Ông Vũ Văn Đam - Trưởng phòng Trẻ em, Bình đẳng giới, Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum cho biết, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đuối nước do nhận thức và hiểu biết chung của cộng đồng còn thấp. Không chỉ tại các huyện xã vùng sâu, vùng xa mà ngay tại TP.Kon Tum cũng thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em.
Tai nạn đuối nước mới đây ở huyện Sa Thầy đã cướp tính mạng của 3 người, trong đó có 2 cháu nhỏ |
Đồng thời, các em thiếu sự quan tâm, giám sát đầy đủ của người lớn. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ đuối nước cao ở trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ. Đa số trẻ em không biết bơi, rủ nhau đi tắm sông, suối, hồ lớn không có kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước.
Trước đó vào ngày 10/8, 3 cháu bé tại thôn Đăk Wơk Yốp (huyện Sa Thầy, Kon Tum) rủ nhau xuống lòng hồ thủy điện Plêi Krong. Không may, cháu T.H.H.P (7 tuổi) và T.H.M.V (10 tuổi) bị trượt chân rơi xuống lòng hồ.
Nghe thấy tiếng trẻ em kêu cứu từ dưới lòng hồ, chị Hoàng Thị Nhẫn (32 tuổi, mẹ cháu T.H.H.P) đang mang thai 6 tháng nhanh chóng lao xuống hồ cứu 2 cháu nhỏ. Tuy nhiên không cứu được con mà chị Nhẫn cùng 2 cháu nhỏ đều bị đuối nước, tử vong.
Nhiều trẻ em ra ao hồ, sông suối vui chơi, bơi lội tiềm ẩn nguy cơ đuối nước |
Ngày 15/8, một vụ đuối nước khác tại TP.Kon Tum lại tiếp tục cướp đi sinh mạng của 2 thiếu niên. Thời điểm đó, Y La (17 tuổi), Y Luỹen (16 tuổi) và Y Lơi (14 tuổi, cùng trú thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang, TP.Kon Tum) đi nhổ mạ tại khu vực cánh đồng thuộc xã Đoàn Kết (TP.Kon Tum).
Trong lúc rửa mạ, không may Y La và Y Luỹen bị trượt chân ngã xuống hồ. Mặc dù lực lượng chức năng cùng người dân nhanh chóng ứng cứu tuy nhiên 2 nạn nhân đã đuối nước, tử vong.
“Môi trường sống xung quanh các em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống ao hồ sông ngòi chằng chịt. Không những vậy, nhà và trường học gần sông, suối, ao, hồ không có rào chắn, nhiều hố nước sâu ở khu sản xuất tại các lò gạch rất nguy hiểm”, ông Vũ Văn Đam chia sẻ.