Kỷ lục sức người

Người dân xã Phước Thành, Phước Lộc vượt rừng cõng hàng cứu trợ về làng
Người dân xã Phước Thành, Phước Lộc vượt rừng cõng hàng cứu trợ về làng
TP - Những trận sạt lở núi kinh hoàng sẽ mãi hằn nỗi ám ảnh những lương dân vùng núi Quảng Nam. Cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên phút chốc vùi lấp hàng chục mạng người, hàng trăm ngôi nhà, xóa sổ những ngôi làng. Nhưng từ trong thử thách, mới thấy sức kiên cường bền bỉ của con người, từ tăm tối đau thương đã sáng lên những điều kỳ diệu.

 Ðiều kỳ diệu ở Trà Leng

Buổi chiều định mệnh ngày 28/10, trận lở núi ở nóc ông Đề, thôn 1, Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) vùi lấp 55 người, 22 người tử vong và mất tích, 33 người thoát chết. Câu chuyện về những nạn nhân sống sót, những người đã kịp thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc đã khiến nhiều người bật khóc.   

Câu chuyện cậu bé Lê Hoàng Hải, 11 tuổi, một mình chạy lên núi thoát nạn trở về khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Chị Hồ Thị Thiêm, mẹ Hải kể, lúc xảy ra sạt lở vợ chồng chị cùng đứa con gái đầu đang ở nhà, còn Hải đang ở nhà một người hàng xóm. Đất đá ầm ầm đổ xuống, cả nhà kéo nhau chạy nạn sau đó quay trở về thì bần thần nhìn nhà cửa đã bị đất đá vùi lấp. Chị khóc ngất, đào bới trong đống đổ nát, liên hồi gọi tên con. Nhưng một số người dân nói rằng có nhìn thấy cậu bé chạy ngược lên hướng núi, nên chia nhau đi tìm.

Kỷ lục sức người ảnh 1 Cậu bé Lê Hoàng Hải một mình chạy lên núi, thoát chết trong trận sạt lở ở Trà Leng

“Tìm suốt buổi chiều vẫn không có tin tức gì của con, tôi nghĩ chắc con bị đất đá vùi đâu đó rồi. Ai ngờ mãi đến tối thì nghe tiếng con gọi, tưởng là mơ nhưng ngước lên phía đồi thấy con đứng trên đó, mọi người chạy lên thấy đúng là thằng Hải thật” - chị Thiêm nhớ lại. Đợi con bình tĩnh lại, hỏi chuyện mới hay lúc xảy ra lở núi, thấy mọi người nháo nhác chạy Hải cũng một mạch chạy thẳng lên núi. Sau đó Hải gặp bác Sơn (ông Nguyễn Thành Sơn) hàng xóm. Hai bác cháu trú tại một trang trại chăn nuôi trên núi sau đó mới quay ngược về làng. Cả nhà mừng mừng tủi tủi ôm nhau khóc, rồi cùng người dân tiếp tục đào bới tìm kiếm những nạn nhân còn lại.

Bồng con chạy suốt 10 cây số

Kỷ lục sức người ảnh 2 Chị Hồ Thị Diệu bồng con chạy suốt 10 cây số trong trận lở núi

