TS Bùi Đức Thụ: Chưa nên tăng thuế VAT

Tăng thuế VAT sẽ tác động tới đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Tăng thuế VAT sẽ tác động tới đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Trò chuyện với PV Tiền Phong, TS Bùi Đức Thụ, Phó trưởng Ban công tác đại biểu, người có nhiều năm theo dõi lĩnh vực tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng: Việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ làm các chính sách không thống nhất, đồng bộ, ảnh hưởng sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và tác động trực tiếp đến người nghèo.

Ảnh hưởng người dân, doanh nghiệp

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) vào thời điểm này, còn ông thấy sao?

Đầu tiên phải nói rằng, thuế VAT trên thế giới cao hơn Việt Nam, ở châu Âu, nhiều nước đánh đến 20%, các nước như Nam Mỹ cũng như vậy. Còn ở Việt Nam có thấp hơn, mức phổ biến với hàng hóa thông thường là 10%, còn đối với đầu vào vật tư nông nghiệp, một số mặt hàng khác 5%, xuất khẩu 0%. Có thể nói thuế VAT của ta ở mức thấp.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước thâm hụt, bội chi nhiều năm nay, nợ công cao, có nên cải cách chính sách thu và cải cách như thế nào? Đây là câu hỏi lớn đang đặt ra trước các nhà quản lý, lãnh đạo. Tôi cho rằng, xu hướng sau này cần phải nhìn lại để điều chỉnh thuế suất cho phù hợp, trong đó có thuế VAT. Tuy nhiên, trong tình hiện nay thì chưa nên điều chỉnh tăng thuế VAT.

TS Bùi Đức Thụ: Chưa nên tăng thuế VAT ảnh 1 TS Bùi Đức Thụ, Phó trưởng Ban công tác đại biểu, người có nhiều năm theo dõi lĩnh vực tài chính, ngân sách của Quốc hội, nói rằng chưa nên tăng thuế VAT. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Theo ông, vì sao chưa nên điều chỉnh thuế VAT vào lúc này ?

Thứ nhất, VAT là thuế gián thu, được tính vào giá, người tiêu cùng phải trả. Trong điều kiện GDP bình quân của Việt Nam ở mức thấp như hiện nay, nếu lại điều chỉnh tiếp, dẫn đến thu nhập thực tế của người dân giảm xuống. Đó là điều phải cân nhắc trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, trong dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2018, tỷ trọng thuế gián thu rất cao, thuế trực thu lại rất thấp, gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, rồi thuế tài sản như nhà đất… Thuế gián thu cao, lại tập trung chủ yếu vào người dân, người tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, lại tiếp tục nâng lên thì có phù hợp không?

Thứ ba, trong 600- 700 nghìn doanh nghiệp của chúng ta, tuyệt đại đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai, kỹ thuật công nghệ lạc hậu… Với rất nhiều khó khăn như vậy, giờ chúng ta lại tăng thuế VAT, tuy đánh vào người tiêu dùng nhưng làm tăng giá bán, làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tôi lo điều này sẽ làm “giọt nước tràn ly”.

Chúng ta đang muốn khơi dậy phát triển kinh tế tư nhân, coi nó là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế trong giai đoạn tới như đường lối của Đảng, Nhà nước. Rồi Quốc hội cũng có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để khuyến khích các doanh nghiệp tồn tại, phát triển, khuyến khích các phong trào khởi nghiệp…

Tất cả chủ trương đường lối đã được xác định và đang được triển khai thực hiện. Như vậy, nếu tăng thuế VAT sẽ dẫn đến các chính sách không thống nhất, không đồng bộ, mà chính sách này lại cản trở sự phát triển, cần phải cân nhắc.

Để tăng nguồn thu, nhiều ý kiến cho rằng, trước tiên cần phải khắc phục được những bất cập hiện nay như nợ thuế, trốn thuế và cần thu đúng, thu đủ, giảm chi thường xuyên chứ không phải tăng thu từ thuế?

Hiện nay, thu ngân sách của chúng ta vẫn còn những bất cập, rõ nhất là đối tượng thu được quy định trong luật rất nhiều, nhưng việc trốn lậu thuế còn rất lớn. Ngoài thu còn bỏ sót, trốn lậu thì nợ đọng thuế còn lên tới trên dưới 70 nghìn tỷ đồng. Tất nhiên, con số này là lũy kế của nhiều năm. Tôi cũng hiểu trong cơ cấu thu đó, nhiều doanh nghiệp không thu được, tức là “chết rồi nhưng chưa chôn được”. Trong số 70 nghìn tỷ đó, khoảng 50% là thu được. Nếu làm quyết liệt hơn nữa, số thu này cũng đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước khó khăn, nhu cầu chi lại lớn, để giảm bội chi, giữ vững an ninh tài chính, phải đảm bảo chính sách chi phù hợp, đồng thời giảm biên chế, giảm chi hành chính để giảm chi thường xuyên. Còn với thu thì thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo luật. Như thế cũng đã đóng góp lớn để có thể cân đối ngân sách nhà nước theo hướng tích cực hơn.

Bây giờ chúng ta phải rà roát lại chính sách thu trong một số lĩnh vực để đảm bảo bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế. Thực tế cho thấy, còn nhiều hoạt động kinh tế đang bị bỏ sót, chưa điều chỉnh. Như vừa qua có sự tranh luận rất lớn về taxi công nghệ Uber, Grab gặp khó khăn trong thu thuế. Những loại hình mới phát sinh cũng phải bình đẳng trong nghĩa vụ nộp thuế.

