Kỳ quái 9x, 10x 'hầu đồng'

Kỳ quái 9x, 10x 'hầu đồng'
Bên cạnh những bạn trẻ tham gia các cuộc “hầu đồng” vì một niềm tin mê muội, thế giới “đồng cô, đồng cậu” 9X, 10X còn chứng kiến cảnh nhiều người bỏ hàng trăm triệu đồng ra chỉ để… “bằng chị, bằng em”!

Kỳ quái 9x, 10x 'hầu đồng'

> Thanh đồng kể chuyện hầu thánh
> Khi Giáo sư, Tiến sĩ lên đồng

Bên cạnh những bạn trẻ tham gia các cuộc “hầu đồng” vì một niềm tin mê muội, thế giới “đồng cô, đồng cậu” 9X, 10X còn chứng kiến cảnh nhiều người bỏ hàng trăm triệu đồng ra chỉ để… “bằng chị, bằng em”!

Xưa nay, nhiều người vẫn nghĩ “hầu đồng – hầu Thánh” là việc chỉ dành cho những người lớn tuổi, đã có kinh tế ổn định. Thế nhưng ngày nay, có một lượng không nhỏ các bạn trẻ thuộc thế hệ 9X, 10X… đến với món này còn chuyên nghiệp hơn cả các bậc lớn tuổi. Những câu chuyện đằng sau đó cũng vô cùng quái lạ, khó tin.

Lê Đức K. trong một giá hầu. Ảnh: KT
Lê Đức K. trong một giá hầu. Ảnh: KT.

Vừa học đại học vừa mở phủ… “hầu đồng”

 Dân hầu đồng nam nhiều người là dân “đồng cô, bóng cậu” nghĩa là dân đồng tính. Đó là lý do giải thích vì sao dân đồng tính 9X, 10X rất thích nhảy đồng. Bởi khi nhảy đồng họ tìm được thế giới của họ, họ được là chính mình. Một người nhảy đồng thấy thích lại lan truyền cảm hứng cho người khác. Cứ thế, dân đồng tính trẻ đến với hầu đồng ngày càng nhiều mặc dù không phải ai cũng có điều kiện 

Trần Văn B
“Thanh đồng” ở Sầm Sơn, Thanh Hoá

Theo ông Hoàng Ngọc Thức (43 tuổi) – một “đồng thầy” nổi tiếng ở Xuân Trường, Nam Định - thì 3 năm trở lại đây, chuyện các bạn trẻ thuộc thế hệ 9X, 10X theo tín ngưỡng “hầu đồng” không còn là chuyện lạ. Rất nhiều bạn trẻ vì duy tâm quá mức rằng mình “mang căn, mang số” nên buộc phải làm lễ để cuộc sống được thanh thản, mọi sự được hanh thông, may mắn. Tuy nhiên, cũng có không ít bạn trẻ chẳng biết gì về “hầu đồng – hầu Thánh” mà đơn giản chỉ là học đòi để được bằng chúng bạn.

“Tôi rất buồn vì “hầu đồng” ngày nay bị biến tướng đi rất nhiều. Ai cũng có thể “hầu đồng” một cách dễ dàng miễn có tiền, có của… Nhiều người mới chỉ 14, 15 tuổi đã nằng nặc đòi được làm lễ “trình đồng mở phủ” mà bản thân họ không hiểu gì về những nghi lễ đó” – ông Thức nói.

Rất nhiều người biết đến trường hợp sinh viên Lê Đức K. (Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội) năm nay 21 tuổi nhưng đã “trình đồng mở phủ” từ năm 16 tuổi.

Theo K. thì cậu biết đến hát văn và hầu đồng từ khi mới 7 tuổi và đến năm 16 tuổi, mặc dù không bị ai “xúi giục” nhưng tự cậu cảm nhận thấy mình “có căn, có số” nên đã giấu gia đình, nhờ một “đồng thầy” ở phố Liễu Giai (Hà Nội) làm lễ “trình đồng mở phủ”.

“Lúc có ý định “trình đồng mở phủ” tôi tuyệt đối giấu không cho bố biết vì bố mà biết thì sẽ cấm ngay. Tiền để làm lễ là tiền tôi tích góp từ trước đó, cộng với được bà nội và các bác, cô… cho mỗi người một ít. Mãi đến năm ngoái, bố mới biết chuyện tôi hầu đồng, ông không phản đối ra mặt nhưng cũng chẳng hề đồng tình việc tôi hầu đồng” – K. nói.

