Giai đoạn 2019 - 2022, Sở chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ trên 2.680 tỷ đồng cho 39 dự án để triển khai đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển. Trong đó, một số dự án trọng điểm để phát triển hạ tầng giao thông khu vực ven biển như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình; Dự án cải tạo nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng ven biển phía Nam tỉnh Thái Bình (đường 221A); Dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong khu kinh tế Thái Bình... Một số dự án để ứng phó với biến đổi khí hậu như: Dự án bảo tồn và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển khu vực Đồng bằng sông Hồng thực hiện tại tỉnh Thái Bình; Dự án phục hồi và phát triển rừng ven biển tỉnh Thái Bình và các dự án tu bổ đê, kè xung yếu tại vùng ven biển.
Ảnh Internet |
Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh tổ chức rà soát, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời hoàn thành quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 làm cơ sở thu hút dự án đầu tư đối với 11 khu chức năng trong Khu kinh tế (trong đó có 05 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ). Hiện nay đang tập trung huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông của Khu kinh tế, đặc biệt là các tuyến đường kết nối với thành phố Hải Phòng như: tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường kết nối Khu công nghiệp Liên Hà Thái với Hải Phòng; tuyến đường cao tốc Ninh Bình — Hải Phòng; tuyến đường từ Thành phổ Thái Bình đi cồn Vành và các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế...
Để xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng Khu, cụm công nghiệp và công tác triển khai quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Thái Bình được chỉ đạo triển khai tích cực. Đến nay một số phân khu chức năng trong Khu kinh tế đã được UBND tỉnh phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000, gồm: Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái; Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hải Long; Khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf cồn Vành - cồn Thủ; Khu bến cảng Ba Lạt; Khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao; Khu công nghiệp Thụy Trường, huyện Thái Thụy; Khu công nghiệp Tiền Hải 2, huyện Tiền Hải; Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tân Trường, huyện Thái Thụy; Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Thái Thượng, huyện Thái Thụy; Khu bến cảng Diêm Điền, huyện Thái Thụy; Khu công nghiệp Hưng Phú, huyện Tiền Hải. Các khu công nghiệp trong Khu kinh tế đã được phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 đều có tính chất tổng hợp đa ngành nghề, công nghiệp công nghệ cao, sử dụng công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường.
Khu Kinh tế Thái Bình đã khẳng định được vai trò là trọng điểm, động lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế. |
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là Khu công nghiệp Liên Hà Thái, Khu công nghiệp Tiền Hải, Khu công nghiệp Hải Long... Thái Bình đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp. Giai đoạn 2021-2023, đã cấp mới, điều chỉnh 93 dự án với tổng số vốn đăng ký 38.465 tỷ đồng, trong đó cấp mới 27 dự án với tổng số vốn đăng ký 28.920 tỷ đồng (đặc biệt đã có 18 dự án FDI mới và 12 dự án FDI điều chỉnh với tổng số vốn đăng ký trên 3 tỷ USD). Tính đến tháng 6/2023, có 313 dự án đầu tư vào khu kinh tế và các khu công nghiệp còn hiệu lực (219 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh) với tổng số vốn 123.466 tỷ đồng; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu duy trì ổn định.
Góp phần thúc đẩy giao thương vận tải hàng hóa, hình thành các trung tâm logistics kết nối cung ứng dịch vụ logictics trên địa bàn tỉnh, Thái Bình triển khai đầu tư cảng biển theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đủ năng lực tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn đến 50.000 DWT. Các khu bến khác như: Mỹ Lộc, Thái Thọ, Tân Sơn, Thụy Tân, Nam Thịnh đầu tư năng lực tiếp nhận tàu có tải trọng 200 - 1.000 tấn; Ba Lạt cho tàu có trọng tải 5.000 - 30.000 tấn, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế. Phối hợp với các tỉnh liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; tuyến đường sắt Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định.