Kỹ thuật mới 'cứu' người bị đột quỵ não phục hồi chức năng vận động

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đây là một phương pháp dễ dàng áp dụng, có thể mang theo, chi phí rẻ, dựa trên cơ sở dòng điện một chiều ổn định, cường độ nhỏ tác động vào não đồng thời ít có tác dụng phụ, thiết bị nhỏ gọn có thể di chuyển dễ dàng và phối hợp với các bài tập vận động trong quá trình kích thích.

Đột quỵ và những hệ luỵ

Đột quỵ là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và khuyết tật trên thế giới. Ước tính 50 - 60% những người sống sót sau đột quỵ biểu hiện một số mức độ suy giảm vận động và cần ít nhất một phần hỗ trợ trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (ADL). Nếu không điều trị, các hạn chế chức năng có thể tồn tại hoặc xấu đi theo thời gian, dẫn đến tăng sự phụ thuộc và gánh nặng cho người chăm sóc.

Sự tự hồi phục sau đột quỵ được cho là do tính mềm dẻo thần kinh (neuroplastic), chủ yếu nhờ tái tạo sợi trục, đuôi gai và tái tổ chức vùng tổn thương. Đa số sự phục hồi diễn ra trong một vài tuần đầu tiên, cho đến ba tháng đầu sau đột quỵ khả năng cải thiện chức năng vận động thường không đáng kể. Đặc biệt, việc mất chức năng vận động chi trên có thể đặt ra những thách thức đáng kể đối với hiệu suất ADL và do đó cũng có tác động đến chất lượng cuộc sống.

Kích thích điện một chiều xuyên sọ là gì?

Kích thích điện một chiều xuyên sọ (tDCS) là một kỹ thuật mới trong nhóm kích thích não không xâm lấn, đưa một dòng điện một chiều yếu qua các điện cực đặt trên da đầu nhằm kích hoạt tính mềm dẻo thần kinh có vai trò trong hỗ trợ phục hồi chức năng sau đột quỵ. Khi đặt điện cực lên vùng mục tiêu, dòng điện làm tăng tính dễ bị kích thích của nhu mô dưới điện cực dương, từ đó tăng độ mềm dẻo và dẫn truyền thần kinh.

Ngược lại, nhu mô dưới điện cực âm bị ức chế. Nhiều nghiên cứu trên người bệnh sau nhồi máu não cho thấy hiệu quả của kích thích não không xâm lấn có thể tăng lên bằng cách kết hợp các kỹ thuật tập luyện thần kinh cơ được áp dụng trong các liệu pháp phục hồi chức năng.

Tình trạng suy giảm chức năng chi trên là một trở ngại lớn trong chăm sóc và luyện tập phục hồi chức năng cho nhóm người bệnh này. Trung tâm Phục hồi chức năng - Bệnh viện Bạch Mai là một trong những đơn vị đầu tiên ứng dụng kỹ thuật kích thích điện một chiều xuyên sọ trong phục hồi chức năng ở người bệnh đột quỵ não.

Những ai có chỉ định và chống chỉ định với tDSC?

Kỹ thuật này được chỉ định cho các bệnh nhân: Phục hồi chức năng chi trên sau đột quỵ não. Có thể bắt đầu chỉ định sau giai đoạn cấp 1 đến 2 tuần.

Chống chỉ định của kích thích điện một chiều xuyên sọ đối với:

  • Bệnh nhân có kim loại trong não
  • Tiền sử đau đầu migraines: kích thích điện cực dương có thể làm giảm ngưỡng đáp ứng kích thích của vỏ não và làm tăng tình trạng đau đầu.
  • Phụ nữ có thai
  • Hiện tại hoặc tiền sử động kinh hoặc đang dùng các thuốc hướng thần có nguy cơ làm giảm ngưỡng động kinh
  • Bệnh nhân tiền sử hoặc hiện tại có các rối loạn tâm thần, thần kinh khác
  • Bệnh nhân có vấn đề về da như dị ứng, eczema, vẩy nến… hoặc các tổn thương ở vùng da đầu không tiếp xúc được với điện cực.

Người bệnh có nhu cầu tư vấn và sử dụng kỹ thuật tDCS có thể đến khám và điều trị trực tiếp tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Bệnh viện Bạch Mai, 78 Giải Phóng, Hà Nội.

MỚI - NÓNG