Trận lở núi cũng cướp đi 3 người con của vợ chồng chị Trần Thị Diệu và Nguyễn Xuân Vũ (thôn 1, xã Trà Leng). Chị kể, lúc sạt lở xảy ra những đứa con của chị đang trú bão ở nhà ông Việt, Bí thư Đảng ủy xã còn hai vợ chồng đang giúp bà con dọn đồ. Giữa cơn cuồng phong của đất trời, đất đá ào ào ập xuống, chồng chị chỉ kịp la lên một tiếng “chạy đi” rồi kéo vợ chạy thục mạng. Rồi chị ngất đi, tỉnh dậy thấy mình đang trong nhà chị gái cách đó cả 5 cây số. Không thấy con đâu, chị gào khóc nức nở. “Cả ngôi làng thành đống đất tan hoang. Ngôi nhà ông Việt không còn dấu vết, vậy là cả 4 đứa con nằm trong đó hết rồi” - Nghĩ đến đó rồi đầu óc quay cuồng, nước mắt chị cứ thế tuôn ra, người mẹ hoàn toàn suy sụp. Nhưng đến tối người dân bồng đứa con gái 4 tuổi người đầy bùn đất và bị thương khắp người, đứa bé liên tục khóc thét, chị Diệu vùng dậy ôm lấy con rồi cứ thế chạy. Vừa chạy vừa khóc. Dưới chân cây cối, đất đá ngổn ngang. Chạy được hơn 10 cây số gặp được lực lượng chức năng đưa hai mẹ con lên Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My chữa trị. “Lúc đó mình chẳng nghĩ gì nữa, cứ thế ôm con chạy. Giàng trả lại cho mình một đứa con, bằng mọi cách làm sao phải cứu nó, phải giữ bằng được đứa con này” - chị chia sẻ.

Vượt rừng cõng hàng cứu trợ

Cũng như Nam Trà My, huyện Phước Sơn gánh chịu nhiều trận sạt lở vùi dập đến tan hoang. Nhà sập, người chết, giao thông tê liệt. Hai xã Phước Lộc và Phước Thành bị cô lập hoàn toàn sau đợt lở núi cuối tháng 10. Hơn 3.000 hộ dân trải qua những ngày tháng khốn khó lịch sử.

Công cuộc mở đường gặp phải nhiều thách thức bởi hầu hết các con đường bị chặt đứt, lực lượng chức năng buộc phải triển khai cứu trợ bằng máy bay, phát huy triệt để phương châm 4 tại chỗ.

Một đội cõng hàng bất đắc dĩ được hình thành, đó là những chiến sỹ bộ đội, dân quân tự vệ xung kích và người dân địa phương. Trong đoàn người ấy có cả những phụ nữ, những “vận chuyển” nhí cần mẫn băng rừng cõng từng chuyến hàng về làng. Giữa những cơn mưa rả rích, đường rừng trơn trượt, dốc đá cheo leo, đoàn người cần mẫn bước đi.

Hồ Đình Nghĩa (14 tuổi) hăng hái tham gia cõng hàng. Cậu bé quả quyết mình đủ sức khỏe để tham gia cõng hàng cứu trợ. Nghĩa nói, mưa lũ sạt lở cuốn trôi ngôi nhà cậu. Cả nhà 6 người đành tá túc ở trường mầm non xã. Từ sáng sớm Nghĩa cùng bố đi cõng hàng cứu trợ cho gia đình và những người khác không thể đi được.

Kỷ lục sức người ảnh 3 “Shiper nhí” Hồ Ðình Nghĩa hăng hái cùng dân làng cõng hàng cứu trợ

Để đưa được hàng cứu trợ về làng, mọi người phải mất 5 tiếng đồng hồ băng rừng vượt suối. Có những đoạn dốc cheo leo, trơn trượt, chỉ một phút sơ sẩy có thể rơi tuột xuống vực. Cùng với bao hàng nặng trĩu trên vai, Hồ Thị Thế (thôn 2, xã Phước Thành) bặm môi cố bước cho kịp đoàn người. Chị cho hay, mưa lũ sạt lở khiến nhà cửa, tài sản đều bị cuốn trôi hết. Giữa trăm bề thiếu thốn, hay tin hàng cứu trợ được máy bay thả xuống nên chị cũng lội bộ hàng giờ đồng hồ tham gia cõng hàng. “Mọi thứ cuốn trôi cả, có mệt cũng ráng mà bước mà lo cho gia đình nữa chứ” - chị nói.

Từ sau thảm họa lở núi xảy ra, lực lượng chức năng ngày đêm nỗ lực tìm kiếm cứu nạn và triển khai các biện pháp khắc phục. Tròn 2 tháng nhiều thứ vẫn còn ngổn ngang. Người dân cả nước cùng chung tay giúp đỡ, còn họ vẫn bền bỉ, nỗ lực từng ngày để vượt qua nỗi đau, những mong sớm bắt đầu một cuộc sống mới.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.