Cụ thể, hộ kinh doanh tại số 113 Hàng Gai do bà Nguyễn Thu Nga làm chủ hộ, bắt đầu kinh doanh từ tháng 1/2004, với ngành nghề đăng ký là bán vải lụa, quần áo, túi xách.
Doanh thu của cửa hàng năm 2015 đạt 15,6 tỷ đồng, năm 2016 tăng lên 16,11 tỷ đồng và 9 tháng 2017 đã thu về hơn 14 tỷ đồng. Trong cùng thời gian tương ứng, cửa hàng này đã nộp thuế lần lượt là 234 triệu đồng, 241 triệu đồng và hơn 211 triệu đồng. “Cơ sở kinh doanh này không nợ thuế và nộp thuế đúng hạn”, Cục Thuế Hà Nội đánh giá.
Hàng năm, Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm đã phát mẫu tờ khai thuế năm và chỉ đạo đội thuế rà soát, hướng dẫn, các hộ kinh doanh kê khai các chỉ tiêu trên tờ khai, phù hợp với thực tế tình hình kinh doanh.
Căn cứ hồ sơ khai thuế của hộ kinh doanh, doanh thu của các hộ có cùng ngành nghề, cùng quy mô trên địa bàn và dữ liệu của cơ quan thuế, Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm đã dự kiến doanh thu và mức thuế của cá nhân kinh doanh để tham vấn ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường và niêm yết công khai.
Cơ quan chức năng sau đó sẽ tổng hợp ý kiến phản hồi, căn cứ trên cơ sở các dữ liệu kinh tế, thực tế kinh doanh của cá nhân để xác định doanh thu.
Cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai cũng thực hiện theo phương thức kê khai và nộp thuế như vậy.
Trước đó, cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai đã bị khách hàng tố kinh doanh lụa Trung Quốc nhưng gắn mác sản xuất tại Việt Nam. Ngay sau đó, ngày 26/10, lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra và thu giữ một số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, trị giá khoảng 30 triệu đồng.
Sau đó, ông Hoàng Khải chủ của Tập đoàn Khaisilk đã có những biện hộ khác nhau, và sau cùng phải thừa nhận có bán hàng Trung Quốc, điều này khiến dư luận càng bức xúc hơn.
Ngày 4/11, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm; báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 15/12 tới.