Nhà cách mạng Phan Bội Châu (phải) và KNH Cường Để |
KNH Cường Để được mời làm Hội chủ Duy Tân Hội, sau đó đứng ra tổ chức Phong trào Đông Du, Phan Bội Châu viết trong Ngục Trung Thư, như sau:
“Tháng ba năm Quý Mão (1903), tôi tìm tới yết kiến Kỳ ngoại hầu Cường Để ở Huế, tỏ bày việc lớn.
Kỳ ngoại hầu hớn hở nói:
- Lâu nay tôi vẫn nuôi cái chí lớn đó. Ngặt vì từ lúc Hồ Quý Châu và Nguyễn Thụ Nam(1) là hai bạn đồng chí của tôi qua đời đi rồi, tôi để ý tìm kiếm mãi nhưng chưa gặp được ai có thể nói câu chuyện ấy với mình.
Nay các ông không từ xông pha muôn dặm, vì chỗ tinh khí với nhau mà tìm đến với tôi, tôi xin vui lòng hy sinh tất cả mọi sự, để cùng các ông nằm gai nếm mật, nếu có thể báo đáp quốc ân trong muôn một, dầu tôi có phải tan thây mất xác cũng vui.
Rồi kỳ ngoại hầu cùng tôi và hai ông Lê, Đặng đi vô Quảng Nam hội họp các đồng chí ở nhà ông Nguyễn Thành trên núi.
Chúng tôi bí mật bàn tính các việc, cùng tôn Kỳ ngoại hầu lên làm hội chủ, và giao công việc của đảng từ hai tỉnh Nam Nghĩa trở về Nam cho Nguyễn Thành gánh vác, còn từ hai tỉnh Bình Trị trở ra Bắc thì do tôi đảm nhiệm”(2).
Đầu năm Bính Ngọ (1906), KNH Cường Để sang Nhật với nhiệm vụ xin viện trợ và vũ khí để bí mật gửi về chống Pháp. Nhưng việc không thành, KNH và cụ Phan Bội Châu chuyển qua vận động Phong trào Đông Du. KNH kể:
“Thất vọng nầy chồng lên thất-vọng khác đã khiến cho vấn-đề khí-giới đành phải xếp xó, bỉ-nhân cùng ông Phan-Bội-Châu chỉ chuyên nổ-lực về kế-hoạch bồi-dưỡng nhân tài, nghĩa là tuyên-truyền về trong nước khuyến-khích thanh niên sang Nhật lưu-học để nuôi dưỡng nhân-tài hầu sau nầy làm việc.
Hồi đó bỉ-nhân có làm bài “Hịch cáo quốc dân văn” và bài “Phổ cáo Lục tỉnh văn”, gửi về trong nước, phát động phong-trào yêu-nước xuất-dương cứu-quốc, gây được nhiều hiệu lực hơn nên thanh-niên sang Nhật mỗi ngày một nhiều và người trong nước càng thêm phấn khởi.
Vì người sang Nhật phần nhiều do đường Hồng-Kông, nên năm 1907, bỉ-nhân cử ông Phan-Bội-Châu về Hồng-Kông lập một cơ-quan bí-mật để lo liệu mọi sự cho người đi Nhật, như thư từ đi lại, tiền bạc tiếp-tế v.v…Cơ quan ấy giao Đặng-Tử-Kính phụ trách”3.
Với vai trò hàng đầu như thế cho nên năm nay tổ chức 100 năm Phong trào Đông Du (1905-2005) chúng ta không thể không nhắc đến KNH Cường Để.
KNH Cường Để với các nhà cách mạng Việt Nam
Gần 50 năm qua, qua cuốn Cuộc đời cách mạng Cường Để, các nhà nghiên cứu đều biết KNH Cường Để là người đã đưa súng và giúp phương tiện cho Tản Anh (Lê Hồng Sơn) từ Nhật sang Trung Quốc (TQ) giết Phan Bá Ngọc(4)- tên phản bội dân tộc làm mật thám cho Pháp. Và, chính KNH cũng dính dáng vào việc tổ chức cho Phạm Hồng Thái ám sát Toàn quyền Merlin năm 1924.
