Trước đó, bệnh nhân thường thấy đau bụng dưới và mỗi kỳ kinh nguyệt cũng kéo dài ngày hơn bình thường, bệnh nhân T đã đi khám thì được chẩn đoán bị u xơ tử cung, và tình trạng này kéo dài trong 6 năm nay. Nhưng thời gian một năm trở lại đây, tình trạng đau bụng dưới ngày một nhiều hơn, bệnh nhân T đi khám và được các bác sĩ cho biết kích thước khối u xơ ngày một phát triển.
Lo lắng cho sức khỏe nhưng lại không muốn phải phẫu thuật, có thể giữ lại tử cung nên sáng ngày 10/4 bệnh nhân T đã đến Bệnh viện đa khoa Đức Giang khám để có thể xử lý thích hợp khối u. Vào phòng khám, bệnh nhân T đã được bác sĩ chỉ định làm siêu âm ổ bụng, chụp Xquang cùng các xét nghiệm cần thiết khác.
Dựa vào các kết quả cận lâm sàng trên, bệnh nhân T được chẩn đoán có khối u xơ tử cung kích thước 50x65mm và có chỉ định nhập viện điều trị. Các bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật nút mạch khối u xơ để có thể loại bỏ được khối u xơ mà không cần phẫu thuật và giữ lại tử cung như mong muốn của bệnh nhân.
Chiều ngày 10/4, bác sĩ Ngô Vĩnh Hoài - khoa Chẩn đoán hình ảnh bệnh viện đa khoa Đức Giang đã tiến hành thành công kỹ thuật nút mạch U xơ tử cung qua đường động mạch quay cho bệnh nhân T dưới sự hỗ trợ của Ths.Lê Thanh Dũng – Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện hữu nghị Việt Đức
Theo bác sĩ Ngô Vĩnh Hoài, u xơ tử cung là bệnh lý u lành tính hay gặp ở phụ nữ với khoảng hơn 50% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có thể mắc bệnh. Tuy u xơ tử cung thường không có triệu chứng, tuy nhiên với các khối u to cũng có thể gây ra một số triệu chứng trầm trọng như đau bụng, rối loạn kinh nguyệt hay thậm chí vô sinh. Điều trị u xơ tử cung có nhiều cách, tùy theo kích thước của khối u, triệu chứng lâm sàng của người bệnh...
Có nhiều phương pháp điều trị u xơ tử cung như: dùng thuốc, phẫu thuật, nút động mạch tử cung. Mỗi phương pháp có những ưu nhược điểm riêng”. “Nút động mạch điều trị u xơ tử cung có các ưu điểm sau: thủ thuật tương đối an toàn, thời gian làm thủ thuật và nằm viện ngắn, không ảnh hưởng đến sức lao động, sản xuất của người bệnh sau này, không để lại sẹo, cũng như các biến chứng sau mổ...
Đặc biệt người bệnh có thể mang thai lại vì không bị ảnh hưởng đến tử cung. Với phương pháp nút mạch truyền thống, đường tiếp cận khi làm can thiệp mạch thường là qua đường động mạch đùi. Sau khi nút mạch bệnh nhân thường cần nằm bất động chân trong 8 giờ để tránh gây chảy máu, tụ máu vị trí chọc kim.
Đây là khoảng thời gian ít hơn nhiều so với thời gian nằm viện từ 5-7 ngày sau phẫu thuật. Tuy nhiên với phương pháp nút mạch mới với đường tiếp cận từ động mạch cánh tay, sau khi can thiệp bệnh nhân chỉ cần hạn chế vận động mạnh tay trong vòng 8 giờ, và có thể đứng dậy đi lại ngay sau khi làm thủ thuật”.
Chỉ định của nút mạch trong điều trị u xơ tử cung bao gồm: - Các khối u xơ trong cơ tử cung có kích thước dưới 10cm, có triệu chứng lâm sàng do khối u gây ra như: đau bụng, rong kinh...
- Khối u dưới thanh mạc có diện bám của khói u vào cơ tử cung lớn hơn hoặc bằng 2cm. - U dưới niêm mạc có kích thước dưới 5cm.
- U xơ tử cung ở những người có nhu cầu bảo tồn tử cung để sinh con hay nâng cao chất lượng cuộc sống. Chống chỉ định của nút mạch trong điều trị u xơ tử cung
- U xơ tử cung quá to, có đường kính trên 10cm hoặc có nhiều khối đường kính trên 7cm.
- Bệnh nhân đang có các bệnh lý nhiễm trùng, suy gan, suy thận nặng; mắc các bệnh ưa chảy máu; đái tháo đường.
- Có tiền sử dị ứng với các chế phẩm chứa iod; tiền sử hen phế quản.