Ðòi nợ kiểu "giang hồ"
Trong số nhiều nạn nhân, bà P. (56 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM) thường xuyên bị đe dọa, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng cả gia đình, bà buộc phải tố cáo hành vi của nhóm giang hồ cho vay nặng lãi.
Cụ thể, tháng 11/2017, bà P. cần một số vốn để phục vụ trong việc kinh doanh, bà lên mạng xã hội và gặp một người tên Duy trò chuyện. Sau đó, Duy giới thiệu bà P. gặp Hoàng Quốc Tuấn và Khánh “kều” để vay vốn. Qua thẩm định tài sản cố định, Tuấn cho bà P. vay 500 triệu đồng, còn Khánh “kều” cho vay 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả ba không làm hợp đồng vay vốn mà làm hợp đồng mua xe trả góp. Tất cả giấy tờ liên quan đều được Tuấn và Khánh “kều” giữ.
Từ tháng 11/2017 đến giữa năm 2018, bà P. đưa Tuấn và Khánh khoảng 5 tỷ đồng nhưng vẫn còn nợ 3 tỷ đồng. Thấy bà P. không có khả năng chi trả số tiền nợ trên, Duy tiếp tục giới thiệu “nạn nhân” vay 500 triệu đồng của Nguyễn Huy Long (ngụ quận Tân Phú), đến thời điểm hiện tại, Long nhận của bà P. khoảng 3 tỷ đồng. Khủng khiếp hơn, khi số tiền nợ còn lại 100 triệu đồng, Long buộc nạn nhân trả 3 triệu đồng/ngày để câu lưu thời gian và tiếp tục giới thiệu Phạm Văn Khu cho bà P. vay 500 triệu đồng.
Một nạn nhân bị băng nhóm cho vay nặng lãi đe dọa, khủng bố và hành hung. Ảnh: Ðình Du.
Thời gian vay đến khi công an phát hiện, bà P. đã trả cho Khu gần 3 tỷ đồng và còn nợ 474 triệu đồng. Khi con nợ cạn kiệt, Khu giới thiệu bà P. vay Lê Chí Thắng 200 triệu đồng và trả Thắng gần 1 tỷ đồng nhưng vẫn còn nợ 36 triệu đồng. Khi thấy “con mồi” mất khả năng chi trả, các đối tượng nói trên cho người đến gia đình và các cơ sở làm ăn của bà P. khủng bố tinh thần, dọa chém giết… để đòi số tiền còn lại.
Chiều 17/7, hai trong 5 đối tượng nói trên yêu cầu bà P. phải ra quán cà phê trên đường Lê Trọng Tấn (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) đóng 200 triệu đồng. Tại đây, Tuấn và Long vừa nhận tiền thì bị các trinh sát Công an quận Tân Phú bắt giữ.
Còn anh B. (36 tuổi, quê Ðà Nẵng) cũng từng có ít nhất hai lần thực hiện ý định tìm đến cái chết bởi “dây” với đám cho vay nặng lãi. Từ một người có công việc ổn định nhưng vì “ham vui” với bạn bè, B. dính vào cá độ bóng đá và cờ bạc. Chỉ nửa năm trượt dài, B. “ôm” khoản nợ gần nửa tỷ đồng.
Minh họa: Khều.
Thủ đoạn tinh vi
Theo Lộc “điên”, một tay anh chị từng liên quan đến tín dụng đen đã “gác kiếm” kể vanh vách các băng tín dụng đen có cả công ty hoạt động hợp pháp, thực ra là núp bóng cho vay nóng tinh vi, đó là thủ đoạn trực tiếp chăn dắt nạn nhân vào tròng. Bên cạnh đó, các băng nhóm hiện nay còn nhận thêm các hợp đồng đòi nợ thuê thường thì 30 - 50% số tiền đòi được hay mua “đứt” nợ rồi “tự lực cánh sinh” đi gặp con nợ để đòi.
Cũng theo Lộc, quá trình đòi nợ thuê của các băng nhóm hiện nay được thực hiện rất bài bản, có kế hoạch và khó dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật mà vẫn "hiệu quả". Giang hồ cho vay nặng lãi, tín dụng đen thì có “trăm phương ngàn kế” bẩn. Ðối với những con nợ khó đòi thì phải… ra tay mạnh, việc đâm chém, gây thương tích cho thành viên nào đó trong gia đình để gây áp lực đối với con nợ là bình thường. Tuy nhiên, giang hồ đòi nợ thuê ngán nhất là đụng phải con nợ có “bảo kê” của các băng nhóm cùng nghề. Thường thì băng nào có địa bàn của băng đó hẳn hoi, nếu chẳng may “đụng mặt” thì sẵn sàng… huyết chiến...
“Tín dụng đen” như “cướp ngày”
Tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi là mầm mống của tội phạm, rất phức tạp. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại cũng sử dụng “tín dụng đen” để hoạt động; vay nóng có ngay, còn ngân hàng thì thủ tục khó khăn. “Tín dụng đen” đi liền sau đó là tội phạm hình sự. Hầu hết cơ sở cho vay “tín dụng đen” đều yêu cầu người vay thế chấp nhà cửa đất đai, ruộng vườn. Nếu một hai tháng không trả được là giở giấy cam kết ra, như đi cướp ngày, nhiều người dân rất bức xúc…
Từ “tín dụng đen” cũng nảy sinh trộm cắp, cướp, giết người. Theo báo cáo của tỉnh Gia Lai, 6 tháng đầu năm 2018 tình trạng mua nợ hàng hoá, vay tiền lãi suất cao phát triển mạnh. Hiện đã có 509 đầu mối cho vay tiền, lãi suất 2-5%, hơn 9.000 người dân dân tộc thiểu số ở địa phương vay để làm nhà, chữa bệnh… Nhiều trường hợp đi vay rơi vào hoàn cảnh nợ nần, không có khả năng trả. Hay vụ đánh bạc vừa qua cũng thế. Riêng trong mùa World Cup có 49/63 địa phương phát hiện, triệt phá các vụ cá độ bóng đá, thu hút nhiều người thuộc nhiều thành phần tham gia, số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Bộ Công an đã triệt phá 405 vụ, thu hàng nghìn tỷ đồng tiền mặt. Sau cờ bạc cũng tiềm ẩn nảy sinh các tội phạm hình sự trộm cắp, cướp của, giết người.
(Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống tội phạm của Chính phủ ngày 26/7).
Văn Kiên