Thủ tướng muốn đưa Việt Nam trở thành con hổ kinh tế của Châu Á

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại đối thoại chính sách cấp cao
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại đối thoại chính sách cấp cao
TPO - Đó là mục tiêu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại đối thoại chính sách cấp cao (thuộc Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018) diễn ra chiều 11/1 tại Hà Nội.

Theo người đứng đầu Chính Phủ, dù năm 2017 Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất trong Đông Nam Á nhưng phải nhìn nhận các thách thức trung và dài hạn như chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động kém.

Trước những thách thức đó, Thủ tướng yêu cầu cơ quan quản lý cần nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và nâng cao chỉ số về môi trường. Đồng thời, góp phần tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam với các biến động lớn và giúp người dân có cuộc sống tinh thần, vật chất tốt hơn.

Theo Thủ tướng, thời gian tới, Việt Nam kiên trì thay đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, sáng tạo, giảm tỷ lệ dựa vào nhân công giá rẻ, khai thác khoáng sản. Chúng ta phải làm sao để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Hai mục tiêu này gần như mâu thuẫn nhưng các nước xung quanh đạt được như Nhật Bản đã đạt được, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm để thực hiện.

Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần tập trung vào 3 đòn bẩy gồm: năng lượng xanh và phát triển bền vững; cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh công nghiệp hoá và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là tín dụng và thương mại.

“Tăng trưởng và phát triển là cuộc chạy đua marathon đường trường, không phải chạy đua nước rút. Thành quả kinh tế năm 2017 giúp chúng ta tự tin hơn trong tái cơ cấu, tăng trưởng để tạo nền móng vững chãi cho tăng trưởng kinh tế dài hạn. Chúng ta cần nỗ lực để phấn đấu đưa Việt Nam trở thành con hổ kinh tế của Châu Á”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Chính Phủ, với sự tăng trưởng GDP 6,81% vào năm 2017 đã giúp kéo giảm nợ công xuống 61%, giảm so với năm 2016 (ở mức 64,5%).

Tham gia buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế trung ương cho rằng, chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, yếu kém và tập trung giải quyết. Tiêu biểu như chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, mức độ cải thiện của năng suất tổng hợp TFP có dấu hiệu giảm sút, năng suất lao động chưa cao.

“Để đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả, Việt Nam cần xây dựng một nền công nghiệp năng lượng bền vững, tin cậy với giá cả hợp lý, đảm bảo môi trường. Nếu tháo gỡ  được các khó khăn trên,chúng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn”, ông Bình cho biết.

MỚI - NÓNG