Nếu không thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, chỉ đạo điều hành phân bố, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước thì việc tiếp tục tăng trưởng cao và bền vững là thách thức lớn.
Đó là đánh giá của Viện quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tại Hội thảo đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 tổ chức ngày 5/9.
Theo thống kê của CIEM, nước ta đang có trên 7.200 thủ tục hành chính (TTHC) trong khi chi phí tuân thủ TTHC tốn kém và có xu hướng tăng, nhất là lệ phí liên quan đến doanh nghiệp (DN).
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện và hoàn thành TTHC dây dưa, kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN. Tính bất hợp lý của công tác “Chứng nhận của chứng nhận” trong đăng ký kinh doanh (ĐKKD) và Thủ tục công bố hợp quy với sản phẩm, biến các thủ tục này thành thủ tục “xin-cho”. Quy định thường kèm theo điều kiện mập mờ gây khó khăn cho DN.
Trước thực trạng này, CIEM đề xuất bỏ thủ tục xác nhận đủ ĐKKD, “TTHC vẫn là trọng tâm là quan tâm của hoạch định chính sách của người dân và dư luận xã hội. Nút thắt này dường như càng cố gắng tháo gỡ càng thắt chặt. Nếu không bỏ được nút thắt, cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế nói chung sẽ gặp cản trở. Môi trường kinh doanh cho kinh tế số đáng lo ngại. Việt Nam vẫn bị xếp hạng thấp trong Asean”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
CIEM đề xuất các giải pháp để tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Thay vì nỗ lực tái cơ cấu dự án, DNNN thua lỗ, cơ quan chức năng cần tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện, tập trung đầu tư, hỗ trợ DN tốt, có tiềm năng phát triển. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào việc sử dụng vốn hiệu quả chứ không chỉ tập trung thu hút các nguồn vốn. Hiện nay, nhiều nguồn vốn ưu đãi như ODA thu hút được nhưng vướng mắc ở quá trình giải ngân, gây ra nhiều lãng phí. PGS.TS Vũ Sỹ Cương, Học viện Tài chính cho rằng, nền kinh tế đang không chỉ diễn ra bất cập khi việc phân bổ nguồn lực, sử dụng nguồn ngân sách công chưa minh bạch và thiếu hiệu quả.