> Những thương hiệu Việt bị xóa sổ năm qua
Thời hoàng kim của thương hiệu Việt
Ngay từ thời còn Pháp thuộc, người Việt Nam không ai là không biết đến tên tuổi của thương gia Trương Văn Bền và đi liền với nó là thương hiệu sản phẩm “xà phòng Cô Ba” nổi tiếng.
Không chỉ nổi tiếng khắp ba miền Bắc Trung Nam mà thương hiệu xà phòng Cô Ba còn nổi danh ở xứ Miên, Lào… Ở trong nước, thương hiệu xà phòng Cô Ba còn đánh bật cả xà phòng của người Tàu để chiếm lĩnh tới 70% thị phần tiêu thụ.
Xà phòng Cô Ba - thương hiệu nổi tiếng của người Việt Nam một thời. |
Trong mấy chục năm liền từ khi ra đời năm 1932 đến trước những năm 90 sản phẩm xà phòng Cô Ba tung hoành trên thị trường với mức tiêu thụ “khủng” đến 600 tấn/tháng. Trải qua nhiều thời gian, thương hiệu xà phòng Cô Ba thuộc về công ty bột giặt Phương Đông.
Không có thời gian hoành hành thị trường dài như xà phòng Cô Ba nhưng kem đánh răng Dạ Lan cũng là thương hiệu Việt “lẫy lừng” một thời đối với người tiêu dùng Việt Nam. Ra đời từ năm 1988 kem đánh răng Dạ Lan là kết quả hợp tác giữa kỹ sư Lưu Trung Nghĩa và Cơ sở sản xuất Sơn Hải (tiền thân của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Sơn Hải).
Là sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp túi tiền người Việt Nam thời bấy giờ kem đánh răng Dạ Lan không chỉ được tiêu thụ mạnh tại các vùng đô thị lớn, mà còn len lỏi được đến tận các vùng nông thôn từ Miền Nam đến tận miền Bắc.
Với một đất nước gặp nhiều khó khăn khi trong các cuộc chiến tranh, người dân Việt Nam thời đó có thể tự hào về nền công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng bước đầu đã có thành công nhất định với những thương hiệu đi vào đời sống người Việt.
Hậu những thương vụ chuyển nhượng “khủng”
Mặc dù có sức ảnh hưởng rộng lớn ở thị trường Việt Nam lúc bấy giờ, tuy nhiên sau một thời gian gây tiếng vang và tạo được chổ đứng đối với người tiêu dùng thì những danh thương hiệu một thời tạo được danh tiếng cho nền sản xuất công nghiệp tiêu dùng Việt Nam lại không đủ sức để vượt qua sự xâm lấn của các công ty nước ngoài.
Minh chứng cho điều này là hầu hết những thương hiệu Việt lẫy lừng một thời đều trở nên yếu thế rồi mất dần danh tiếng vào những năm 90.
Thời kỳ mà đất nước bắt đầu chuyển mình lớn mạnh thu hút nhiều đầu tư từ các công ty, tập đoàn nước ngoài.
Một khi các công ty, tập đoàn lớn đặt chân vào Việt Nam, điều tất yếu họ mang theo công nghệ lẫn nguồn vốn hùng hậu để thâu tóm và chiếm lĩnh thị trường Việt.
Trong chiến lược chiếm lĩnh thị trường Việt mà điều cốt lõi là định hướng thị hiếu người Việt, các tập đoàn lớn đã nhắm sẵn vào các thương hiệu vốn đã có chổ đứng vững vàng trong đại bộ phận người tiêu dùng Việt.
Vào thời điểm đó, khi thông tin tập đoàn Unilever (tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng của Anh và Hà Lan ) mua thương hiệu P/S với giá chuyển nhượng lên tới 5 triệu USD đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nước giật mình, bởi ở thời điểm bấy giờ đó là một thương vụ nhượng quyền kinh doanh “khủng” đối với một thương hiệu Việt.
Kem đánh răng Dạ Lan đã từng chiếm lĩnh 60% thị phần ở thị trường Việt Nam. |
Tuy nhiên, ít ai biết được rằng những tập đoàn tư bản lớn như Unilever khi bước chân vào một thị trường mới là đã nhắm sẵn con mồi của mình.
Đặc biệt với một thị trường non trẻ như Việt Nam lúc bấy giờ việc hợp tác cùng sử dụng thương hiệu được người Việt tin dùng với giá đó là quá rẻ so với cái giá quá đắt mà sau này Công ty hóa phẩm P/S mới nhận ra khi thương hiệu P/S cuối cùng cũng bị Unilever thâu tóm khi chủ nhân sang lập ra nó không đủ tiềm lực để “chạy đua” cùng một tập đoàn lớn cả về tiềm năng lẫn tiềm lực.
Không riêng gì thương hiệu P/S mà ngay với sản phẩm cùng loại là kem đánh răng Dạ Lan cũng trong tình trạng tương tự.
Sau khi ký hợp tác cùng kinh doanh với công ty Colgate Palmolive với trị giá 3 triệu USD. Thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan cũng dần mất đi thị phần trên sân nhà.
Và cuối cùng là thua lỗ triền miên, dẫn đến việc phải bán tháo thương hiệu hoàn toàn cho Colgate Palmolive vào năm 1998 để rồi vắng bóng trên thị trường trong thời gian dài.
Riêng với thương hiệu P/S, dù danh tiếng thương hiệu vẫn còn đến hiện nay, tuy nhiên Công ty hóa phẩm P/S đã không còn quyền sử dụng thương hiệu của mình. Bởi đến nay liên doanh P/S ELISA đã trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Có thể thấy, sau những thương vụ nhượng quyền thương hiệu và hợp tác kinh doanh với giá trị khủng, các thương hiệu Việt đã nhanh chóng lép vế và chết yểu ngay trong “trứng nước” trước sự bủa vây của các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài.
Theo Thuỳ Trang
Petrotimes