Sapeur bao gồm những người lao động bình thường như công nhân, tài xế taxi, cửu vạn, thợ mộc, bốc mộ,... Thế nhưng, trái với những công việc nặng nhọc đó, những người thuộc nhóm Spaeur lại trưng diện như những doanh nhân thành đạt, những triệu phú trẻ tuổi. Những cuộc tụ tập của nhóm "fashionista" ăn chơi này khiến du khách ngỡ họ bay nhầm sang kinh đô thời trang Paris.
Những "quý ông thượng lưu" đang ngồi tán phét giữa một bãi rác
Các Sapeur luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng việc ăn mặc chải chuốt sẽ "nâng" họ lên một tầng lớp xã hội khác, trở thành một người quyền quý, "tạm quên đi" thực tế phũ phàng hiện tại.
Phong cách lịch lãm của những chàng trai sống "ảo" này thực tế là do "học lỏm" của người Pháp. Khi người Pháp đổ bộ vào Congo trong những năm đầu tiên của thế kỷ 20, họ đã gián tiếp mang theo cả nền công nghiệp thời trang và chuẩn mực của sự lịch lãm, phong thái quyền lực.
Từ đó, những người dân Châu Phi tại đây đã bị mê hoặc bởi những bộ quần áo được là lượt thẳng bóng, những chiếc mũ phớt quý tộc và ám ảnh bởi sự xa hoa, quý tộc đó.
Các thanh niên Sapeur tại Congo không ngần ngại bỏ ra khoảng 3.000 USD để mua một đôi giầy trong bộ sưu tập mới nhất của Dolce&Gabbana hay 10.000 USD để mua 1 bộ vest của Valentino, trong khi phải chạy từng bữa cơm. Các Sapeur thà không mua nhà mua xe, thậm chí thà không ăn để có tiền sắm đồ hiệu.
Quy tắc ăn diện của các Sapeur là không được phép mặc quá ba màu trong một set đồ
Chính vì số tiền làm lụng cả năm cũng chỉ đủ để mua 1 đôi giày hàng hiệu, vì vậy, thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng ở đây khá nhộn nhịp. Họ thường xuyên gặp gỡ để trao đổi, mua bán những món đồ đã dùng "lướt" với giá hời.
Hiện, thị trường Châu Phi đang trở thành một mảnh đất màu mỡ cho các thương hiệu thời trang xa xỉ nhất thế giới cho dù 46.5% dân số Congo hiện đang sống dưới mức nghèo đói.