10 tháng, vẫn chi hơn thu
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 10 ước đạt gần 137 nghìn tỷ đồng; Luỹ kế thu NSNN 10 tháng ước đạt hơn 1.100 nghìn tỷ đồng, bằng 85% dự toán năm, tăng 15% so cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, thu nội địa tháng 10 ước đạt 113 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 34 nghìn tỷ đồng so với tháng 9, chủ yếu do tháng 10 là thời điểm các doanh nghiệp (DN) kê khai, nộp các khoản thuế chế độ cho phép được thu theo quý (thuế thu nhập DN; Thuế giá trị gia tăng của DN có doanh thu dưới 20 tỷ đồng) phát sinh quý III/2018 chuyển nộp trong quý IV/2018.
Luỹ kế thu 10 tháng ước đạt 897 nghìn tỷ đồng, bằng 82% dự toán năm. Không kể các khoản như thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của DN nhà nước, thu hồi vốn NSNN đầu tư tại các tổ chức kinh tế và thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu nội địa còn lại ước đạt 682 nghìn tỷ đồng, bằng 79% dự toán năm, tăng khoảng 13% so cùng kỳ năm 2017.
Một nguồn thu quan trọng khác là dầu thô, thống kê của Bộ Tài chính luỹ kế thu 10 tháng mặt hàng này ước đạt 52 nghìn tỷ đồng, bằng 145% dự toán năm, tăng 37,5% so cùng kỳ năm 2017.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (NXK) 10 tháng ước đạt 253 nghìn tỷ đồng, bằng 90% dự toán năm, tăng 6,5% so cùng kỳ năm 2017.
Về chi ngân sách, theo thống kê, tổng chi NSNN tháng 10 ước đạt 114 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi NSNN 10 tháng đạt 1.103 nghìn tỷ đồng, bằng 72% dự toán năm, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 225 nghìn tỷ đồng; Chi trả nợ lãi đạt 88 nghìn tỷ đồng; Chi thường xuyên đạt 768 nghìn tỷ đồng.
Dẫu vậy, theo Bộ Tài chính, việc cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương vẫn được đảm bảo. Đến ngày 26/10/2018 đã thực hiện phát hành 141,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đáp ứng đủ nguồn để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của ngân sách Trung ương theo dự toán năm.
2 tháng thu 22.000 tỷ: vắt chân lên cổ
Để đạt chỉ tiêu định mức thu NSNN được giao, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tổ chức điều hành các giải pháp thu NSNN nhằm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ NSNN năm 2018. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thu trên địa bàn, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển giá, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế.
Được biết, đến hết tháng 10/2018, số thu NSNN của toàn ngành Hải quan đạt 254.160 tỷ đồng bằng 90% dự toán, bằng 87% chỉ tiêu phấn đấu, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2017.
Tại cuộc họp giao ban đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 10, triển khai chương trình công tác tháng 11 năm 2018 của Tổng cục Hải quan mới đây, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn yêu cầu 2 tháng cuối năm 2018 các đơn vị phải đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu, kiểm tra chặt chẽ việc khai báo và áp dụng các biểu thuế, mức thuế suất ưu đãi, tránh trường hợp gian lận giữa mức thuế suất thông thường và mức thuế suất ưu đãi. Cùng với đó là giám sát chặt chẽ, thực hiện đúng các quy định, các trường hợp hoàn thuế.
Trong số các đơn vị thu ngân sách của ngành Hải quan, Cục Hải quan TP.HCM là đơn vị chủ lực, đóng góp tới 35-40% số thu của toàn ngành. Cộng dồn từ đầu năm đến hết ngày 31/10/2018, Cục Hải quan TP.HCM đã thu nộp ngân sách 86.363 tỷ đồng, đạt 80% dự toán pháp lệnh.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Thuế XNK- Cục Hải quan TPHCM, do ảnh hưởng từ chính sách, trong 10 tháng 2018 đơn vị đã giảm thu 13.000 tỷ đồng. Trong đó, giảm thu 8.000 tỷ đồng từ các dòng thuế của 11 Hiệp định FTA; giảm thu từ mặt hàng ô tô nhập khẩu theo Nghị định 116 khoảng 3.600 tỷ đồng và giảm thu từ mặt hàng xăng dầu 1.400 tỷ đồng.
Căn cứ tình hình thực tế về phát triển kinh tế năm 2018 và theo thông lệ trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp bắt đầu NK hàng tiêu dùng để phục vụ nhu cầu của nhân dân trong các ngày lễ, Tết, nên theo ông Toản, ước số thu ngân sách trong tháng 11/2018 sẽ đạt khoảng 10.500 tỷ đồng. Như vậy, trong tháng 12/2018, Cục Hải quan TPHCM phải phấn đấu để thu đạt 11.300 tỷ đồng mới hoàn thành dự toán 108.000 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế cũng vừa có công văn chỉ đạo cục thuế các địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra ngay các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp (DN) qua phân tích có rủi ro cao, có thể khai thác thu thêm; đồng thời tăng cường kiểm tra DN FDI (vốn đầu tư nước ngoài) báo lỗ lớn liên tục nhiều năm.
Theo Tổng cục Thuế, tính đến hết ngày 23/10, toàn ngành Thuế đã thực hiện 70.102 cuộc thanh tra, kiểm tra. Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra 12.840 tỷ đồng, bằng gần 92% so với cùng kỳ năm 2017; giảm khấu trừ 1.250 tỷ đồng, giảm lỗ 19.757 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách hơn 7.880 tỷ đồng, đạt hơn 61,3% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và bằng 78,2% so với cùng kỳ năm 2017.