Nhiệm kỳ 2021-2025 Bình Định:

Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững

TP - “Ngoài mục tiêu kiên định với chủ đề phát triển kinh tế, xã hội của năm, cần xác định năm 2024 là năm tăng tốc, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX để tạo tiền đề thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển còn lại của cả nhiệm kỳ”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng chỉ rõ.

Quyết liệt hành động để bứt phá

Ngay từ đầu năm 2024, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã có những chỉ đạo sát sao với tất cả các sở, ngành cùng bắt tay ngay vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội để đạt được mục tiêu của năm 2024 và cả nhiệm kỳ.

Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững ảnh 1

Một góc tỉnh Bình Định nhìn từ phía Cảng Quy Nhơn

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nêu rõ, cần xác định năm 2024 là năm tăng tốc, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đạt nhiều thành quả nhằm tạo tiền đề đạt mục tiêu nghị quyết ở các nhiệm vụ, chỉ tiêu còn lại.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cũng nêu ra 4 thách thức rất lớn với mong muốn toàn tỉnh phải làm tốt hơn nữa. Đó là, phải đạt tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương năm 2024 ít nhất từ 7,5 - 8%, đòi hỏi có những giải pháp cụ thể hơn. Cơ cấu kinh tế của tỉnh hiện chưa đạt theo nghị quyết, cần phải có những dự án lớn, dự án mới trong năm 2024 để tạo cú hích thúc đẩy phát triển công nghiệp. GDP bình quân đầu người của tỉnh vẫn còn thấp xa so với bình quân chung cả nước. Tỉnh vẫn chưa thu hút được dự án lớn để tạo lan tỏa, đột phá phát triển…

Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững ảnh 2

Bình Định quy hoạch mở rộng không gian hướng biển, kích hoạt ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Với tinh thần “tăng tốc”, “bứt phá”, trong năm 2024 phải thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025, ông Hồ Quốc Dũng cho hay.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo triển khai ngay vào các giải pháp yêu cầu các cấp, ngành hiện thực hóa mục tiêu vào công việc theo nhiệm vụ, kế hoạch trên các lĩnh vực. Đồng thời, yêu cầu mỗi sở, ngành, địa phương phải đăng ký 10 nhiệm vụ trọng tâm tạo được sự đột phá, đổi mới của ngành, địa phương.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ nỗ lực, năng động, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành theo tinh thần “Làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; chuyển đổi tư duy từ “Chính quyền quản lý” sang “Chính quyền phục vụ”, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; nâng cao đạo đức công vụ, lấy lợi ích, hạnh phúc và sự hài lòng của người dân là thước đo của sự phát triển; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không đùn đẩy né tránh trách nhiệm; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển theo Quy hoạch tỉnh được Chính phủ phê duyệt.

“Đấy chính là tiền đề quan trọng để tỉnh hiện thực hóa tiềm năng, khát vọng trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung” - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nói.

Hiện thực hóa mục tiêu của 2024, địa phương đã công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào thời điểm cuối năm 2023. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, mở rộng tầm nhìn và khát vọng, mong muốn đưa Bình Định đến gần với nhà đầu tư để chia sẻ, hợp tác và cùng nhau biến các tiềm năng, thế mạnh, mục tiêu, ý tưởng thành hiện thực, giúp Bình Định phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Tăng tốc để đạt chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ

Với vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam, có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan…, Bình Định có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú là điều kiện, tiền đề để Bình Định bước vào thời kỳ phát triển mới, tạo sự bứt phá vươn lên trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và cộng đồng người dân, doanh nghiệp, tỉnh Bình Định đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; tiềm năng, lợi thế của tỉnh từng bước được phát huy. Tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức khá; quy mô kinh tế ngày càng được mở rộng…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, đến tháng 8/2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển, đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Một số kết quả nổi bật, như UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thành công Lễ hội Tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024 tạo điểm nhấn du lịch hè, thu hút đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh đến xem, thưởng thức; Hoạt động sản xuất công nghiệp ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,05% so cùng kỳ; lũy kế 7 tháng tăng 9,8% so cùng kỳ. Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 168,3 triệu USD, tăng 6,3% so cùng kỳ; lũy kế 7 tháng đạt 1.233,1 triệu USD, tăng 11,6% so cùng kỳ. Hàng hóa thông qua cảng biển đạt 1.260 nghìn tấn thông quan, tăng 12% so với cùng kỳ; lũy kế 7 tháng đạt 8.711 nghìn tấn thông quan, tăng 34,5% so với cùng kỳ.

Về công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; đồng bộ phương án xử lý vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác, chất thải, nước thải cả trong sản xuất và sinh hoạt.

Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cũng nhìn nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong thời gian đến, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, nhất là các chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024. Theo dõi sát tình hình thực tiễn, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, điều hành bằng những việc làm cụ thể, thiết thực theo từng tháng, quý.

Mới đây, tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong thời gian tới, tỉnh Bình Định cần làm tốt hơn nữa việc quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội trong năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là một số chính sách mới có hiệu lực thi hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định có liên quan về đất, giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa.

MỚI - NÓNG