Dự thảo Luật Thuế tài sản: Cần minh bạch thu chi, tránh trùng lặp

Thuế tài sản làm giảm thu nhập và giảm chi tiêu hộ gia đình
Thuế tài sản làm giảm thu nhập và giảm chi tiêu hộ gia đình
TP - Ða số các chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật Thuế tài sản cần cụ thể hóa thành một loại thuế, có bản chất liên quan đến tài sản, tránh áp thuế trùng với các luật thuế khác tương tự. Ngoài ra, phải xác định rõ mục đích, minh bạch thu chi.

Lo giảm thu nhập và chi tiêu các gia đình

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức “Hội thảo khoa học khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở
Việt Nam”.

Nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Việt Cường (Viện Nghiên cứu phát triển Mekong) cho hay, đã tính toán mức độ ảnh hưởng của Luật Thuế tài sản lên phúc lợi hộ gia đình dựa trên số liệu “Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2016” do Tổng cục Thống kê điều tra với mẫu 9.399 hộ gia đình trên cả nước.

Theo đó, nhóm đưa ra 3 ngưỡng tính thuế nhà khác nhau, từ 700 triệu đồng, 1 tỷ đồng, 2 tỷ đồng; tương ứng với các mức thuế suất 0,3% và 0,4%.

Với ngưỡng 700 triệu đồng (do Bộ Tài chính đề xuất trước đây), nếu thuế suất 0,3% thì mức thuế tài sản mỗi hộ phải nộp là 978 nghìn đồng, kéo theo mức chi tiêu của hộ gia đình giảm đi 638 nghìn đồng; Nếu thuế suất là 0,4% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,3 triệu đồng, mức chi tiêu giảm đi 851 nghìn đồng. Với phương án này, mỗi năm ngân sách thu được gần 30.000 tỷ đồng...

“Kết quả nghiên cứu cho thấy, phương án thuế suất 0,3% và ngưỡng chịu thuế 2 tỷ đồng đối với nhà ở có tác động nhỏ nhất với hộ gia đình. Phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng chịu thuế 1 tỷ đồng đối với nhà ở có tác động nhỏ hơn đến các hộ gia đình nhưng vẫn duy trì được doanh thu thuế cao”, TS Cường nhận định.

Trên cơ sở đó, TS Cường đề xuất ngưỡng chịu thuế nhà 2 tỷ đồng. Nếu rút xuống 1 tỷ đồng, theo ông Cường cũng là một phương án hợp lý vì vừa đảm bảo thu thuế, vừa ít tác động hơn phương án do Bộ Tài chính đưa ra.

Phân theo các tiêu chí giới tính, độ tuổi, học vấn, nhân khẩu, dân tộc…nhóm nghiên cứu chỉ ra thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập khả dụng (giảm 0,9%), giảm chi tiêu thực tế (giảm 0,7%).

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng nếu thuế tài sản được ban hành như dự thảo hiện nay sẽ giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình.

Cần làm rõ các khoản chi từ thu thuế

Theo các chuyên gia, thuế tài sản thực ra không phải là sắc thuế mới mà nó đã được “đánh” ở Việt Nam từ rất lâu, thông qua Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, đóng góp của sắc thuế này vào ngân sách nhà nước không đáng kể.

Tại Việt Nam, theo ông Cường, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ đóng góp 0,03 - 0,06% GDP mỗi năm. Vai trò với ngân sách địa phương cũng khiêm tốn, chỉ chiếm 5-7% thu ngân sách địa phương, nhiều nơi chỉ 2%.

Vị chuyên gia cho rằng, sở dĩ Dự thảo luật thuế tài sản bị phản ứng là do cơ sở tính thuế. “Ta muốn áp trên giá Nhà nước nên cơ sở tính thuế thấp. Trên thế giới hầu hết áp dụng giá tính thuế theo giá thị trường” - PGS Vũ Sỹ Cường nêu quan điểm.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia Tài chính, Dự thảo luật thuế tài sản chỉ nên thu thuế đất ở chứ không thu thuế nhà ở bởi khoản này không đáng kể. “Nếu thu đủ như dự thảo (ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng và thuế suất 0,4%), ngân sách thu về mỗi năm 30.000 tỷ đồng sẽ chẳng bõ bèn gì so với tổng số tiền thu thuế 1 triệu tỷ đồng và tổng số GDP 6 triệu tỷ đồng mỗi năm hiện nay. Ngoài ra, thu thuế đất ở sẽ căn cứ dựa trên quy định của thành phố/tỉnh thành về giá đất, còn thu thuế nhà ở sẽ rất phức tạp, rắc rối (phải đàm phán bởi nhiều trường hợp nhà đã được đưa vào sử dụng 10 năm rồi, khấu hao tài sản ra sao, khác nào thuế đàm phán)”, vị chuyên gia phân tích thêm.

TS Nguyễn Ðức Thành cho rằng, cần cụ thể hóa thành một loại thuế nào đó, có bản chất liên quan đến tài sản, không để chung chung. Hơn nữa, việc thiết kế các luật thuế liên quan đến tài sản cần phải được xác định mục đích rõ ràng.

MỚI - NÓNG