Ông Lê Văn Chí – Bí thư Đảng ủy xã Phụng Hiệp cho biết, từ năm 2013-2016, ngân sách huyện phân bổ chỉ từ 2,6 đến hơn 3,2 tỷ đồng/năm. Tiền thu thuế mỗi năm ở địa phương chưa tới 200 triệu đồng. Trong khi đó, các khoản chi hoạt động thường xuyên tăng cao đã dẫn đến tình trạng vỡ nợ. “Có những cái phát sinh, ví dụ chi cho các hoạt động văn hóa văn nghệ; xây dựng phong trào; tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu. Còn nhiều mục chi mình không cân đối, không đưa vô từ đầu năm, nên cuối năm hụt phần này”- ông Chí cho biết.
Để duy trì hoạt động của bộ máy, Ban thường vụ Đảng ủy xã ra chủ trương vay tín dụng bên ngoài. Từ năm 2013 đến năm 2016, tính cả vốn lẫn lãi địa phương đã thiếu các cơ sở tín dụng và người dân gần 500 triệu đồng. “Ban Thường vụ không biết cách nào để xoay xở phần hụt này để giải quyết chứng từ cho các đoàn thể. Từ chỗ đó mới thống nhất đi vay ngân hàng Sacombank. Biết rằng vay là sai xã không có cách nào giải quyết được” - ông Chí nói.
Cũng theo ông Chí, trong số tiền 500 triệu đồng địa phương vay mượn từ nhiều nguồn như: vay ngân hàng sacombank số tiền 203 triệu đồng (đã trả hiện còn nợ 33 triệu), tiền mượn cán bộ, tiền vay bên ngoài 120 triệu, nợ chứng từ của cán bộ công nhân viên 150 triệu đồng. Về hướng xử lí đối với số nợ tồn đọng, ông Chí cho biết, đối với phần nợ ngân hàng Sacombank số tiền 33 triệu đồng, sẽ trả dứt điểm trong vòng 6 tháng mỗi tháng 5 triệu đồng. Còn khoản nợ cán bộ, người dân bên ngoài sẽ trả dứt điểm trong vòng một năm.
Theo kết luận thanh tra của UBND huyện Phụng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp đã vi phạm khoản 4 Điều 8, Luật ngân sách nhà nước năm 2003 về việc “không chấp hành đúng dự toán ngân sách được giao”; Bí thư Đảng ủy xã và các cán bộ tham mưu phải chịu trách nhiệm về việc đồng thuận chủ trương vay nợ bù ngân sách.