Chờ ba bóng đen chụm đầu vào nhau, các chiến sỹ an ninh bất thần ập đến, tóm gọn. Việc bắt giữ diễn ra hết sức mau lẹ nên hai tên đang trộm đào mộ ở bên trong không hề hay biết. Chỉ khi nghe tiếng súng nổ chát chúa bên tai, chúng mới vội vàng tẩu thoát...
Dưới ánh sáng ban ngày, ngôi mộ cổ ở làng Linh Đường (Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) hiện lên sừng sừng giữa đồng không mông quạnh. Dân làng đổ ra xem ngôi mộ vô danh đã “trơ gan cùng tuế nguyệt” ở đây mấy trăm năm nhưng chẳng mấy ai để ý đến. Tiếng nổ của khối bộc phá nặng chừng nửa cân phá tan cửa lăng đá, mọi người nhìn rõ lỗ thủng trên áo quan.
![]() |
Hiện vật trong ngôi mộ cổ Linh Đường |
Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Cường - người trực tiếp khai quật ngôi mộ cổ Linh Đường - dường như vẫn còn nguyên cảm giác khi thấy nắp quan tài bật ra. “Đó là một ngôi mộ đặc biệt mà trong quãng đời theo nghiệp khảo cổ, tôi chưa từng bắt gặp”.
Mộ có cấu trúc đặc biệt gồm lăng đá, quách tam hợp và quan tài. Lăng đá được làm theo dạng khối hộp chữ nhật, bên trong có mái che. Lăng đá dài 4,1m, rộng 3,0m, chiều cao từ đỉnh nóc xuống đến chân lăng khoảng 3m. Phần nhiều các mộ xác ướp đã phát hiện không bao giờ xây lăng đá nổi bên trên, nếu có chăng chỉ là gò mộ được đắp bằng đất phủ lên, còn chủ yếu đều nằm chìm dưới đất. Nhìn vào lăng đá nổi, TS Cường đã tự hỏi phải chăng có những yếu tố kỹ thuật mai táng mới ở ngôi mộ cổ này?
Nằm trong lăng đá là lớp quách tam hợp, cũng được xây theo khối hộp chữ nhật rất kín. Quách tam hợp này kích thước chỉ nhỉnh hơn áo quan đôi chút nhằm bảo vệ cho áo quan. Quách được tạo từ vôi, cát mật trộn với giấy bản đã ngâm nước và giã nhỏ thành bột tạo thành một chất siêu bền, càng để lâu càng cứng. Quan tài được làm từ gỗ Ngọc Am – một loại gỗ quý hiếm được lấy từ lõi cây thông già. Gỗ rất thơm và chống được mối mọt.
Nắp quan tài được mở ra, đập vào mắt những nhà khảo cổ là một xác người được bó khá cầu kỳ. Lần lượt từ trong ra ngoài có 1 tấm chăn đại liệm gồm vỏ chăn gấm và ruột bông trắng tinh, 5 lớp vải đại liệm loại mộc màu trắng ngà, 1 mảnh vải lụa màu vàng che mặt, 2 mũ đội đầu bằng gấm và vải... Tử thi được mặc nhiều lớp váy áo, trong đó có 4 lớp áo gấm đặc biệt như áo gấm trang trí hoa văn đồng tiền, hoa văn kiểu hoa hướng dương. Sau 4 lớp áo này, còn có 3 kiểu áo khác gồm áo may kép, trên ve áo có hai chữ Hán là “Mụ đình”; áo gấm màu vàng có trang trí hình rồng và sóng nước; áo gấm màu vàng óng trang trí hình rồng chầu mặt nguyệt... Ngoài ra, sát thân còn hơn chục lớp áo khác. Tổng cộng có cả thẩy 33 lớp áo cùng 9 lớp váy!
Đồ tuỳ táng chôn theo gồm 1 chiếc quạt giấy 14 nan còn nguyên vẹn, 1 túi đựng trầu gồm 37 miếng trầu còn tươi xanh như vừa mới hái, 34 quả cau hơi héo, một chuỗi tràng hạt đeo cổ gồm 105 hạt, trong đó có 104 hạt táo và 1 hạt ngọc... Các số đo nhân học cho phép đoán định người chết nằm trong mộ là một người đàn bà xinh đẹp, cao khoảng 1,50m, dáng người đẫy đà, khuôn mặt cân đối. Bà mất vào tuổi 62 đến 64 vào nửa cuối thế kỷ XVIII – thế kỷ đầy biến động của lịch sử Việt Nam. Người đàn bà đó là ai?
Mộ cổ Linh Đường từng là mộ giả của vua Quang Trung?
Thường trong các ngôi mộ xác ướp của Việt Nam, người chết luôn mang theo tấm thẻ căn cước được gọi là tấm minh tinh, nói về hành tung và thân phận xã hội của mình. Nhưng tấm minh tinh đã không tìm thấy trong ngôi mộ cổ Linh Đường. Người chết là ai? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ ngay cả khi đã khai quật xong ngôi mộ.
“Lúc đó, tôi hơi hoang mang, không biết nghiên cứu theo hướng nào để xác định được thân phận của chủ ngôi mộ cổ. Đúng vào thời điểm đó, cách khu khai quật khoảng 500m về phía Bắc còn lại một tấm bia trụ in chữ 4 mặt được khắc vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Nội dung đề cập đến một người đàn bà họ Trần là cung phi trong phủ chúa Trịnh đã cúng tiền của đất đai... Một hướng nghiên cứu đã hé mở...” - TS Nguyễn Mạnh Cường nhớ lại.
