Kỳ bí nghề 'tăm' vàng

Kỳ bí nghề 'tăm' vàng
TP - Không cần thiết bị, máy móc, không phải dùng đến chất độc Cyanua, không cần đào bới, ở thánh địa vàng ròng Phước Sơn (Quảng Nam) có những người tay không đi tìm vàng. Nhìn núi, nhìn sông họ biết ngay đâu có vàng. Câu chuyện về nghề tăm vàng của người thợ tăm ly kỳ và đầy bí ẩn.

> Người Trung Quốc vào tận Quảng Nam đào vàng
> Đào cả khu vực tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tìm vàng

Tay không tăm ra 3.000 cây vàng

Nghe kể về nghề tăm vàng đã lâu cùng những lời đồn đoán ly kỳ hấp dẫn. Mấy lần lên Phước Sơn, mò vào tận các bãi vàng, tìm gặp các chủ bãi, phu vàng hỏi về nghề tăm vàng, tôi thường nhận được những cái lắc đầu. Tất cả đều giấu bởi đơn giản đó là bí mật của nghề hái ra …vàng nên không ai hé răng nửa lời. Hỏi dò, lần mò mấy bận, cuối cùng tôi cũng tìm được người hé lộ câu chuyện nghề đầy bí mật về cái nghề này.

Thị trấn Khâm Đức, từ ngày đường Hồ Chí Minh mở qua càng trù phú và giàu có. Các công ty trong và ngoài nước về đây khai thác vàng, với hàng ngàn công nhân làm phố núi thêm tấp nập. Nhưng mặt trái cũng hiện rõ. Núi rừng bị cày xới, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội và những cái chết thương tâm từ những bãi, hầm vàng. Ở vùng núi này, bao lâu nay người ta đã quen với tin tức về những vụ sập hầm lấy đi tính mạng của những phu vàng theo đuổi giấc mơ đổi đời.

Thật tình cờ, gặp ông xe ôm, dáng lọm khọm, lưng hơi gù. Ông cười bảo: “Tôi gù cũng vì cõng vàng đó”. Giọng nói hào sảng pha chút lì lợm, bặm trợn của một hảo hán mấy chục năm gắn bó với thánh địa vàng. Ông là Trần Phương Triều, người địa phương duy nhất học được ngón nghề tăm vàng, nay đã giải nghệ. “Mấy chú em, hỏi tăm vàng để đi lấy vàng hay học nghề”, ông Triều hỏi với ánh mắt dò xét. Tỉ tê, giải thích mãi ông mới buông lời: “Được. Về nhà rồi tính”.

Ông Triều có một cơ ngơi nhà khang trang ngay thị trấn Khâm Đức và là chủ của một CLB bida, chủ yếu phục vụ các kỹ sư, chuyên gia và công nhân các công ty vàng ở Phước Sơn. Ông cười khà: “Tất cả cũng nhờ vàng mà có. Giờ không còn sức nữa, vợ chồng ở nhà làm ăn lặt vặt cũng đủ sống, đủ nuôi thằng con ăn học đàng hoàng. Chạy xe ôm chỉ cho vui”.

Bặp mấy hơi thuốc, ông Triều kể tôi nghe câu chuyện về nghề tăm vàng ông gắn bó một thời. Sinh ra ở Thăng Bình (Quảng Nam), năm 1992 ông khăn gói lên Phước Sơn với ước mơ đi dạy học. Nhưng rồi cơn lốc vàng ngày ấy đã cuốn mất ước mơ ban đầu của chàng trai trẻ. Tham gia đội quân phu vàng, rồi ông quen những thợ tăm vàng từ Thái Nguyên. Kết thân để đi theo học nghề, sau 3 năm ông đã học được bí kíp nghề tăm vàng. Năm 1995, ông bắt đầu những chuyến xe rừng vào tận Phước Kim, Phước Thành để tăm vàng.