Mới đây, GSTS Vĩnh Sính (Canada) - một chuyên gia nghiên cứu về mối quan hệ lịch sử Việt- Nhật đã tìm thấy trong Văn khố của Bộ Ngoại giao Nhật Bản có một tư liệu đáng chú ý về việc tiếp xúc ở Nhật trong khoảng 1931 - 1933 giữa Lê Quốc Vọng (về sau là Thiếu tướng Lê Thiết Hùng), Bùi Hải Thiệu (5) và một nhân vật khác cũng ở trong phong trào cộng sản VN ở TQ là Cao Văn Bình, với KNH Cường Để lúc bấy giờ đang cư ngụ ở Tokyo. Việc tiếp xúc này hình như chưa từng được đề cập đến ở Việt Nam bao giờ.
Tư liệu này mang số A.1.3.5.2 nằm trong hồ sơ “Zai-Shi Chôsenjin oyobi zaihonpô Annanjin ni kansuru Nichi-Futsu jôhô kôkan kankei ikken” (một hồ sơ có liên hệ đến việc trao đổi tình báo giữa Nhật và Pháp về người Triều Tiên ở TQ và người An Nam ở Nhật Bản).
Phần đầu của tư liệu này là “phiếu tình báo” về Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu bằng tiếng Pháp do Nha Cảnh sát và An ninh của chính quyền Pháp ở Đông Dương gửi nhà đương cục Nhật (đề ngày 30/1/1933)”.
Lê Quốc Vọng sinh năm 1906 ở làng Đông Thôn(6), xã Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên - Nghệ An. Con trai của Lê Văn Nghiêm. Anh em chú bác của Lê Huy Doãn, tức Lê Hồng Phong. Sang Xiêm tháng 2/1924 cùng với Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt, Trương Văn Lệnh [sic](7) .v.v.
Rời Xiêm ngày 5/2/1925 sang Quảng Châu nhằm gia nhập một hội đoàn cộng sản có tên là Việt Nam Cách mệnh Thanh niên Hội [sic](8). Vào học trường quân chính Hoàng Phố. Năm 1928, gia nhập quân đội TQ vùng Sơn Đông. Làm liên lạc viên cho các người lãnh đạo của An Nam Cộng sản Đảng. Năm 1931, gia nhập Đảng Cộng sản TQ.
Tháng 11/1931, sang Nhật gặp Hoàng thân Cường Để. Sau đó không lâu trở lại vùng Thượng Hải. Cuối tháng 11/1931 về Quảng Châu vì phải bắt liên lạc với các người Cộng sản An Nam đang bị giam giữ trong các nhà lao ở Quảng Châu, và giúp Hoàng thân Cường Để hoàn thành một công tác cho An Nam Quốc dân Đảng, tức Việt Nam Quốc dân Đảng.
Đầu tháng 12-1931 thấy xuất hiện lại trong vùng Thượng Hải, và lưu lại đấy cho đến tháng 11/1932. Sau đó sang Nhật Bản cùng với Bùi Hải Thiệu và Cao Văn Bình. Cả 3 đến Tokyo ngày 24/11. Cao Văn Bình về lại Hương Cảng ngày 3/12. Bùi Hải Thiệu và Lê Quốc Vọng được Hoàng thân Cường Để lo việc ăn ở...”.
Bùi Hải Thiệu quê ở làng Phố Đông, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn -Nghệ An. Sang TQ khoảng cuối năm 1929, bị bắt vài ngày sau khi đến Hương Cảng. Sau khi bị giam giữ khoảng 1 tháng rưỡi, bị nhà đương cục TQ bắt lại ở Sán Đầu(9) và đưa về Quảng Châu. Bị bỏ ngục ở thành phố này, rồi được phóng thích ngày 27/11/1931.
Rời Quảng Châu - có lẽ không lâu sau khi ra khỏi ngục, nhằm bí mật đến Hương Cảng; tại đây cùng ở chung với Lý ứng Thuận(10), tức Cô Thuận, một phụ nữ Cộng sản. Khoảng giữa tháng 8/1932, hết phương tiện tài chánh, Bùi Hải Thiệu đi Hán Khẩu... ở Hán Khẩu, giúp Trần Đại Độ - tức Đại Thanh, tức Độ, người Bắc Kỳ, đảng viên Đảng Cộng sản TQ - trong công việc tuyên truyền những người lính thủy và lính tập Đông Dương (ở đấy).
Vì cơ quan tuyên truyền ở Hán Khẩu bị theo dõi, Bùi Hải Thiệu rời trung tâm này ngày 10/11/1932 để sang Nhật cùng với Lê Quốc Vọng và Cao Văn Bình. Cả ba đến Tokyo hôm 24/11. Ngày 3/12, Cao Văn Bình về lại Hương Cảng. Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu được Hoàng thân Cường Để lo việc ăn ở...
