Giá điện tăng theo giá than
Tại tọa đàm “Điều chỉnh giá điện, góc nhìn từ nhiều phía” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 21/3, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lý giải về nguyên nhân tăng giá điện lên 8.36% từ ngày 20/3:
Do giá than điều chỉnh đã tác động đến giá mua điện của EVN. Cụ thể, giá thành sản xuất than tăng nên Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty than Đông Bắc có kế hoạch điều chỉnh giá than. Đầu năm nay, giá than tăng 5% dẫn tới chi phí sản xuất điện tăng thêm 5.000 tỷ đồng.
Ông Tri cho rằng, lượng than trong nước hiện không đủ cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện, nên phải nhập khẩu thêm than. Do chi phí nhập khẩu than cao hơn trong nước, làm giá thành sản xuất điện của EVN tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng cũng dẫn tới chi phí giá điện tăng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), trước khi điều chỉnh, giá điện Việt Nam thấp hơn cả Lào và Campuchia. Sau khi điều chỉnh, giá điện tại Việt Nam bằng với các nước nêu trên và bằng 91% giá điện bình quân của nhiều nước trên thế giới, lần điều chỉnh này (tăng 8,36% từ 20/3) là đúng lộ trình. Tuy nhiên, nhìn nhận từ góc độ chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực trường đào tạo cán bộ BIDV nói rằng:
“Mọi so sánh đều khập khiễng, vì mỗi nước có đặc thù, cách thức sản xuất kinh doanh, văn hóa khác nhau. Mặc dù ông Nguyễn Anh Tuấn nói đã rõ nhưng chúng ta phấn đấu để giá điện càng thấp hơn càng tốt vì đó là lợi ích cho người dân”.
TS Lực cũng nhấn mạnh, vấn đề người dân quan tâm là tổn thất điện năng. Khách quan mà nói, ngành điện đã có nhiều cải tiến trong thời gian vừa qua. Và mức tổn thất đã giảm. So với các nước, chúng ta đã giảm tổn thất 8-9%. Tuy nhiên còn phải so sánh thêm với mặt bằng giá cả.
Minh bạch cơ cấu giá để dân giám sát
Theo lãnh đạo EVN, khi giá điện tăng 8,36%, EVN dự kiến sẽ thu về thêm hơn 20.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo EVN cũng cho biết, số tiền này sẽ được dùng để thanh toán các chi phí đầu vào tăng thêm hằng năm. Trong đó, chi phí cho than là hơn 7.000 tỷ đồng, chi phí chênh lệch tỷ giá khí trong bao tiêu là gần 6.000 tỷ đồng và gần 3.800 tỷ đồng thanh toán chênh lệch tỉ giá cho các nhà đầu tư không thuộc EVN.
Bên cạnh đó, 20.000 tỷ đồng thu trên cũng sẽ được trích ra để thanh toán bổ sung cho các nhà đầu tư về quyền khai thác nguồn tài nguyên nước, cùng một số chi phí phát sinh khác mà EVN đã tính toán.
Bình luận về việc tăng giá điện, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, dù người dân, doanh nghiệp không ai muốn tăng giá nhưng có lẽ đã đến lúc giá điện phải điều chỉnh, giúp các doanh nghiệp phải tìm cách cải thiện công nghệ.
Tuy nhiên, ông Lực cũng băn khoăn về tình trạng độc quyền của ngành điện hiện nay. Ông Lực cho rằng, ngành điện cần phải minh bạch hơn, cạnh tranh hơn để người dân nắm bắt và giám sát các nguồn thu, chi, giá cả một cách rõ ràng.
“Mỗi EVN minh bạch vẫn không đủ. Các doanh nghiệp khác hiện đang chiếm 44 % nguồn điện của toàn nền kinh tế cũng phải minh bạch thì mới đồng bộ. Minh bạch hóa cả đầu vào, cả đầu ra”, ông Lực cho biết.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cũng cho rằng, ngành điện phải minh bạch hơn về cơ cấu giá để các bên giám sát. Chỉ khi có giám sát hiệu quả, lúc đó mới có áp lực cũng như công cụ đánh giá khách quan.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết ngành điện cũng đang thực hiện công khai, minh bạch trên cơ sở định kỳ hằng tháng và quý cập nhật thông số đầu vào, chênh lệch tỉ giá... Hằng năm, EVN phải thuê kiểm toán độc lập với sự tham gia của một số bộ ngành, cơ quan Quốc hội, Hội Bảo vệ người tiêu dùng...
Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN công khai điều chỉnh giá điện, áp giá đúng đối tượng, mở chiến dịch vận động người dân và khách hàng sử dụng tham gia chương trình quản lý nhu cầu, sử dụng tiết kiệm điện...