sinh Lê Thị Mộng Phượng cùng anh trai trước ngày nhập ngũ (ảnh: NVCC)

Trên đường hành quân, khi có lệnh được nghỉ giải lao, cả đoàn quân dừng lại. Người thì nhanh nhẹn đi kiếm nước tranh thủ bắc ngay ăng-gô lên để nấu cơm, người thì mệt quá nằm ngay ra vệ đường ngủ một giấc. Để bảo đảm an toàn tránh bị địch phát hiện ra khói, chị đã nhắc nhở mọi người cùng tranh thủ đào “bếp Hoàng Cầm” để nấu cơm. Chỉ tay về phía chiếc ăng-gô kỷ vật một thời trên chiến trường, chị cười kể tiếp: “Khổ nhất là khi đi qua Binh Trạm 14, chẳng có lấy một giọt nước nào. Đúng là nước khe cạn bướm bay lèn đá”, thế là cả đoàn quân chia nhau múc những ăng-gô nước ở khe đá cạn lúc nhúc những con nòng nọc. Đến khi nấu xong cơm thì nòng nọc cũng nằm lẫn gạo như là độn thêm thực phẩm vậy. Ấy thế mà lính ta cứ chén hết sạch ăng-gô cơm ngon lành. Có lẽ nhờ có thêm món “nòng nọc” nên sau khi ăn chúng tôi đi nhanh hơn. Tuy nhiên trong hàng quân cũng có sự cố xẩy ra, một số đồng chí kêu mất bao tượng gạo, đồng chí khác kêu mất tăng võng, lại có tiếng khóc thút thít của ai đó giữa hàng quân. Hóa ra khi trời nhập nhoạng tối, lính ta tranh thủ ngủ lấy sức, thế là cánh dân công hỏa tuyến đi qua họ “mang giúp” cho đỡ nặng mà không biết”

Đoàn quân cứ đi và máy bay B52 cứ rải bom. Cánh lính ta đều là con em đi từ khu 4 cho nên chuyện bom đạn quen rồi. “Có ra chiến trường hay ở nhà thì cũng vẫn bom đạn réo rắt cả ngày, chẳng mấy ai để ý, bom cứ thả và đoàn quân cứ đi. Nhưng lần này thì không thể bình thường được nữa, chúng ném bom đúng giữa đoàn quân” - Kể đến đây mắt chị ngân ngấn lệ: “Tôi đang đi phía trước bỗng nhiên có tiếng hét “nằm xuống”… “bom B52”. Tôi chưa kịp định thần thì cả đám lửa khổng lồ đã bùng lên, tiếng máy bay B52 rít qua đầu. Kinh nghiệm cho thấy, đã là “B52 rải thảm” thì nghe tiếng bom nổ trước rồi mới nghe được tiếng máy bay sau. Hơn chục đồng chí “chiến sỹ gái” đã vĩnh viễn ra đi. Mười mấy đồng chí khác bị thương, trong đó có đồng chí Toàn (ở thành phố Hà Tĩnh) bị cháy xém gần hết gương mặt”.

Trước tình hình đó, để tránh thương vong xảy ra, cuộc hành quân được chuyển sang đi bằng ô tô tải. Các chị được “nằm” chung với những bao gạo đầy ắp trên xe. Để “cảnh giác” với “cánh mày râu” đi chung trên một xe, các chị dùng bao gạo làm “biên giới”. Nhưng đến khi ngủ quên, xe xóc mạnh, lúc thức dậy thấy mình đang ôm một “bao gạo” đầy đủ quần áo và có cả… râu. Lúc ấy, các chị cảm thấy thật kinh hoàng! Xe tạm dừng, nghỉ ngơi điểm lại quân số, phát hiện thiếu mất một “chiến sỹ gái”. Cuối cùng phát hiện ra, khi xe chạy xóc quá bị rơi xuống đường lúc nào không biết. Thôi thì để đơn vị khác đi sau đón giúp. Và, đoàn xe cứ thế lại hành quân tiếp.  Kể đến đây mắt chị ngấn lệ và nhìn xa xăm như đang cố nhớ lại những ngày tháng ác liệt mà chị và đồng đội đã trải qua trên đường ra mặt trận.

Mở đường 20 quyết thắng

Nhấp ngụm trà xanh đặc quánh, ánh mắt chị nhìn xa xăm như đang cố tìm lại dáng dấp trẻ trung, vẻ đẹp thơ ngây, trong sáng thuở nào của những đồng đội nữ năm xưa. Khóe mắt ngân ngấn lệ, chị hồi tưởng: “Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên đặt chân vào rừng già Thượng Lào. Lúc đó “công trường Hai Bà Trưng” được thành lập với hàng ngàn chiến sỹ nữ là lính công binh. Tôi được bổ sung vào một trung đội, mà duy nhất chỉ có một đồng chí trung đội trưởng là nam giới, còn lại toàn là “chiến sỹ gái”. Đồng đội của tôi đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... Tất cả chúng tôi lúc ấy đều quá trong sáng, ngây thơ, chưa có ai được biết đến hương vị của tình yêu là gì”.

Ký ức một thời lửa đạn của nữ cựu binh Bộ tư lệnh đoàn 559 ảnh 2

Khúc cua chữ A trên cung đường 20 Quyết Thắng ngày đầu mới mở. (ảnh: tư liệu)

Đúng là trong gian khổ, mọi khó khăn người ta đều có thể vượt qua cho dù đó là nam hay nữ. Những công việc nặng nhọc từ chặt cây, dựng lán cho đến đào hầm hay đánh bộc phá,... các chiến sỹ gái như chị đều tự làm thuần thục như nam giới.

