Ngày 13/4 mới đây, ngôi miếu này bị đập phá lần thứ 4, kẻ xấu bẻ gãy 3 đầu tượng Bổn sư mang đi mất.
Linh thiêng miếu xưa
Ngồi kế bên miếu hưởng cái mát rượi của những làn gió từ sông Hàn và hướng cảng biển ùa vào, thỉnh thoảng thấy có người qua đường lặng lẽ bước vào miếu với vẻ thành kính.
Theo lời kể của ông Mười Ba, một người dân sống khu cảng Sông Hàn xưa, thì miếu này có từ rất lâu rồi. Trước kia đó là cái am nhỏ giữa trời tựa vào gốc bồ đề, nằm trong khuôn viên kho Cảng Sông Hàn, thuộc khu vực cầu 3 cảng Sông Hàn, cách khá xa đường Bạch Đằng cũ. Am này được Nghiệp đoàn Lao động Cảng Đà Nẵng thời đó lập ra từ những năm 1960 để thờ và tưởng niệm những người lao động tử nạn trong khu vực cảng, kể cả thuyền viên trên tàu đậu tại bến cảng. Đến năm 1974 thì am thời được tôn tạo xây dựng để có ngôi miếu ba gian như hiện nay. Về vị trí, cách đây khoảng hơn chục năm sau khi di dời cảng Sông Hàn và mở rộng đường Bạch Đằng thì miếu nằm sát tường rào.
Phần bên trái ngôi đền. Ảnh: Tuệ Nguyên |
Phía bên trái của miếu có 2 ngôi mộ. Ông Mười Ba kể, thời trước có hai nữ công nhân mang bầu gần đến ngày sinh nở đi làm thuê, vì làm lụng quá sức dẫn đến hư thai. Họ đã để hai sinh linh nằm lại bên cạnh miếu.
Thiết nghĩ, dù không phải di tích được xếp hạng, nhưng ngôi miếu không tên đặc biệt gắn với lịch sử phát triển thành phố này cần được chính quyền TP Đà Nẵng nghiên cứu chọn cách ứng xử phù hợp. Để vừa tôn trọng tâm linh chính đáng của người dân, vừa giữ gìn phát huy được điểm nhấn cho cung đường Bạch Đằng – nơi hấp dẫn đông đảo khách du lịch cũng như thường xuyên tổ chức các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật.
Tuy nhiên, nhiều người dân Đà Nẵng lại có cách giải thích khác về nguồn gốc ngôi miếu. Người nói đó là miếu thành hoàng, ban đầu không thờ tượng Phật. Người lại bảo nơi đây trước kia có cảng cá Thuận Phước. Nơi miếu nhỏ này, ngư dân thường xuyên đến thắp hương mỗi khi xuất bến ra khơi đánh bắt, và mỗi khi an toàn trở về với nhiều tôm cá. Nghi lễ tâm linh này vốn quen thuộc với những làng chài. Nay cảng sông Hàn và cảng cá Thuận Phước đã di dời đi nơi khác nhường cho đô thị hóa, ít ngư dân đến hơn. Nhưng ngôi miếu vẫn còn nguyên đó, được một số người phát tâm tu sửa thêm và thỉnh tượng Phật vào.
Sự linh thiêng của ngôi miếu này đã thành giai thoại. Nhiều người truyền nhau “chuyện có thật”, đó là thời bao cấp, có lần cảng thuê người đập bỏ miếu. Nhưng khi đang đập dở dang, thì người đó bị đột quỵ. Người nhà mang lễ vật tới miếu để cúng, sau đó tu sửa lại phần đã đập dở.
Bốn lần bị đập phá
Ngày 13/4 mới đây, ngôi miếu lại bị kẻ xấu đập phá rồi mang đi 3 đầu tượng Bổn sư. Được biết đây là lần thứ 4 miếu bị phá hoại kiểu này.
Tượng bên trong miếu bị kẻ xấu đập phá năm 2019 |
Lần đầu miếu bị đập phá vào tháng 8/2018, thời điểm đó kẻ xấu chỉ là đập phá nồi hương chân đèn trong miếu. Lần thứ hai vào tháng 7/2019, những bức tượng trong các gian thờ cùng tượng Phật bà ở ngoài hiên bị kẻ gian đập phá một cách táo tợn. Lần thứ ba vào năm 2020, miếu bị đập phá mang đi 2 đầu tượng Phật và 1 tượng ngài Bổn sư.
Lần gần đây nhất, một bức tượng lớn đã bị di chuyển đến nơi khác do bị đập phá mất phần đầu, 2 bức tượng trước cửa miếu cũng bị đập mất đầu.
Sau nhiều lần ngôi miếu bị đập phá, công an phường Thạch Thang bước đầu xác định một người bị tâm thần có liên quan đến vụ việc.
Mấy ngày qua, một số hộ kinh doanh đá Non Nước cúng dường tôn tượng và tỉnh tượng mới về an vị tại miếu.
Qua bao năm, ngôi miếu không tên vẫn âm thầm nằm cạnh nơi ngã ba sông Hàn đổ ra biển. Nơi tuyến đường du lịch luôn đông khách dạo chơi thăm viếng, như điểm tô nét xưa cũ giữa không gian đã đô thị hóa.
Thi sĩ Chăm Tuệ Nguyên và hai con trước ngôi đền. Ảnh T.N |
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa người Chăm Tuệ Nguyên mấy năm trước rời TP HCM về Đà Nẵng sinh sống và làm việc. Năm ngoái, khi miếu bị kẻ xấu phá hoại, nhà thơ Tuệ Nguyên viết: “Trong giấc mơ ta thấy một bến cảng – có một ngôi đền thờ và tượng một đứa trẻ bằng vàng ròng ở chính điện, tư thế nằm ngửa – tay chân giơ lên trời khóc tìm bầu vú Mẹ. Hôm nay ta đã thực hiện một lời hứa, lời hứa trôi từ giấc mơ. Sáng dậy ta kiếm rượu trắng, nải chuối, 3 trứng vịt luộc, nến và bánh kẹo ra sông Hàn hành lễ ở đền Yang Kamar Mâh. Đền ta đang thấy, thánh mẫu và trẻ sơ sinh bị bứng mất; gian chính giờ được thay bằng Bồ Tát Quán Thế Âm & Thần Tài – thánh mẹ (được thay) và mộ của hai đứa trẻ được đặt mé trái đền. Mơ và Thực cũng là đời sống của ta. Bởi là Chàm nhân nên ta sống với giấc mơ và nghi lễ”.
Hỏi rằng đền Yang Kamar Mâh nghĩa là gì, thi sĩ Tuệ Nguyên cho biết, tên ngôi đền là anh tự nghĩ ra trong giấc mơ, tiếng Chăm có nghĩa là Đứa trẻ vàng.
“Trong giấc mơ ta thấy một bến cảng – có một ngôi đền thờ và tượng một đứa trẻ bằng vàng ròng ở chính điện, tư thế nằm ngửa – tay chân giơ lên trời khóc tìm bầu vú Mẹ” – nhà thơ Tuệ Nguyên.