Chậm triển khai thu phí không dừng: Nhà đầu tư BOT lên tiếng

Các chủ đầu tư BOT giao thông đều đồng ý thu phí tự động, nhưng phản đối cách thực hiện của cơ quan quản lý Ảnh: PT
Các chủ đầu tư BOT giao thông đều đồng ý thu phí tự động, nhưng phản đối cách thực hiện của cơ quan quản lý Ảnh: PT
TP - Trước việc Tổng cục Ðường bộ (Bộ GTVT) cho rằng, một số nhà đầu tư không hợp tác, chậm triển khai thu phí tự động không dừng (ETC), PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với một số lãnh đạo doanh nghiệp đang đầu tư BOT giao thông đường bộ về vấn đề này.

Vướng do cách làm của cơ quan quản lý

Tất cả các chủ đầu tư BOT khi được hỏi về thu phí tự động không dừng đều thể hiện sự ủng hộ. Các chủ đầu tư đều cho rằng, cần “góp ý” về cách triển khai thu phí không dừng của cơ quan quản lý nhà nước vì tạo ra những điều nhà đầu tư không muốn.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin), nhà đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, các nhà đầu tư BOT giao thông đều ủng hộ thu phí không dừng. Vì thu phí không dừng sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, nhà đầu tư tránh được điều tiếng. “Cách đây gần 2 năm chúng tôi đã kiến nghị Bộ GTVT cho thực hiện thu phí không dừng. Tuy nhiên, vì trạm thu phí Pháp Vân thu chung với cao tốc Cầu Giẽ của VEC, nên phải đợi thống nhất với VEC. Tới hết tháng 4 chúng tôi sẽ lắp đặt xong thu phí tự động”, ông Khôi nói. 

Một nhà đầu tư BOT tuyến đường lớn phía Bắc cũng chung quan điểm và cho rằng, thu phí tự động không dừng là hình thức văn minh, minh bạch, các nước đều làm, không nhà đầu tư BOT nào phản đối. Vấn đề chỉ nằm ở cách triển khai của cơ quan quản lý nhà nước.

Các chủ đầu tư BOT cho rằng, họ chỉ phản đối cách triển khai thu phí tự động của các cơ quan thuộc Bộ GTVT được giao thực hiện, giám sát. Do cơ quan nhà nước dùng vai trò chỉ đạo, điều hành để can thiệp vào quan hệ dân sự giữa các doanh nghiệp. Đặc biệt, hiện chỉ có 1 doanh nghiệp được Tổng cục Đường bộ lựa chọn độc quyền in thẻ đầu cuối, thiết bị và cung cấp dịch vụ thu phí tự động (Cty VETC). Sau đó buộc các nhà đầu tư BOT phải chịu một mức phí trích lại cho doanh nghiệp thu phí theo mức cố định suốt đời dự án. 

Các nhà đầu tư BOT cho rằng, đáng ra, từ đầu nhà nước phải đứng ra phát hành thẻ đầu cuối dán trên ô tô, và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, các yêu cầu kèm theo để vận hành hệ thống. Công nghệ in thẻ đầu cuối không đắt, không khó, chỉ cao hơn làm thẻ thang máy một chút, nhà nước có thể nhập thiết bị về làm. Từ đó, nhiều đơn vị công nghệ tham gia nếu đạt yêu cầu, các chủ đầu tư BOT có thể đấu thầu lựa chọn đơn vị công nghệ tốt, chi phí phải chăng.

“Nếu làm như vậy sẽ đảm bảo cạnh tranh, công khai, minh bạch, không nhà đầu tư BOT nào có lý do để trì hoãn. Giờ công nghệ 4.0, các nước đều làm, không có gì khó phải trao độc quyền cho 1 doanh nghiệp, thậm chí làm thay cả vai trò nhà nước”, giám đốc một doanh nghiệp dự án BOT nói. Theo đó, cái sai từ đầu là của Bộ GTVT không minh bạch. Tổng cục Đường bộ không thể đổ lỗi lên cấp cao hơn, cũng không thể đổ lỗi nhà đầu tư không hợp tác do thích mập mờ, nọ kia, một nhà đầu tư BOT bày tỏ quan điểm.

Lãnh đạo Tổng Cty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị đang chuẩn bị đấu thầu để chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng. Còn đơn vị thu phí tự động mà Tổng cục Đường bộ đang chọn (VETC) lại được cho rằng không đáp ứng đủ năng lực tài chính, nhân lực.

"Cái sai từ đầu là của Bộ GTVT không minh bạch. Tổng cục Ðường bộ không thể đổ lỗi lên cấp cao hơn, cũng không thể đổ lỗi nhà đầu tư không hợp tác do thích mập mờ, nọ kia".

Một nhà đầu tư BOT bày tỏ quan điểm

BOT gian lận do quản lý kém

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, những điều tiếng về thu phí BOT chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, có chỗ nọ chỗ kia, nhưng khiến các chủ đầu tư khác cũng chịu điều tiếng. Do đó, việc thu phí tự động sẽ giúp minh bạch, xã hội tin tưởng vào các nhà đầu tư BOT.

Đại diện chủ đầu tư một BOT ở phía Bắc cho rằng, giám sát hoạt động thu phí là trách nhiệm của quản lý nhà nước, với công nghệ hiện nay đều xử lý được. Vấn đề cơ quan quản lý có quyết tâm thực hiện để giám sát có hiệu quả hay không. Việc nhà đầu tư BOT giấu được doanh thu thể hiện sự buông lỏng quản lý của cơ quan nhà nước. Nếu đã nói quản lý được, khi xảy ra vấn đề gian lận nọ kia, chính cơ quan quản lý cũng phải chịu trách nhiệm, không phải vô can như hiện nay. Chủ một dự án BOT đề xuất cơ quan quản lý nhà nước ngồi lại với nhà đầu tư BOT để cùng thống nhất giải pháp, đảm bảo cạnh tranh, minh bạch, không dùng mệnh lệnh hành chính.

MỚI - NÓNG