Ông kể rằng dân tăm vàng chuyên nghiệp giỏi chủ yếu từ Thái Nguyên vào. Có nhiều thợ tăm rất giỏi, chỉ cần tăm vài vị trí là xác định đúng hục vàng lấy ra được mấy ký vàng. Tăm vàng là đi tìm dấu vết của vàng hục từ khe suối, núi đồi. Dân tăm vàng thường đi theo nhóm với đồ nghề chỉ là chiếc bồn đãi, xà beng và xẻng cùng nhu yếu phẩm.

Ông Triều cho biết, khi xác định vùng núi, địa bàn, nhóm thợ tăm sẽ lên đường. Những người tăm vàng giỏi, chỉ nhìn vào cây cỏ, nhìn vào đất đá, dòng chảy sông suối là biết có vàng hay không. Thợ tăm sẽ bắt đầu từ khe suối xung quanh một ngọn đồi. Từ suối, thợ tăm sẽ dùng bồn đãi vàng để tìm ra những hạt vàng nhỏ mà dân nghề gọi là “giống” vàng. Nếu xác định được giống vàng, thợ tăm sẽ tiếp tục tăm dần ngược lên ngọn đồi. Mỗi một điểm tăm, thợ sẽ đào sâu khoảng 30cm lấy đất đá đó đãi để tiếp tục tìm giống vàng. Nếu giống vàng bóng thì hục chứa vàng sẽ ở xa do quá trình lăn làm bào mòn. Giống vàng còn góc cạnh thì hục vàng sẽ ở gần. Tất cả được quan sát bằng mắt thường đầy tinh vi và kinh nghiệm. Nhìn vào hạt giống vàng, thợ tăm sẽ xác định vị trí của hục vàng, nơi chứa vàng và khoanh vùng để lấy vàng. Và chuyện trúng vàng ký, thậm chí vàng tạ bằng nghề tăm không phải là hoang đường. “Mỗi chuyến đi kéo dài từ một đến vài tháng trời, với dân tăm trúng năm bảy ký vàng là chuyện thường. Tôi biết có những người tăm trúng vàng tạ. Trúng xong, họ tìm cách lấy vàng ra khỏi rừng rồi bỏ đi và biến mất luôn”, ông Triều nói.

Ông Triều kể lại năm 1998 trong một lần tăm vàng ở Phước Thành, ông trúng hục vàng 5-6 ký vàng. Nhưng thời điểm đó, vàng còn rẻ, chia đều cho anh em cũng không ăn thua. Có người em họ theo ông tăm vàng, ban đầu không tin, rồi chính mắt thấy vàng óng ánh, sau đó đã gắn bó với ông trong suốt những chuyến đi. Nhưng có nhiều chuyến đi kéo dài cả mấy tháng trời nhóm thợ tăm chỉ được vài chỉ vàng.

Chúng tôi tìm đến nhà ông N., một chủ bãi có tiếng ở Phước Sơn nay đã giải nghệ. Ông N. trước là công an nhưng bị kỷ luật phải ra khỏi ngành, sau đó làm chủ bãi. Qua nhiều biến cố, ông về mở hàng quán buôn bán nuôi con ăn học. Ông N. cho biết: “Dân tăm vàng giỏi chủ yếu là dân ở Đồng Hỷ, Đại Từ ở Thái Nguyên vào. Những năm 1990, có những đội tăm trúng vàng tạ, họ lấy vàng ra hết rồi mình mới biết. Anh em kéo quân qua đó đánh lại cũng kiếm được bộn”.

Câu chuyện về dân tăm vàng tìm ra hơn 3.000 cây vàng ở Phước Sơn ông Triều, ông N. và các chủ bãi khác vẫn còn nhớ rõ. Đó là vào năm 1997, đội thợ tăm vàng dân Thái Nguyên vào thôn Trà Văn (Phước Kim) phát hiện tảng đá lớn ngậm vàng. Tảng đá lớn nằm giữa đường nhưng không ai biết có vàng bên trong. Nhóm thợ tăm phát hiện nhưng vì đá quá lớn, không có cách nào để lấy hết vàng ra. Thông tin lan truyền, dân làm vàng từ miền Bắc kéo vào và từ Gia Lai kéo qua, chia nhau xẻ đá đánh vàng.