Theo K thì lúc ra “trình đồng”, cậu đã tìm hiểu rất nhiều về hình thức tín ngưỡng này và cũng đã có lúc lo sợ chuyện mình “hầu đồng” đến tai bạn bè, người thân… sẽ khiến họ xa lánh. Năm năm kể từ ngày “trình đồng mở phủ”, đều đặn một năm 2 lần K. “hầu đồng” vào đầu năm và cuối năm.

Để tránh ảnh hưởng đến học hành, cậu phải chọn những ngày cuối tuần để làm lễ. Cũng sau 5 năm, nay K. đã thành một thanh đồng khá có tiếng trong giới hầu đồng trẻ. Bản thân cậu đã có thể cúng bái, lễ lạt và gieo duyên giúp người khác làm lễ “trình đồng mở phủ”...

Người bị “ép”, kẻ “a dua”

Thanh đồng Phạm Thị Thu Tr. (19 tuổi) ở Thường Tín, Hà Nội cho biết, cô chính thức được gia đình cho ra “hầu đồng” từ năm 14 tuổi. Tính đến nay đã hơn 5 năm cô trở thành đệ tử của Mẫu, của Thánh nhưng cô vẫn chưa thực sự hiểu về tín ngưỡng “hầu đồng”(?!).

Việc cô “trình đồng mở phủ” từ năm 14 tuổi là do bố mẹ cô đi xem bói về được thầy bói phán cô “mang căn cô Chín”, nếu không “trình đồng mở phủ” để hầu cô thì gia đình sẽ lụn bại, tan rã.

Ngược lại, nếu làm lễ “trình đồng mở phủ” cho cô thì gia đình cô sẽ kinh doanh thuận lợi, tài lộc dồi dào và các em cô sẽ học giỏi. Vì lẽ đó, ngày ra “hầu đồng”, cô đã khóc như mưa, như gió vì không hiểu vì sao “bố mẹ lại bắt mình làm những việc như thế này”?!

“Ngày làm lễ hầu đồng tôi không hề biết gì, cứ làm như một cái máy theo sự hướng dẫn của bà “đồng thầy” ở gần nhà… Lần hầu đầu tiên đó tôi nghe nói bố mẹ đã tốn 100 triệu đồng cho tiền lễ và 10 triệu đồng công đức cho bản đền.

Sau dịp đó, cứ đến dịp khánh đản hoặc đầu năm là bố mẹ lại lôi tôi đi khắp các đền từ miền ngược đến miền xuôi để lễ lạt. Tôi thì rất lo sợ vì cứ nghĩ bạn bè biết chuyện mình là một “bà đồng” sẽ không chơi với mình nữa” – Tr. chia sẻ.

Trần Văn B. (22 tuổi) ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) thú nhận, cậu thích hầu đồng vì khi hầu đồng cậu được hóa thân vào nhiều nhân vật, đặc biệt là được hóa trang và ăn mặc lộng lẫy.

Vì lẽ đó, khi học xong THPT, nhận được giấy báo nhập học của một trường trung cấp nghề ở Nam Định nhưng cậu đã giấu đi để xin bố mẹ cho ra hầu đồng. Vốn không phải là dân “đồng bóng” nhưng vì nhà có mỗi cậu con trai, lại nghe nhiều người nói hầu đồng nhà mới “lộc” nên bố mẹ B. đồng ý chi cho con trai gần 200 triệu đồng để làm một lễ “trình đồng mở phủ” ở đền Sòng.

Từ ngày đó đến nay, B. đã nhiều lần hầu đồng và có nhiều bạn bè. Bạn bè của B. đa phần là dân “đồng cô, bóng cậu” và đều rất thích được hóa trang thành “chúa”, thành “cô”…

Cũng theo B., việc đến với hầu đồng mà không hiểu biết và tùy tiện theo sở thích của các bạn trẻ 9X, 10X đã để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc. Một người bạn của cậu sau 2 năm “hầu đồng” đã trở thành một con nợ. Gia đình người bạn đó đã buộc phải bán đất hương hỏa để trả nợ cho con.

Bên cạnh đó, cũng có một số ít bạn trẻ xem tín ngưỡng hầu đồng như một “nghề’ để kiếm cơm. Họ thực sự đã giàu lên nhanh chóng khi lao vào thế giới này.

Theo Khánh Toàn
Gia đình & Xã hội

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG