Kỹ sư xây dựng: Thà thiệt đất chứ không làm WC gầm cầu thang

Kỹ sư xây dựng: Thà thiệt đất chứ không làm WC gầm cầu thang
Nhiều ngôi nhà phố bố trí khu vệ sinh dưới cầu thang để tiết kiệm không gian sinh hoạt, tuy nhiên cách này có nhiều nhược điểm.

Kỹ sư xây dựng Ledung chia sẻ quan điểm và giải pháp của anh trên Facebook cá nhân:

Cách đây 24 năm, khi tôi ra Hà Nội học, đến nhà người quen chơi, lần đầu tiên, tôi thấy nhiều nhà bố trí WC dưới cầu thang đi kèm quạt hút mùi của Trung Quốc. Bật công tắc điện sáng, cái quạt chạy vù vù như cánh quạt trực thăng. Tuy nhiên, luồng khí hôi bị quạt thổi tán loạn ám cả nhà và một phần vào hộp kỹ thuật.

Kỹ sư xây dựng: Thà thiệt đất chứ không làm WC gầm cầu thang ảnh 1

Ảnh minh họa: Bathroom Trend.

Năm này qua tháng khác, cách bố trí nhà vệ sinh dưới gầm cầu thang hoặc trong một góc thiếu khí trong nhà nở rộ như "nấm mọc sau mưa". Nó trở thành trào lưu, thói quen xây dựng. Thậm chí, một vài kiến trúc sư cũng áp dụng giải pháp này như một lựa chọn tất yếu.

Tuy nhiên, thay vì mùi hôi chỉ trong phạm vi vài mét vuông và thoát rất nhanh, toàn bộ căn nhà sẽ thành nơi chứa uế khí. Mọi người thường hay lý luận rằng, như thế sẽ tiết kiệm được vài mét vuông dành cho sinh hoạt. Nhưng một thiết kế khoa học sẽ giúp tiết kiệm không gian hơn thay cho quan điểm mặc định WC trong nhà nhỏ phải dưới gầm cầu thang.

Nếu khu đất nhà bạn có diện tích càng bé, mùi lại càng đặc trưng. Gió tự nhiên không vào được nên mùi ám vào tường, quần áo, khăn tắm... Vào những hôm trời nồm ở Hà Nội, mùi theo hơi nước bốc lên hôi hám và ám ảnh, gây khó chịu cho các thành viên trong nhà.

Có rất nhiều cách bố trí WC, bạn chỉ cần cho kiến trúc sư biết rõ hai yêu cầu bất di bất dịch của bạn. Một là khu vệ sinh phải có khí tươi để thông thoáng và thoát mùi hôi. Hai là thứ tự ưu tiên các khu chức năng trong sinh hoạt của bạn.

Trong không gian dưới 60 m2, bạn không thể sắp xếp ưu tiên cho mọi phòng mà phòng nào cũng hoàn hảo cả. Do đó, bạn cần phải có nguyên tắc rõ ràng cho từng khu chức năng trong gia đình. Khi đó, phòng chức năng có ưu tiên cao hơn sẽ được sắp xếp cho không gian tốt hơn. Các phòng khác sẽ bị hạn chế một số mặt tiện ích nhất định. Giống như khi chỉ có một cái bánh thì con ăn trước bố mẹ hay đi máy bay có sự cố thì bạn phải đeo bình dưỡng khí trước khi đeo cho con.

Mỗi gia đình có những thói quen sinh hoạt, những sở thích riêng, không mấy ai giống ai. Bởi vậy, sẽ là sai lầm khi bạn chưa có ý kiến tư vấn, trao đổi với kiến trúc sư mà bê nguyên một mẫu kiến trúc nào đó bạn thấy vừa mắt về làm cho nhà mình. Bạn không giỏi hơn kiến trúc sư nên cần tôn trọng phương án mà họ đưa ra, sẽ ít có sai sót hơn.

Kiến trúc sư như là bác sĩ đối với bệnh nhân. Họ có thể làm sai một số chỗ, nhưng về bố cục tổng thể, họ luôn tốt hơn bạn. Bạn đừng bao giờ tự mình đi mua thuốc hay mua loại thuốc mà người bị tương tự mình đang uống và đã khỏi.

Cá nhân tôi ưu tiên số một là nhà vệ sinh, nó phải thoát mùi nhanh thì nhà mới sạch, mới thơm. Sau đó, tôi tính đến phòng ngủ, tiếp đó là đến bếp. Phòng khách xếp cuối cùng trong thứ tự ưu tiên bởi tôi làm nhà cho gia đình ở chứ không làm cho khách. Bạn không được bố trí khu vệ sinh ở nơi thiếu khí tươi lưu thông và làm nhà vệ sinh chỉ cho khách vãng lai.

Nguyên lý sinh hoạt của nhà ở gia đình khác quán trọ. Nhà hàng, khách sạn ưu tiên khách vãng lai, còn nhà cá nhân ưu tiên cho tiện nghi và sự thông thoáng của gia chủ trong sinh hoạt. Do đó, chúng ta phải xác định làm nhà cho mình ở, không phải cho khách. Tuyệt đối không vì khách mà bạn phải phá vỡ toàn bộ cấu trúc nhà ở của chính gia đình mình.

Nhà tôi có 56 m2 (4,7x12m), tôi để 2 m2 cho hàng xóm làm rộng lối đi. Bù lại, anh ấy cho tôi mở cửa sổ nhà vệ sinh sang lối đi đó. Vài m2 có thể nhiều tiền nhưng bạn có được tình cảm láng giềng và mở cửa sổ theo nhu cầu của bạn.

Ở phần diện tích còn lại, tôi để ra 16 m2 để làm giếng trời chạy dọc nhà (1,3x12m), cầu thang, diện tích ở chỉ còn 38 m2. Mọi phòng ngủ, nhà vệ sinh ngoài khả năng lưu thông không khí còn mở toàn bộ cửa kính nhìn ra vườn trong nhà.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.