Ông Triều kể: “Tảng đá lớn bằng ngôi nhà 2 tầng. Dân tăm vàng Thái Nguyên vào phát hiện ra, dân tứ xứ đổ xô vào đánh vàng. Đánh 3 - 4 tháng mới xong tảng đá. Đá xay ra một tiếng sau là có vàng rồi. Cả ngàn người tham gia thành một đại công trường. Tảng đá ấy ngậm hơn 3.000 cây vàng mà không ai hay”.

Của thiên trả địa

Núi rừng Phước Sơn bị phá nát vì khai thác vàng
Núi rừng Phước Sơn bị phá nát vì khai thác vàng.
 

Hỏi ông Triều sao lại bỏ nghề. Ông thở dài: “Của thiên trả địa”. Ông Triều, ông N. và nhiều người khác nổi lên là những tay chơi có tiếng xứ vàng này.

“Trúng vàng, giàu có thật. Nhưng cái gì cũng có giá cả. Sau mỗi lần trúng đậm là ăn chơi. Mỗi cuộc chơi ném đi vài chục cây vàng. Hết vàng lại vào rừng. Nhưng ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, ông N. tâm sự. Để làm ra vàng, nhiều phu đã phải bỏ mạng khiến nhiều chủ bãi như ông N. ăn năn từ bỏ để quay về cuộc sống thường ngày, tìm sự an bình cho bản thân và gia đình.

Cũng thật tình cờ, tôi gặp Tấn, là lính phu vàng của ông N. một thời. Tấn quê Quế Sơn, từng theo chân đội phu vàng, vào tận Phước Thành, Phước Kim để làm vàng. Tấn về Khâm Đức thăm ông chủ xưa. Ngày đó, Tấn vừa tốt nghiệp cấp 3, nhà nghèo nên phải mò qua Phước Sơn đi làm phu vàng. Biết hoàn cảnh, chính ông N. đã khuyên cậu cùng 2 chàng trai phu vàng khác về quê ăn học, đừng theo nghiệp vàng khổ ải. Nghe lời, Tấn quay về miệt mài sách vở và trúng tuyển đại học. Nay đã thành danh, nhưng ký ức về năm tháng gian khổ vẫn còn in hằn: “Nếu ngày đó không quyết tâm, không được chú N. động viên, mình không biết cuộc đời mình giờ sẽ trôi về đâu. Có khi giờ đã vùi xác dưới những hầm vàng”.

Ông Triều giờ đây ngày vài cuốc xe ôm quanh thị trấn làm thú vui. Thỉnh thoảng có người tìm ông yêu cầu ông chở người, hàng vào bãi vàng với giá vài triệu đồng cho một cuốc, nhưng ông từ chối. Ở cái tuổi 52, lưng đã còng theo những chuyến tìm vàng, không ít lần phải chứng kiến những cảnh đau thương, tang tóc vì cuộc chiến tranh giành vàng giữa núi rừng. Giờ, ông chỉ muốn những ký ức đó ngủ yên.

Hỏi ông Triều có truyền bí kíp tăm vàng cho con trai hay người thân không? Ông buông ánh mắt nhìn về rừng sâu rồi chậm rãi: “Trước, tăm vàng chỉ để lấy vàng hục, không dùng bom mìn không dùng chất độc. Nay, vàng ngày càng khan hiếm, người ta đổ xô tìm mọi cách khai thác. Rừng núi đã tan hoang rồi. Máy móc vào cày xới núi rừng, phá nát sông suối, còn đâu nữa mà tăm!”.

Theo kế hoạch thông tin của Tòa soạn, kỳ cuối loạt bài “Trên cả nỗi đau sau 35 năm mới kể” sẽ được đăng vào số báo ra thứ hai, ngày 29/7/2013. Mong bạn đọc thông cảm và đón đọc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG