Đức Huy (Hà Đông, Hà Nội) mới đầu tư sáu dàn máy đào tiền ảo được hơn ba tháng nhưng nay đã vội rao bán. Lý do anh "giải tán" thiết bị là vì giá các đồng tiền này lao dốc, việc "đào" ngày càng khó, trong khi đó, chi phí hoạt động lại tăng.
Thời điểm Huy mua "trâu" (máy đào), Bitcoin có giá khoảng 14.000 USD mỗi đồng, các loại tiền ảo khác như ETH, ETC, LTC... cũng được đà lên giá theo. Lợi nhuận ước tính từ một máy lúc đó lên đến 15 triệu đồng mỗi tháng. "Quá hấp dẫn, tôi đã mua 'trâu' với giá 80 triệu đồng mỗi máy, dù biết trước đó giá máy chỉ khoảng 50 - 55 triệu đồng", anh cho biết.
Huy đầu tư máy xong cũng là lúc tiền điện tử bắt đầu những tháng ngày lao dốc. Giá Bitcoin từ đỉnh gần 20.000 USD nhanh chóng "rơi tự do" xuống dưới 10.000 USD rồi về hơn 6.000 USD và làm "đổ máu" các đồng tiền ảo khác. Một số coin "rác" (đồng tiền mới, vốn hoá và giá trị thấp) mất giá ba đến hàng chục lần.
Hiện lợi nhuận ước tính từ một "trâu" RX470, RX570 đào đồng ETH, ETC... giảm còn khoảng 3 triệu đồng, sau khi đã trừ khoảng một triệu đồng tiền điện. "Giá coin liên tục giảm, độ khó khi đào lại không ngừng tăng nên một "trâu" đầu tư 70-80 triệu đồng nếu cứ thế này phải mất hai năm mới hoàn vốn", Huy nhẩm tính.
Quyết định bán đi nhưng do mua lúc "sốt" giá, lại là máy mới nên giờ mỗi "trâu" bán lại, Huy phải chịu lỗ 10-20 triệu đồng. "Bán được là tốt chứ cứ để tiếp rồi cũng không biết đi đâu về đâu. Bán để còn trả tiền vay bạn, vay ngân hàng", vợ Huy thở dài trong khi chồng xếp "trâu" lên ôtô cho người mua chở về Bắc Ninh.
Chẳng riêng người mới chơi, các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm cũng không khỏi "méo mặt" trong giai đoạn này. Thanh Bình (Gò Vấp, TP HCM) vừa phải trả 55 triệu đồng tiền điện cho 30 "trâu" của mình tháng qua. "Trước đây, mỗi tháng hết khoảng 33 triệu đồng tiền điện nhưng giờ phải chuyển sang điện kinh doanh, giá đắt gần gấp đôi", anh cho hay.
"Bây giờ giá coin mất một nửa, giá điện lại tăng gấp đôi nên lợi nhuận từ "trâu" giảm thê thảm", anh Bình nói. "Trước mắt, tôi tính bán một ít coin để trả tiền điện, số còn lại giữ rồi chờ lên giá mới bán. Mà chắc cũng phải quay lại nghề lái xe trước đây chứ không thể trông chờ tiếp vào nguồn thu này được".
Các bài rao bán "trâu" xuất hiện nhiều trong các nhóm thảo luận Facebook.
Trong các nhóm chuyên trao đổi về máy đào tiền ảo, nhiều người đã rao bán "trâu" với giá giảm cả chục triệu đồng so với cách đây vài tháng. Đặc biệt có nhiều bài đăng cho biết dàn máy mới dùng được 2-3 tháng, số lượng thiết bị lên đến vài chục dàn. Song song với đó, giá máy đào tiền điện tử loại mới cũng bắt đầu hạ nhiệt.
"Tiền điện tử là lĩnh vực có lợi nhuận hấp dẫn nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro", Quốc Trung, một nhà đầu tư với hơn ba năm kinh nghiệm, cho biết. "Không ít người mua 'trâu' khi giá 'sốt', đến khi lợi nhuận giảm hay có biến động tiêu cực thì vội bán, vậy là lỗ thêm lỗ". Nhà đầu tư này cho rằng người chơi cần tìm hiểu kỹ và chỉ nên dùng nguồn vốn có thể mất để chơi, tuyệt đối tránh vay mượn tiền.
Bộ Công thương đã có yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) áp dụng giá bán lẻ điện kinh doanh với khách hàng có hệ thống máy tính giải mã, khai thác tiền ảo. Hiện giá bán lẻ điện kinh doanh có mức khoảng 2.461 đồng một kWh vào khung giờ bình thường, giờ thấp điểm là 1.497 đồng một kWh và cao điểm tới 4.233 đồng. Trước đó, một số người "đào" được tính giá điện khoảng 1.800 đồng một kWh.
Máy đào tiền điện tử có cấu trúc như một chiếc máy vi tính nhưng được trang bị nhiều card đồ hoạ (VGA). Thông thường, một "trâu cày" dùng sáu VGA, loại "khủng" hơn có thể được lắp tám hoặc tới 13 card. Thiết bị được cho hoạt động liên tục nhằm giải mã chuỗi khối và được "trả công" bằng Bitcoin, Ethereum, Monero... hay các loại tiền điện tử khác.
Để "đào" khoẻ, VGA dùng cho "trâu" thường là các dòng card đời mới như AMD RX 470, RX 580... hay Nvidia 1060, 1070, 1080... của các thương hiệu MSI, HIS, Sapphire, Asus, Gigabyte... Đây cũng là thành phần đắt nhất của máy đào với giá từ 4 triệu đến vài chục triệu cho mỗi VGA. Trong khi đó các thành phần như ổ cứng, bo mạch chủ, chip xử lý... thì chỉ cần cấu hình bình thường.