Giá điện tăng 8,36%, cách tính theo bậc thang thế nào?

Giá điện tăng 8,36%, cách tính theo bậc thang thế nào?
TP - Giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc, theo cách tính lũy tiến, bậc cao nhất có giá 2.927 đồng/kWh. Theo tính toán, với giá điện tăng 8,36%, CPI năm 2019 sẽ tăng trong khoảng 3,3-3,9%.

Chiều 20/3, tại cuộc họp báo thông tin về tăng giá điện lên 8,36% (từ 20/3), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết EVN sẽ thu về khoảng 20.000 tỷ đồng, nhưng cũng phải chi tới khoảng 20.000 tỷ đồng do giá than và chênh lệch tỷ giá. Việc tăng sẽ giá điện sẽ tác động đế nhiều đối tượng, hộ thấp nhất khoảng 7.000 đồng/tháng.
Bộ Công Thương cho biết, mức giá bán lẻ điện bình quân áp dụng từ ngày 20/3/2019 là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Mức giá này cao hơn giá bán lẻ bình quân hiện hành là 143,79 đồng/kWh, tăng tương đương 8,36%.

Bộ này cũng ban hành bảng giá bán điện cho các nhóm khách hàng, trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc, theo cách tính lũy tiến, bậc cao nhất có giá 2.927 đồng/kWh. Theo tính toán, với giá điện tăng 8,36%, CPI năm 2019 sẽ tăng trong khoảng 3,3-3,9%, vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, hiện cả nước có khoảng 25,8 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt, tính theo 6 bậc thang.

Theo đó, với bậc 1, khách hàng sử dụng dưới 50kwh, giá điện sẽ tăng khoảng 8,3% (khoảng 7.000 đồng/tháng). Bậc 2 (từ 50 đến 100 kWh), khách hàng phải trả thêm hàng tháng khoảng 14.000 đồng (tăng khoảng 8,4%).
Với bậc 3 (sử dụng dưới 200 kWh), khách trả thêm 31.600 đồng; khách hàng sử dụng đến 300kWh/tháng (bậc 4) sẽ tăng chi phí 53.100 đồng/tháng, đến 400 kWh (bậc 5) sẽ trả thêm 77.200 đồng/tháng.

Trong số 25,8 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, khách hàng sử dụng điện dưới 100 kWh chiếm 35,8% (khoảng 9,22 triệu hộ); hộ sử dụng trên 300kWh chiếm chưa đến 15% và trên  400 kWh chiếm khoảng 7%.

“Việc tính giá điện bậc thang là cần thiết. Các hộ nghèo, hộ chính sách vẫn được hỗ trợ 50.340 đồng/tháng. Hiện cả nước có 2,11 triệu hộ nghèo, hộ chính sách, mỗi năm ngân sách đều hỗ trợ tiền điện cho các đối tượng này 1.274 tỷ đồng”- ông Tuấn nói.

Với các hộ dùng điện cho kinh doanh (khoảng 443.000 hộ), sẽ phải chỉ trả binh quân thêm 500.000 đồng/khách hàng mỗi tháng. 

Theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, cả nước có hơn 1,4 triệu khách hàng sản xuất. Với mức tăng trên, bình quân mỗi tháng một hộ phải trả 12,39 triệu đồng, tăng thêm 869.000 đồng/hộ.

MỚI - NÓNG