Hoạt động kinh tế đều có lợi ích giống nhau và phải bình đẳng trước pháp luật, cần phải điều chỉnh, mở rộng đối tượng thu thuế. Hay như trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) việc thu thuế cũng chưa hiệu quả. Từ giữa năm 2017, thị trường BĐS đã tương đối sôi động. Thế nhưng việc mua bán BĐS lại chủ yếu là bán trao tay, dẫn đến nhà nước thất thu thuế.

Những mặt hàng nhỏ, thiết yếu lại tăng thu, trong khi đó những người kinh doanh lớn, buôn bán BĐS mọc lên rất nhiều, nhưng tỉ trọng nộp thuế cho nhà nước lại rất nhỏ. Nghĩa là cái nhỏ thì ta thu, nhưng cái to như con voi chui qua lỗ kim thì lại bỏ sót. Cần nhìn thấy dư địa để điều hành, điều chỉnh chính sách cho công bằng.

Người nghèo bị tác động nhiều hơn

Trở lại câu chuyện tăng thuế VAT, theo ông sẽ tác động như thế nào tới người tiêu dùng, có ảnh hưởng tới người nghèo, người thu nhập thấp không?

Nhiều người cũng từng đặt ra câu hỏi này đối với tôi. Có người nói mức độ ảnh hưởng không đáng kể. Tôi thì cho rằng, về mặt lý thuyết, VAT là loại thuế gián thu, tính vào giá, người tiêu dùng chi trả. VAT càng cao thì đẩy giá càng lên cao, dẫn đến người tiêu dùng phải chịu, không phân biệt người giàu hay người nghèo.

Người giàu mua nhiều thì đóng thuế VAT vào nhà nước lớn, còn người nghèo chi mua tiêu dùng ít thì đóng góp nhỏ, nhưng vẫn đóng theo luật bình quân 10%. Nghĩa là, điều chỉnh thuế VAT tăng sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân, trong đó có cả người nghèo. Đối với người nghèo, thu nhập ít, mặc dù điều chỉnh ít, nhưng cũng ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Còn với người giàu, thu nhập lớn, điều chỉnh lượng tuyệt đối lớn, nhưng chia cho tổng thu nhập của họ lại nhỏ, nên lại ít ảnh hưởng.

Chính vì thế, tôi lo việc điều chỉnh này, người tiêu dùng, người nghèo bị tác động nhiều. Thu nhập bình quân đầu người của người nghèo, người thu nhập thấp chiếm tỷ lệ rất lớn và hầu như phần tích lũy với đối tượng này không có. Thu nhập bao nhiêu họ dành cho tiêu dùng hết. Trong khi đó, cứ tiêu dùng thì phải chịu thuế, mà thuế VAT lại là thuế phổ biến của các mặt hàng, dẫn đến tỷ trọng thuế trên thu nhập của người nghèo lại lớn và gây khó khăn hơn cho người dân nghèo.

Còn sự tác động đến lạm phát sau khi điều chỉnh thuế VAT thì sao, thưa ông?

Phải nói rằng, việc điều hành lạm phát của chúng ta mấy năm qua tương đối tốt, lạm phát toàn dưới 4%. Tôi tin với điều kiện kinh tế phục hồi và các hệ thống chính sách như hiện nay, nếu điều hành chính sách tiền tệ khác tốt thì duy trì lạm phát dưới 4% sẽ là hiện thực. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện thôi.

Nếu điều chỉnh thuế VAT ở mức độ thì lạm phát vẫn thấp, không phải đe dọa đến mức “bùng nổ lạm phát” đâu. Nhưng về nguyên tắc, thuế VAT chiếm tỷ trọng lớn trong thuế gián thu, làm tăng giá sản phẩm, nên thuế VAT sẽ là một trong những nguyên nhân tác động lớn đến giá cả thị trường. Vì vậy nó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho mặt bằng giá tăng phổ biến, tức tác động đến lạm phát.

Với các nước châu Âu, khi điều chỉnh thuế VAT, dứt khoát giá thị trường sẽ kéo lên. Còn với chúng ta khi điều chỉnh thuế VAT chắc chắn phải có lộ trình, bước đi phù hợp chứ không thể tăng như vậy được.

Cảm ơn ông.

“Ngoài thu còn bỏ sót, trốn lậu thì nợ đọng thuế còn lên tới trên dưới 70 nghìn tỷ đồng. Tất nhiên, con số này là lũy kế của nhiều năm. Tôi cũng hiểu trong cơ cấu thu đó, nhiều doanh nghiệp không thu được, tức là “chết rồi nhưng chưa chôn được”. Nhưng trong số 70 nghìn tỷ đó, khoảng 50% là thu được. Nếu làm quyết liệt hơn nữa, số thu này cũng đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước”.

TS Bùi Đức Thụ

“Người giàu mua nhiều thì đóng thuế VAT vào nhà nước lớn, còn người nghèo chi mua tiêu dùng ít thì đóng góp nhỏ, nhưng vẫn đóng theo luật bình quân 10%. Nghĩa là, điều chỉnh thuế VAT tăng sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân, trong đó có cả người nghèo”.

TS Bùi Đức Thụ

MỚI - NÓNG