Cùng thời gian đó, có người thuộc dòng họ Trần đã cho các nhà khảo cổ xem cuốn gia phả trong đó có nói tới một người đàn bà quyền thế ở phủ chúa, khi chết được an táng tại Lăng đá xứ thuộc cánh đồng Mô. Một vài người vội tin vào cuốn gia phả đã cho công bố kết quả nghiên cứu. Theo công bố thì chủ nhân của ngôi mộ là bà Dĩnh, người làng Linh Đường được phong là Chiêu Dung công chúa, khi chết có lăng đá để thờ. Công bố này được xem như một giả thiết lịch sử, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ cuốn gia phả, các nhà khảo cổ nhận thấy bà Dĩnh là em vợ chúa Trịnh Tạc.
Theo quy định tang lễ nghiêm ngặt của chế độ phong kiến thì em vợ chúa khi chết không được mặc áo hoàng bào xuống mộ. Một chi tiết đáng lưu ý nữa là bà Dĩnh được nói trong gia phả sống ở nửa cuối thế kỷ XVII, trong khi đó các hiện vật tuỳ táng trong ngôi mộ đá lại xác nhận dấu vết của thế kỷ XVIII. Từ những tư liệu có cơ sở khoa học đó, các nhà khảo cổ học kết luận: Đức bà Dĩnh trong gia phả họ Trần không phải là chủ nhân của ngôi mộ cổ.
Chặng đường đi tìm lai lịch chủ nhân ngôi mộ tưởng như rơi vào ngõ cụt bỗng mở ra một hướng thênh thang khi các nhà khảo cổ tìm thấy trong Viện Thông tin (Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam) một tài liệu lịch sử có đề cập đến Mỹ Vương, người làng Linh Đường, chủ sự việc kiêu binh sau khi Trịnh Sâm mất. Lần giở hồ sơ nói về cuộc đời Mỹ Vương, được biết ông tên thật là Nguyễn Mỹ, con trai Nguyễn Trọng Viêm. Nguyễn Trọng Viêm lại là anh trai Trịnh Thái Phi. Như vậy ở làng Linh Đường có người con gái họ Nguyễn lấy chúa Trịnh và là bà cô của Nguyễn Mỹ.
Các tư liệu lịch sử cho hay người con gái họ Nguyễn đó chính là bà Hoa Dung - Vợ chúa Trịnh Doanh, mẹ của chúa Trịnh Sâm. Sử cũ chép rằng bà Hoa Dung là người đoan trang, chính trực. Việc Đặng Thị Huệ âm mưu đưa con trai mình lên ngôi chúa khiến bà bất bình và tìm lời khuyên giải Trịnh Sâm. Tiếc rằng vị chúa luỵ tình này đang bệnh hiểm nghèo nên không xoay chuyển được tình thế. Sau khi chúa Trịnh mất, loạn kiêu binh đã lật nhào Trịnh Cán lập Trịnh Tông lên ngôi chúa, bà Hoa Dung đã bức tử Đặng Thị Huệ. Nhưng chẳng bao lâu nhà Trịnh sụp đổ, bà bỏ về quê ở ẩn và mất tại đó. Phải chăng lúc này bà hoàng thất cơ nên đám ma đưa tiễn cũng chỉ diễn ra một cách vội vàng, đơn sơ với những gì lúc sống bà lưu giữ?
T.S Nguyễn Mạnh Cường dừng lại trước câu hỏi đó một hồi lâu rồi mới “cởi nút”: “ Sau khi khai quật ngôi mộ cổ được một thời gian, chúng tôi đọc được gia phả của dòng họ Nguyễn ở Linh Đường. Thật bất ngờ, cuốn gia phả có nói đến bà Nguyễn Thị Hoa Dung với những thông tin đúng như giả thiết của chúng tôi”.
TS Cường tiếp tục làm tôi bất ngờ khi ông cho rằng ngôi mộ cổ Linh Đường liên quan đến vua Quang Trung. Lịch sử để lại một câu chuyện rằng sau khi Quang Trung mất, Quang Toản lên nối ngôi, sai sứ thần sang Trung Quốc báo tang, và làm tờ biểu xin phong vương. Trong tờ biểu có nói: Vâng lời dặn lại của vua cha, sau khi chết không đưa di hài về quê, mà chôn cất ở làng Linh Đường để tỏ lòng mến nhớ cửa khuyết. Vua Thanh khen ngợi, lập tức sai sứ thần sang lễ tế! Quang Toản bèn cho làm ngôi mộ giả ở làng Linh Đường để nhà Thanh gửi lễ sang viếng.
Có thể cái chết của bà Hoa Dung xảy ra sớm hơn đôi chút với cái chết của vua Quang Trung nên đã có người lập mưu chọn đúng ngôi mộ của bà nguỵ trang lại như mộ vua để cho sứ đoàn nhà Thanh sang viếng. Người bày ra mưu kế này rất có thể là Ngô Thì Nhậm vì ông là người Tả Thanh Oai, am hiểu vùng đất này hơn ai hết. Dĩ nhiên, đó chỉ là một giả thiết lịch sử, nhưng TS Nguyễn Mạnh Cường – Người nghiên cứu sâu về vua Quang Trung - tin rằng mình đã đúng. Lịch sử luôn cần những giả thiết, và luôn chứa đựng những bất ngờ. Trường hợp về mộ Lê Lợi ở Thanh Hóa là một ví dụ...
Kỳ cuối: Bí mật về mộ Lê Lợi và mộ Ngọc Hân công chúa.