Trong phần nói về hai nhân vật Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu, bản báo cáo của Bộ Nội vụ Nhật ghi: “Trong hai người này, trước hết về nhân vật mà chúng tôi có thể xác nhận là Lê Quốc Vọng, chúng tôi được biết rằng người này đã đến ở với Cường Để vào cuối tháng 11 năm ngoái (1932), đang học tiếng Nhật, nhân vào ngày 27/2 năm nay (1933) đã bỏ đi Thượng Hải.
Người này trong thời gian ở lại Nhật không phát biểu và cũng không làm điều gì có thể xem là một đảng viên của đảng Cộng sản(11)”.
Nói một cách khác, lúc này Bùi Hải Thiệu cũng đã rời Nhật Bản. Việc Lê Quốc Vọng rời Nhật Bản trong khi “đang học tiếng Nhật” (cho dầu việc học tiếng Nhật có thể chỉ là một lý do bên ngoài) có lẽ ngoài ý muốn của đương sự.
Có khả năng là sau khi được nhà đương cục Pháp cho biết tin là Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu đang ở Tokyo với Hoàng Thân Cường Để (“phiếu tình báo” đề ngày 30/1/1933), cơ quan an ninh Nhật đã khuyến cáo Lê Quốc Vọng (cùng Bùi Hải Thiệu) phải rời khỏi Nhật trước một thời hạn nào đó. Tuy nhiên, đây bất quá chỉ là một cách suy diễn, chúng ta không biết chắc lý do gì đã trực tiếp khiến Lê Quốc Vọng phải đột ngột rời Tokyo ngày 27/2/1933.
Qua “phiếu tình báo” của cơ quan an ninh Pháp ở Đông Dương về Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu, ta có thể nói rằng nhà đương cuộc Pháp đã kết hợp với những thông tin trên ba địa bàn VN, TQ và Nhật Bản về động tĩnh của hai nhân vật này rất chặt chẽ và có lẽ là khá chính xác. Người cung cấp những thông tin này cho nhà đương cục Pháp chắc hẳn phải là người biết rõ, hay đã tiếp xúc gần gũi với hai đương sự.
Về bản báo cáo của Bộ Nội vụ gửi cho Bộ Ngoại giao Nhật, có thể nói là mặc dầu bản báo cáo được viết rất dè dặt, cơ quan an ninh ở Nhật trên thực tế chắc hẳn đã theo dõi sát nút tình hình xung quanh KNH Cường Để nên họ mới biết rõ từng chuyển biến trong cuộc sống của Hầu, cũng như ngày tháng của chuyến tàu mà Lê Quốc Vọng đã đi từ Nhật về lại Thượng Hải.
Những thông tin trong “phiếu tình báo” trên căn bản có lẽ là khá chính xác. Lê Quốc Vọng là chồng của Hồ Diệu Lan, con gái của nhà cách mạng lão thành Hồ Ngọc Lãm; về sau lấy tên là Lê Thiết Hồng (Thiếu tướng QĐND Việt Nam, trước khi nghỉ hưu đã từng làm Đại sứ ở Triều Tiên)(12) - một cái tên quen thuộc với độc giả ngày nay hơn tên cũ là Lê Quốc Vọng.
Điều đáng chú ý là từ khi mới sang Quảng Châu, qua Hồ Tùng Mậu, Lê Quốc Vọng đã được giới thiệu với Nguyễn ái Quốc (dưới biệt hiệu Lý Thụy) và được ông Nguyễn tận tình dạy dỗ, huấn luyện. Lê Quốc Vọng được tham dự khóa huấn luyện thứ hai từ giữa năm 1926 đến đầu năm 1927 do Nguyễn ái Quốc tổ chức(13).
Trong hồi ký “Mãi mãi nhớ ơn người”, tác giả Lê Thiết Hùng cho biết là trước khi rời Việt Nam để tham gia phong trào cách mạng ở hải ngoại, “thầy tôi đặt tên cho tôi là Lê Như Vọng”.
Lê được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội , kế đó đưa vào “Giáo đạo đoàn”, một bộ phận của trường Hoàng Phố. Sau khi thấy Lê đã thực hiện một số công tác thành công, Nguyễn ái Quốc kết nạp Lê vào “Thanh niên cộng sản”, một nhóm bí mật trong Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.
