Kỳ tích Thủy điện Sơn La- Top 10 thế giới

Kỳ tích Thủy điện Sơn La- Top 10 thế giới
TP - Ngày 23-12, Thuỷ điện Sơn La - thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á, khánh thành, sau 7 năm xây dựng. Đại công trình này cán về đích sớm tới 3 năm so với nghị quyết của Quốc hội. PV Tiền Phong có mặt tại công trường ghi nhận không khí những ngày cuối cùng trước lễ khánh thành.

> Thủy điện Sơn La trước giờ khánh thành
> Nghiệm thu các hạng mục của dự án Thủy điện Sơn La

Trọn đời với Mường La

Chúng tôi có mặt ở Mường La để đón chờ thời khắc quan trọng nhất của công trình thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á: Lễ khánh thành Thuỷ điện Sơn La. Ăn vội bát cơm trưa, anh Bùi Phương Nam - Trưởng phòng Kỹ thuật (Ban quản lý Thuỷ điện Sơn La - Ban A) - vội dẫn khách vào xã Ít Ong.

Đây là nơi được chọn để ngăn sông, đắp đập Thuỷ điện Sơn La năm 2005. Anh Nam cho biết, những năm 2000, khi đặt chân lên đây, để vào được Ít Ong phải đi cả ngày trời còn đường sá thì lầy lội, vách núi lởm chởm, đò nhỏ sông to và rất hung dữ.

“Giờ thủy điện đã hoàn tất, đáp ứng đầy đủ các thông số kỹ thuật về an toàn” - anh Nam tự hào.

Xe đi qua cầu Mường La, chúng tôi dừng chân trên một vách núi. Từ xa, Thủy điện Sơn La hùng dũng chắn ngang Sông Đà. Để chuẩn bị cho lễ khánh thành (vào ngày 23-12 tới), lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có mặt thị sát, tổ chức khánh thành đài tưởng niệm và cầu siêu cho những người đã hy sinh vì công trình. Đàn tràng được sắp lên.

Hàng trăm người ngồi dọc theo thân đập thuỷ điện tụng kinh, niệm phật. “Để thành công, phải có hy sinh, mất mát. Người làm thuỷ điện xưa nay tôn trọng kỷ luật, sống bao dung, đùm bọc lẫn nhau” - Ngô Mạnh Hùng, sinh năm 1979 (quê Thái Nguyên), Trưởng kíp phân xưởng vận hành nhà máy nói. Hùng cho biết, anh lên Mường La năm 2007.

Giờ thì Sơn La như quê hương thứ hai vì hai vợ chồng Hùng đã nguyện gắn bó với Mường La. “Thực sự thì có nhiều vợ chồng đã nên duyên tại Mường La và quyết định ở lại lập nghiệp, gắn bó trọn đời với công trình này”- Hùng tâm sự.

Lọt top 10 thế giới

Phòng điều khiển trung tâm Thuỷ điện Sơn La. Ảnh: Phong Cầm
Phòng điều khiển trung tâm Thuỷ điện Sơn La.
Ảnh: Phong Cầm.
 

Theo ông Nguyễn Hồng Hà - Trưởng Ban A, đến thời điểm này, công trình Nhà máy thủy điện Sơn La đã sẵn sàng cho ngày khánh thành. Hiện, các tổ máy số 1, 2, 3, 4, 5 và 6 vận hành ổn định.

Tổng sản lượng điện đạt trên 12,5 tỷ kWh. EVN đã tiến hành kiểm tra mốc cắm đường viền lòng hồ và có báo cáo thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước với kết quả là các mốc đều ở cao độ đúng hồ sơ kỹ thuật.

“Có thể nói, khi khánh thành, đập thuỷ điện Sơn La là một trong 10 đập bê tông đầm lăn lớn nhất thế giới” - ông Hà khẳng định.

Theo ông Hà, có rất nhiều yếu tố làm nên kỳ tích khi công trình vượt tiến độ ba năm. Đó là vị trí đặt đập tốt, hệ thống giao thông cầu đường, mặt bằng... đồng bộ. Do được chuẩn bị hạ tầng trước nên ngày khởi công chính là ngày ngăn sông.

“Nếu các hạng mục liên quan không đồng bộ thì năm 2005 khởi công nhưng chưa chắc đã ngăn sông được trong năm đó. Nhất là dự án di dân tái định cư với số lượng người dân phải di dân nhiều nhất trong lịch sử các thuỷ điện” - ông Hà nói.

Ông Lò Ngọc Ón - Phó Trưởng Ban quản lý Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La cho PV Tiền Phong biết, đã di chuyển 12.584 hộ dân để triển khai dự án Thuỷ điện Sơn La.

Do nhiều nơi người dân chưa ổn định được cuộc sống, tỉnh Sơn La đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ thêm người dân đầu tư cho sản xuất. Cụ thể, tỉnh đề xuất suất đầu tư cho mỗi hộ có 4 khẩu là 40 triệu đồng và hộ 5 khẩu là 50 triệu đồng. Còn cấp sổ đỏ, đến cuối năm 2013 sẽ cấp hết cho dân.

Chưa khánh thành đã nộp gần 1.000 tỷ đồng thuế VAT

Theo ông Nguyễn Hồng Hà, đến thời điểm này, nhà máy đã phát điện cả 6 tổ máy và đấu nối với hai điểm quan trọng để cung cấp điện lên đường dây 500kv là Nho Quan (Ninh Bình) và Hiệp Hoà (Bắc Giang).

Từ khi hồ thuỷ điện Sơn La đi vào hoạt động, cùng với hồ thuỷ điện Hoà Bình, đã phát huy tác dụng, cơ bản điều tiết và ngăn được lũ ở Đồng bằng Sông Hồng.

“Trước đây, chỉ có hồ Hòa Bình, EVN phải rất cân nhắc mỗi khi phải xả hồ Hòa Bình để lấy nước cho Đồng bằng sông Hồng. Bây giờ có thêm hồ Sơn La, việc này sẽ đỡ hơn nhiều. Ít nhất trong tương lai gần, với trữ lượng nước gấp đôi hồ Hòa Bình, việc cung cấp nước sẽ thuận lơi hơn”- ông Hà khẳng định.

Ông Hà cũng cho biết, dù mới đi vào hoạt động, nhưng Thuỷ điện Sơn La đã đóng gần 1.000 tỷ đồng tiền thuế VAT cho địa phương (chưa kể thuế tài nguyên). Hiện, trong tổng nguồn thu của Sơn La thì Thuỷ điện Sơn La đóng góp quan trọng nhất.

Dự án Thủy điện Sơn La khởi công năm 2005. Công suất lắp đặt 2.400 MW gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW. Sản lượng điện trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh.

Tổng mức đầu tư hiệu chỉnh được Thủ tướng tạm phê duyệt là hơn 60.195 tỷ đồng (so với Nghị quyết Quốc hội điều chỉnh phương án xây dựng Thuỷ điện Sơn La năm 2002, vốn đầu tư chưa tính lãi vay là 31.000-37.000 tỷ đồng đã vượt hơn 23.000 tỷ đồng).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG