Kỳ quặc kiểu nhịn ăn chữa bệnh

Kỳ quặc kiểu nhịn ăn chữa bệnh
TP - Một bác sĩ về hưu tại thành phố Huế có cách chữa trị kỳ quặc cho nhiều người mắc các loại bệnh khác nhau: buộc nhịn ăn dài ngày để thanh lọc cơ thể. Cơ sở chữa bệnh “chui” duy trì nhiều năm, nhưng cơ quan chức năng tại TT- Huế lại không hay biết.

> Chữa bệnh bằng nước lã, khói nhang và... bú

Bệnh nhân mắc võng chờ chữa bệnh theo cách nhịn ăn. Ảnh: Ngọc Văn
Bệnh nhân mắc võng chờ chữa bệnh theo cách nhịn ăn. Ảnh: Ngọc Văn.

Nhiều ngày qua, vùng núi Bình Điền (thị xã Hương Trà) xôn xao xung quanh cái chết của chị P.T.T, ngoài 50 tuổi, làm nghề buôn bán trên địa bàn.

Theo lời kể, chị T. đến trị bệnh tại cơ sở tình thương Diệu Hạnh, do bà Phạm Thị Xuân Quế (bác sĩ về hưu) tổ chức, thuộc khu vực 1 - phường Thủy Xuân, thành phố Huế.

Sau bảy ngày thực hiện phương pháp nhịn ăn để thanh lọc cơ thể, bệnh tình chị T. trở nên trầm trọng. Khi chuyển đến khoa Tim mạch, rồi khoa Cấp cứu Hồi sức - Bệnh viện T.Ư Huế, chị T. không qua khỏi, sau hai ngày nỗ lực cấp cứu.

Cái chết đột ngột của bệnh nhân T. gây bức xúc trong giới phụ nữ thị xã Hương Trà và chính quyền xã Bình Điền.

Bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN Hương Trà, cho biết: Bệnh nhân T. là hội viên phụ nữ xã, không biết nghe theo lời đồn đoán từ đâu lại tìm đến chữa bệnh theo phương pháp nhịn ăn, sau đó bệnh trở nặng rồi chết.

“Điều đáng lo ngại, vẫn còn một số người dân trên địa bàn tin vào kiểu chữa bệnh kỳ lạ này" - Bà Tuyết nói.

Ông Nguyễn Đại Hóa, Chủ tịch UBND xã Bình Điền cho biết: “Chúng tôi phản đối cách tổ chức chữa bệnh chưa được cơ quan chuyên môn và pháp luật cho phép. Trong điều kiện y tế hiện đại như bây giờ, nếu chị T. đến bệnh viện chữa trị bệnh tim ngay từ đầu, hậu quả đáng tiếc như hôm nay rất khó xảy ra”.

Trong vai người nhà đi “tiền trạm” tìm hiểu cách chạy chữa cho thân nhân, chúng tôi được bà Quế giới thiệu: Bệnh nhân mắc các loại bệnh nặng hay nhẹ, khi tìm đến cơ sở đều được tiếp nhận giúp đỡ.

Đối với một số bệnh quá nặng, chờ đến lúc “đi”, người bệnh và thân nhân phải làm giấy cam kết, nếu chết cơ sở không chịu trách nhiệm.

“Nhiều bệnh nhân đến đây cũng đã chữa khỏi, một số trường hợp cũng không qua được. Đã vào đây chữa trị thì phải nhịn ăn đúng cách”, bà Quế kể.

Thời điểm chúng tôi có mặt, cơ sở tình thương Diệu Hạnh tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân.

Trái với thông tin truyền miệng, là cơ sở chỉ tiếp nhận các ca ung thư giai đoạn cuối (khi bệnh viện trả về cho người nhà), nơi đây còn điều trị cho cả bệnh nhân mắc gout, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, viêm cơ xương khớp, nội tiết… Tất cả đều áp dụng phương pháp có tên gọi là OHSAWA (ăn gạo lứt, muối mè, uống nước sôi nguội).

Trước khi điều trị, bệnh nhân phải trải qua từ 3 đến 7 ngày nhịn ăn (có uống nước) tùy theo bệnh, với mục đích thanh lọc cơ thể.

Một bệnh nhân mắc gout kể, ông bị buộc nhịn ăn vài ngày cho đến lúc không chịu đựng nổi. Sang ngày thứ ba, bệnh nhân đành phải xin bác sĩ được ăn trở lại vì cơ thể quá suy nhược.

Hoạt động chui gần 10 năm

Cơ sở tình thương Diệu Hạnh tổ chức chữa bệnh từ cuối năm 2004, quy mô 4 phòng, 8 giường. Mặc dù hoạt động chui từ lâu, nhưng chỉ đến khi báo chí đặt vấn đề, các cơ quan chức năng như công an, y tế mới vừa vào cuộc kiểm tra, xử lý, đình chỉ hoạt động.

Qua lần kiểm tra đột xuất mới đây, Thanh tra Sở Y tế tỉnh TT- Huế xác định: Cơ sở tình thương Diệu Hạnh chữa bệnh mà không có bất kỳ giấy phép hoạt động nào do cơ quan chức năng cấp. Phương pháp chữa bệnh OHSAWA thực hiện theo một số tài liệu lưu hành nội bộ, chưa được Bộ Y tế công nhận và cấp phép.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.