Lê thuật lại: “Kết nạp tôi xong, Bác đổi tên cho tôi là Lê Quốc Vọng” - năm ấy Lê “vừa tròn 17 tuổi”. Sau khi tốt nghiệp trường Hoàng Phố, khởi nghĩa Quảng Châu bùng nổ (tháng 11/1927), Lê cho biết là đã “tham gia cuộc khởi nghĩa với tình cảm quốc tế sâu sắc nhất mà Bác đã dạy tôi”(14).
Người VN tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu có đến “hơn mấy chục”, ngoài Lê Quốc Vọng còn có những cái tên quen thuộc như Hồ Tùng Mậu, Phùng Chí Kiên, Lý Tự Trọng.v.v.(15). Việc thay đổi địa bàn hoạt động của Lê từ Quảng Châu lên Thượng Hải và việc Lê Bắc liên lạc với Đảng Cộng sản TQ ở Thượng Hải hình như cũng qua sự dàn xếp chu đáo của Nguyễn ái Quốc(16).
“Phiếu tình báo” cho biết là một năm trước khi cùng Bùi Hải Thiệu và Cao Văn Bình sang Nhật vào cuối tháng 11/1932, Lê Quốc Vọng cũng đã từng sang gặp Hoàng thân Cường Để vào tháng 11/1931, tức là khoảng 5 tháng sau khi Nguyễn Ái Quốc bị nhà đương cuộc Anh ở Hương Cảng bắt giam.
Chuyến đi sang Nhật lần đầu và việc tiếp xúc của Lê Quốc Vọng với Hoàng thân lưu vong này có mục đích gì? “Phiếu tình báo” cho biết sau khi Lê Quốc Vọng từ Nhật về lại Thượng Hải, chẳng bao lâu sau đó (cuối tháng 11/1931), Lê về Quảng Châu “vì phải bắt liên lạc với các người Cộng sản An Nam đang bị giam giữ trong các nhà lao ở Quảng Châu, và giúp Hoàng Thân Cường Để hoàn thành một công tác cho An Nam Quốc dân Đảng, tức Việt Nam Quốc dân Đảng”.
Chúng ta biết là Hồ Tùng Mậu và một số đồng chí lúc này đang vận động luật sư biện hộ cho Nguyễn Ái Quốc. Lê Quốc Vọng vội vã về Quảng Châu lần này có phải để tiếp xúc với Hồ Tùng Mậu chăng? Hoàng Nam Hùng, một nhân vật hoạt động lâu năm ở Trung Quốc trong cùng khoảng thời gian đó, cho biết rằng khi nghe tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hương Cảng ông đang ở Quảng Châu, “lập tức anh em vận động phương tiện báo chí Trung Hoa để cực lực phản đối trước dư luận quốc tế”(17).
Theo Hoàng Nam Hùng, sau đó Nguyễn ái Quốc có biên thư cảm ơn và ngỏ ý nhờ Hoàng Nam Hùng hỏi Hoàng thân Cường Để về khả năng tạm thời cư trú ở Nhật. Dự định đó theo Hoàng Nam Hùng không thành vì thái độ của nhà đương cục Nhật là “không thể nào chấp thuận cho một nhân vật cộng sản vào trên đất nước họ được”(18).
Trở lại công việc của Hoàng thân Cường Để nhờ Lê Quốc Vọng thực hiện (giả dụ thông tin trong “phiếu tình báo” là chính xác), công việc đó là công việc gì, có liên hệ đến việc cứu giúp Nguyễn ái Quốc hay chăng?
Về lần sang Nhật thứ hai của Lê Quốc Vọng, căn cứ trên “phiếu tình báo” về Bùi Hải Thiệu, chúng ta có thể phỏng đoán - như đã đề cập ở trên -là Lê Quốc Vọng dẫn Bùi Hải Thiệu sang Nhật nhằm tránh mạng lưới truy nã gắt gao của Pháp và Tưởng Giới Thạch.
Cho đến nay, chúng ta biết ít nhiều về mối dây liên hệ giữa Hoàng thân Cường Để với các nhân vật trong Tâm Tâm Xã (Tân Việt Thanh niên Đoàn) như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn (Tản Anh)(19) .v.v...
