Nợ công gia tăng áp lực: Nhiều dự án được bảo lãnh sắp phá sản

TP - Nợ công trong năm 2018 cơ bản được kiểm soát an toàn, song chưa bền vững khi mới bố trí trả lãi, chưa trả được gốc, nhiều đại dự án thua lỗ. Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung tái cơ cấu các khoản nợ, phát triển thị trường vốn trong nước, kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài.

Nhiều dự án được bảo lãnh sắp phá sản

Tại buổi họp báo chuyên đề về tình hình nợ công năm 2018 ngày 7/6, Bộ Tài chính cho biết, năm qua, Chính phủ đã huy động vốn vay trong nước 250,5 nghìn tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi ngân sách trung ương và trả nợ gốc, đạt khoảng 91% so với kế hoạch và chiếm 78% cơ cấu vay vốn của Chính phủ. Trong đó kênh phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Đối với vay nước ngoài, trong năm 2018 giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ khoảng 3.010 triệu USD, chiếm 21% cơ cấu huy động vốn của Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, các chỉ tiêu nợ đảm bảo trong giới hạn là do nền tảng vĩ mô khởi sắc, tăng trưởng GDP vượt kế hoạch và đạt mức cao nhất trong 11 năm qua. Điều hành chính sách tài khóa đạt được nhiều thành quả khả quan, thu cân đối ngân sách ước vượt 7,8% so với dự toán, dự kiến bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) thấp hơn so với dự toán là 3,7% GDP, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ. Bên cạnh đó, giải ngân vốn ODA, ưu đãi nước ngoài chậm hơn dự kiến và biến động tỷ giá được kiểm soát tốt đã góp phần giảm quy mô nợ nước ngoài của Chính phủ khi quy ra đồng Việt Nam.

Đáng chú ý, báo cáo Quốc hội mới đây, Chính phủ đã cập nhật tình hình của Quỹ tích lũy trả nợ. Quỹ này được thành lập nhằm đảm bảo khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại và dự phòng rủi ro phát sinh từ việc cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ.

Theo báo cáo, số dư của Quỹ tích lũy trả nợ tính đến 31/12/2018 tương đương 82.680 tỷ đồng. Thế nhưng, trong năm 2018, Quỹ tích lũy trả nợ phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty Giấy Việt Nam với số tiền 7,61 triệu EUR (tương đương 8,13 triệu USD), nâng tổng trị giá ứng trả lên 82,6 triệu EUR (tương đương khoảng 97 triệu USD). Tuy nhiên, đến hết năm 2018, Bộ Công Thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn chưa thể xử lý xong tài sản dự án Nhà máy Giấy Phương Nam để thu hồi cho Quỹ Tích lũy trả nợ.

Dự án nhà máy giấy Phương Nam (thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam quản lý) là một trong 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công Thương. Dự án này đã đắp chiếu từ lâu và 3 lần bán đấu giá nhưng không ai mua. Trong năm 2017, Chính phủ phải cho dự án này vay để trả nợ 182 tỷ đồng.

Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, cho hay, hiện Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ Công thương xử lý, làm các thủ tục phá sản, bán đấu giả để thu hồi vốn, hoàn lại một phần tiền cho Quỹ tích lũy trả nợ.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong năm 2018, đã cấp bảo lãnh Chính phủ cho 2 dự án điện tổng trị giá 1,6 tỷ USD. Trả lời câu hỏi hai dự án này đã được đánh giá mức độ rủi ro khi cho vay vốn chưa?,ông Vũ Đức Hội, Vụ phó Vụ NSNN cho biết hai dự án điện gồm dự án Nhà máy điện Vĩnh Tân 4 mở rộng của EVN và dự án Nhiệt điện sông Hậu 1 của PVN, được Thủ tướng cho chủ trương bảo lãnh trước khi Luật Quản lý nợ công 2017 có hiệu lực. Việc đánh giá hiệu quả của dự án, theo ông Hội do Bộ Công thương thẩm định, các ngân hàng cũng đã đánh giá rủi ro, xem có hiệu quả mới cho vay.

Nợ công gia tăng áp lực: Nhiều dự án được bảo lãnh sắp phá sản ảnh 1 Ðại diện Bộ Tài chính trao đổi với báo chí quanh các vấn đề xử lý nợ công.  Ảnh: Tuấn Nguyễn

Làm gì với các khoản nợ đến hạn?

Tại báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Tài chính đánh giá tình hình nợ công đã được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn, các mức dư nợ đều thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, tỷ lệ nợ công Việt Nam đã giảm xuống dưới 60% GDP, ở mức 58,4% GDP và cũng là mức thấp nhất ba năm qua. Theo tính toán, với quy mô kinh tế năm 2018 khoảng 5,5 triệu tỷ đồng, nợ công ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ đồng. Bình quân mỗi người dân Việt Nam gánh hơn 32 triệu đồng nợ công tới hết năm 2018.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, chưa thể nói nợ công đã thực sự an toàn, bền vững khi mới bố trí trả lãi, chưa trả được gốc. Khi đầu vào là tiền vay đã quản lý chặt chẽ, song đầu ra là các dự án đầu tư, xây dựng từ ngân sách, trái phiếu, ODA vẫn còn nhiều băn khoăn về tính hiệu quả.

Bình luận về nhận định này, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế, sự an toàn của nợ công được đánh giá dựa trên một số chỉ tiêu cụ thể, trong đó quan trọng nhất là quy mô nợ công/GDP và khả năng trả nợ.

“Một số vấn đề đặt ra đang có tác động đến sự an toàn của nợ công tại Việt Nam. Đó là việc các khoản vay sắp đến hạn trả. Ví dụ, nhiều khoản vay trong nước cơ bản sẽ đến hạn sau 5 năm vay, tức là 2020- 2021 tới đây; một số khoản vay ODA, kể cả có lãi và không lãi cũng đến hạn phải trả nợ gốc vào năm 2020,…làm gia tăng áp lực trả nợ vào thời gian tới”, ông Hiển dẫn chứng.

Bên cạnh đó, khi được công nhận là nước có thu nhập trung bình, theo ông Hiển, Việt Nam không được hưởng các khoản vay ưu đãi nhiều nữa, chưa kể một số khoản vay phải chịu lãi suất thả nổi với nhiều rủi ro; ngoài ra là rủi ro tái cấp vốn, tăng nghĩa vụ trả nợ,…

Một số thách thức khác trong báo cáo của Bộ Tài chính cũng đã đề cập là rủi ro tái cấp vốn tập trung vào các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm, điều này sẽ tác động đến việc bố trí nguồn trả nợ trong cân đối ngân sách Nhà nước.

Về giải pháp, thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung tái cơ cấu các khoản nợ để giãn đỉnh nợ, tránh việc trả nợ dồn vào một thời điểm, tác động đến cân đối ngân sách. Bộ này cũng tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn.

Theo Bộ Tài chính, dự kiến nợ công năm 2018 là 58,4% GDP (mục tiêu là từ 65% trở xuống). Nợ Chính phủ là 50% GDP (mục tiêu là từ 54% trở xuống). Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ, thu ngân sách là 15,9% (mục tiêu từ 25% trở xuống). Nợ nước ngoài quốc gia là 46% GDP (mục tiêu từ 50% trở xuống)...

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.