Thế rồi trong suốt thời gian 6 tháng mở “Đường 20 Quyết Thắng” (gần Hang 8 cô hiện nay) biết bao nhiêu đồng đội nữ của chị, người thì ngã xuống, người bị thương, người thì sốt rét ác tính, ốm đâu được đưa về tuyến sau. Ấy thế nhưng riêng chị hình như bom đạn nó “chừa ra" thì phải. Không những thế, chị còn được cấp trên đề bạt làm trung đội phó khi tuổi đời mới đôi mươi.

Mặc dù với dáng người nhỏ nhắn, nhưng ở chị sự thông minh, tháo vát dường như được tôi luyện từ nhỏ. Không sợ vất vả gian khổ, bất kể công việc nhiệm vụ khó khăn nào chị cũng hoàn thành xuất sắc, chính vì thế chị được đồng đội gọi là "người dũng cảm”. Những hôm đồng đội bị sốt rét, chị có thể thay trực cả đêm. Một mình chị có thể băng rừng đi lấy gạo, gùi trên lưng cả bao gạo đi hàng chục cây số suốt cả ngày. "Có lần tôi đã bị bom vùi luôn cả bao gạo trên lưng, mà may thật nếu không có bao gạo che chắn thì lúc này làm gì còn mà nói chuyện với em" - Chị cười hiền từ nhưng ánh mắt lại rất tư lự. Để tìm kiếm, bổ sung thực phẩm cho đồng đội, một mình chị có thể ra suối đánh bộc phá lấy cá hoặc vào rừng săn bắt muông thú được cả hươu, nai, thậm chí cả tinh tinh nữa.

Kể đến đây giọng chị bỗng chùng xuống, bao nhiêu ký ức về đồng đội đã hi sinh lại ùa về nấc nghẹn: “Con đường chúng tôi cứ làm được đoạn nào, thông xe được đoạn nào là máy bay B52 lại rải bom đến đó. Đồng đội tôi cứ thế lần lượt hi sinh, ra đi mãi mãi... Nhiều đồng chí may mắn không dính bom đạn của kẻ thù thì cũng bị sốt rét hoặc ốm đau bệnh tật. Tôi không còn nhớ mình đã chôn cất bao nhiêu người, nhặt nhạnh từng bộ phận cơ thể đồng đội gói vào tăng võng, vùi vội xuống hố đất và cắm một cái cọc để làm dấu. Và, tôi cũng không còn nhớ được bản thân mình đã bao nhiêu lần bị bom vùi, sập hầm. Nhưng lạ thay, tôi không chết mà cũng chẳng bị thương, chỉ mấy lần bị sức ép xây xát sơ sơ và chảy máu ở tai, mắt mà thôi”.

Do tổn thất quá lớn, nên sau 6 tháng mở đường, cấp trên đã điều các chị ra tuyến sau để nhận nhiệm vụ mới. “Chia tay” lính công binh chị lại trở thành lính thông tin hữu tuyến và được điều vào chi viện cho Chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971. Gian khổ vẫn nối tiếp gian khổ và một ngọn đồi được cánh lái xe đặt tên "O Phượng" ra đời. Đó là nơi trọng điểm ác liệt mà chị đã từng hành quân đi qua. Chị cười bật mí tiếp: "Tôi gây ấn tượng với cánh lính lái xe là vắt vẻo trên ba lô sau lưng tôi là một chú lợn gần 30 kg vừa đi vừa kêu eng éc. Vì thế cánh lính lái xe đặt cho ngọn đèo gặp tôi hành quân qua là "Đèo O Phượng". Lần đó, khi vượt qua sông Sepôn, chú lợn đã "không tuân theo kỷ luật" chiến trường, bỏ vị trí bơi ngay ra giữa dòng nước đang chảy cuồn cuộn. Vì không biết bơi, nên tôi đã phải cầu cứu đến những người lính đang hành quân vội vã. Một trong những đồng chí ấy đã dừng lại bơi đuổi theo chú lợn và bắt nó lại, buộc thật chặt và trả cho tôi với lời nhắc nhở rằng, phải cẩn thận kẻo nó lại sổng mất”. Chị buồn buồn và nói: "Giá bây giờ được gặp lại, tôi sẽ tặng hẳn đồng chí ấy một con lợn cắp nách".

Sau này có dịp đi công tác qua đây, cái cảm xúc bùi ngùi, xót thương thật khó tả cứ thổn thức mãi trong lòng chị. Vẫn còn đó “đường 20 Quyết Thắng” gian khổ mà oanh liệt năm nào. Con số 20 được gắn với tên đường bởi những thanh niên xung phong và những người lính như chị lúc đó mới chỉ trên dưới 20 tuổi đời. Nghe chị kể, chúng tôi tin rằng nếu là nhà văn, chắc chắn chị đã viết được một cuốn tự truyện thật hay, thật cảm động kể lại cuộc đời hy sinh chiến đấu của các “chiến sỹ gái”- đồng đội năm xưa của chị với tất cả tình yêu thương và sự khâm phục vô bờ.

Ngoài trời vẫn mưa sụt sùi, nhưng không gian ngôi nhà của chị thật ấm áp. Đẩy ly trà nóng về phía tôi mời uống, chị trầm ngâm: “Xin thắp một nén nhang cầu cho linh hồn của các đồng chí nam, nữ bộ đội và thanh niên xung phong - những người đã từng mở “Đường 20 Quyết Thắng” đang nằm lại đâu đó trên mảnh đất năm xưa sớm được siêu thoát. Các chị, các anh mãi mãi là tuổi 20...” (Còn nữa)

(Ghi theo lời kể của nữ CCB Lê Thị Mộng Phượng)

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.