Tư liệu này cho ta thấy rằng sau khi Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu và các tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, An Nam Cộng sản Đảng... lần lượt ra đời, đường dây liên hệ giữa vị Hoàng thân này với một số người Cộng sản Việt Nam hoạt động trên địa bàn Trung Quốc vẫn mật thiết. Ngay trong tình trạng túng bấn và cô lập chính trị, Hoàng thân này vẫn không ngần ngại che chở cho Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu.
Trong gần 50 năm sống lưu vong ở xứ người, đã đành cá nhân và lập trường chính trị của KNH Cường Để có lúc bộc lộ một số hạn chế sâu sắc, nhân qua việc Hầu đã không ngần ngại, ngay lúc chính bản thân mình đang gặp những khó khăn trầm trọng, che chở cho những người đang xả thân cứu nước như ta đã thấy qua tư liệu này, việc đánh giá cuộc đời của Hầu một cách khách quan chắc hẳn không phải đơn giản(20).
1.Sau ngày vua Hàm Nghi bị bắt, Phong trào Cần Vương cử hai Hồ Quý Châu và Nguyễn Thụ Nam vào gặp KNH Cường Đề để mời KNH nắm ngọn cờ Cần Vương tiếp tục sự nghiệp của vua Hàm Nghi, nhưng hai ông mất sớm nên việc không thành.
2.Phan Bội Châu, Ngục Trung Thư Bản dịch của Đào Trinh Nhất, Tổng hội Sinh viên Huế ấn hành, Huế 1974
3.Cuộc đời cách mạng Cường Để, tr24
4.Phan Bá Ngọc, con trai cụ Phan Đình Phùng, theo Phong trào Đông Du sang Nhật học (7/8/1906) rồi sang Tàu học thành tài, sau nghe theo Lê Dư làm mật thám cho Pháp dụ dỗ các nhà yêu nước trở về cộng tác với Pháp.
5.Có lẽ là một biệt hiệu. Chúng tôi không thấy tài liệu nào khác nhắc nhở đến tên của nhân vật này. Mong các bậc thức giả chỉ giáo (Vĩnh Sính).
6.Theo tiểu sử của Lê Hồng Phong (anh em chú bác của Lê Quốc Vọng) trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (NXB Khoa học Xã hội, 1992, trang 345) do Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế biên soạn, Lê Hồng Phong sinh ở “thôn Đông Thông”. Tên Đông Thông (thôn Đông) nghe có vẻ đúng hơn.
7.Đúng ra là “Trương Vân Lĩnh”. Phần chữ Hán trong tài liệu này và các tài liệu mà chúng tôi có dịp xem cũng đều ghi là Trương Vân Lĩnh.
8.Tên chính thức là “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội”.
9.Có khi phiên âm là Shantou (VS)
10.Phải chăng đây là Lý Phương Thuận, người cùng Lý Phương Đức, v.v… lo việc cứu thương và tiếp tế trong cuộc đấu tranh của những thành viên trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội nhằm trợ giúp Cách mạng Trung Quốc khi cuộc khởi nghĩa “Quảng Châu Công xã” bùng nổ vào cuối năm 1927? (Xem Thanh Đạm, Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước, NXB Nghệ An và NXB Trẻ, 1998, trang 147)
11.Có nghĩa là không hoạt động chính trị
12.Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu (1924-1927) (Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia, 1998), trang 196
13.Như trên, trang 57-58
14.Lê Thiết Hùng, “Mãi mãi nhớ ơn Người” trong Đầu nguồn (NXB Văn học, 1975), trang 274-297
15.Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu (1924 – 1927), tr. 189
16.Lê Thiết Hùng, sđd., tr.287-288
17.Hoàng Nam Hùng, Năm mươi năm cách mạng ở hải ngoại – Hồi ký (Phạm Giật Đức biên soạn). Sài Gòn: ấn quán Hồng Phát, không có tên NXB, 1959, trang 159
18.Như trên, trang 172
19.Về mối liên hệ giữa Hoàng thân Cường Để với Phạm Hồng Thái trong vụ mưu sát Toàn quyền Merlin, xem bài “Tư liệu mới về Phạm Hồng Thái” trong tập Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hóa, NXB Văn học và TTNCQH, HN. 2001; về đây liên hệ giữa Hoàng Thân Cương Để với Tản Anh, xem Phan Bội Châu niên biểu.
20.Toàn bộ mục KNH Cường Để với các nhà cách mạng Việt Nam trích của GSTS Vĩnh Sính, Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hóa, NXB Văn học và TTNC QH, HN. 2001, từ tr.259 đến 270