Ðầu tư vì được hưởng giá cao suốt 20 năm
Tháng 11/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 11 công bố chính sách ưu đãi mức giá mua điện cao chưa từng có trong việc hút vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với mức 9,35 cent/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh (áp dụng trong 20 năm cho các dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành trước thời điểm ngày 31/6/2019). Điều này đã tạo làn sóng ‘hút’ hàng trăm doanh nghiệp với lượng vốn đầu tư lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng vào các dự án điện mặt trời trên cả nước.
Theo các chuyên gia, sự bùng nổ các dự án điện mặt trời chỉ diễn ra sau khi giá mua bán điện được công bố là 9,35 cent/kWh vào tháng 4/2017. Trước đó, loại năng lượng này chỉ gần như con số không tròn trĩnh. Số liệu từ cơ quan quản lý cho thấy, tổng công suất các dự án điện mặt trời đã đi vào hoạt động chỉ vỏn vẹn… 5 MW, trong đó, chỉ có 1 MW được nối lưới, 4 MW còn lại đặt ở vùng sâu, vùng xa, trên mái nhà.
Các nghiên cứu sơ bộ trước đó của Dự án Năng lượng Tái tạo và Tiết kiệm Năng lượng (4E) - dự án do Tổ chức Hợp tác Phát triển GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thực hiện- cho thấy, tổng tiềm năng kinh tế của các dự án điện mặt trời trên mặt đất tại Việt Nam đạt ít nhất 7 GW vào năm 2020. Tiềm năng này vượt xa mục tiêu quốc gia là 0,8 GW vào năm 2020.
Liên tục vỡ quy hoạch
Thực tế cho thấy, đến nay việc quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đang gặp rất nhiều khó khăn về việc đấu nối các dự án điện mặt trời vào hệ thống quốc gia. Ngoài ra do chưa xác định địa điểm dự án nên các cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển đồng bộ lưới điện ở các vùng miền.
Số liệu thống kê cho thấy, ở Bình Thuận hiện nay có gần 100 dự án điện mặt trời có công suất 4.000 MW, cao gấp 10 lần điện gió và vượt khá xa quy hoạch tổng sơ đồ điện VII. Chính điều này dẫn đến việc đồng bộ và triển khai không khớp nhau, kéo theo hệ lụy quá tải nghiêm trọng cho hệ thống mạng lưới điện của khu vực.
Với lợi thế rất lớn về nắng hạn quanh năm, Ninh Thuận được các nhà đầu tư đặc biệt ưa thích khi chọn là một trong những địa phương ưu tiên phát triển năng lượng sạch của cả nước. Các số liệu chưa đầy đủ cho thấy, Ninh Thuận đã có đến 30 dự án điện mặt trời. Tổng công suất 30 dự án lên đến 1.817 MW với tổng số vốn đầu tư là 50.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt . Tỉnh Ninh Thuận còn đang tiếp tục nghiên cứu khảo sát lập hồ sơ thêm 26 dự án phát triển điện lực của tỉnh, ước tính công suất toàn bộ lên 3.600 MW.
Với việc các dự án ồ ạt đổ bộ, cuộc cạnh tranh thâu tóm các “khu đất vàng” nhiều nắng, gió diễn ra ở nhiều địa phương như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Gia Lai, Hậu Giang, Quảng Ngãi…
Số liệu của Bộ Công Thương năm 2019 cho thấy, tính đến hết ngày 30/6/2019, thời điểm cuối cùng khi cơ chế giá điện của Quyết định 11 hết hiệu lực, cả nước có tổng cộng 87 dự án điện mặt trời đã hoàn tất và đưa vào vận hành với công suất gần 4.458,5 MW, đóng góp một nguồn rất lớn trong những tháng cuối năm 2019.
Cùng với việc hàng loạt dự án điện mặt trời được ồ ạt đưa vào hoạt động trong thời gian rất ngắn, có gần 260 dự án điện mặt trời với tổng công suất 28.300MW đang chờ để được đưa vào quy hoạch. Đến cuối năm 2019, các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, đã có khoảng 15.000 MW các dự án điện mặt trời được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện 7.
Việc các nhà đầu tư nội, ngoại ồ ạt đổ tiền với công suất đăng ký gấp cả chục lần so với mục tiêu đặt ra tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh với riêng điện mặt trời đã gây ra sức ép không nhỏ trong việc đầu tư hạ tầng và phá vỡ mọi quy định khi phải liên tục bổ sung dự án của cả ngành điện Việt Nam.
Lý giải về việc bùng nổ nhanh chóng (hơn 300 dự án điện mặt trời được đăng ký từ khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg) và phá vỡ Quy hoạch Phát triển Điện VII, đại diện Bộ Công Thương thừa nhận, chính sự hấp dẫn của mức giá mua điện mặt trời cao đã tạo ra thiếu đồng bộ giữa phát triển quá nóng, mất cân đối với hạ tầng và làm méo mó thị trường năng lượng tái tạo trong suốt năm 2019.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), trong tổng sản lượng điện khoảng 200 tỷ kWh được sản xuất từ đầu năm 2019 tới hết tháng 10/2019, phần đóng góp của điện mặt trời mới chỉ là 3,517 tỷ kWh, tức là mới chiếm 1,5% tổng sản lượng của cả hệ thống. Trong 5 tháng đầu năm, lượng điện sản xuất từ điện mặt trời chỉ chiếm khoảng hơn 7% lượng điện của cả hệ thống điện.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong cuộc trả lời Tiền Phong mới đây cho rằng, trong điều kiện các nguồn thủy điện được khai thác gần hết, thì việc phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là rất cần thiết và là xu thế của thế giới. Năng lượng mặt trời là dạng năng lượng “trời cho”, nhưng việc đầu tư không đồng bộ, không có cơ chế vận hành thích hợp, điện mặt trời có thể gây mất ổn định hệ thống điện, gây tụt áp, rã lưới...