Bỏ tiền mua 'cục tức'

Mua hàng online dễ ôm quả lừa (ảnh minh họa).
Mua hàng online dễ ôm quả lừa (ảnh minh họa).
TP - Chọn những trang thương mại điện tử (TMÐT) uy tín, những shop online có lượng like, share (thích, chia sẻ) lớn… thế nhưng khách hàng vẫn phải ôm quả đắng.

Chị Phương Vy (35 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TPHCM) mới đây đặt mua hai bộ đồ đôi cho mẹ và bé trên trang Sendo.vn với giá 200.000 đồng. Thế nhưng chị Vy cho biết khi nhận đồ, về nhà mở ra chị mới thấy hàng không “đẹp lung linh” như trên website của Sendo. “Mình đặt màu trắng, họ gửi đến màu đen. Trên web giới thiệu chất liệu thun cotton, hàng nhận được toàn vải nilon, thô ráp và mặc rất nóng. Tôi liền gọi đến Sendo đòi trả hàng thì nhân viên cho biết do hết màu vì người mua rất nhiều. Hàng mua rồi cũng không trả lại” - chị Vy ngao ngán.

Anh Trần Ðức Huân (ngụ Q.10) kể anh vào một trang bán hàng trên mạng đặt mua chiếc Samsung J7 Pro hàng mới, giá 5,4 triệu. Khi nhận hàng và kiểm tra, anh Huân phát hiện điện thoại đã được kích hoạt bảo hành trước khi anh mua. Quá bức xúc, anh phản ánh lên trang này thì nhân viên bảo dù đã “khui siu” nhưng vẫn là hàng mới. Không chấp nhận, anh Huân đã trả hàng, lấy lại tiền nhưng vẫn không khỏi ấm ức.

Trường hợp “đầu hàng” vì chế độ đổi trả phức tạp cũng khiến nhiều người ngán ngẩm với mua hàng online. Anh Minh Trí, ngụ Q. 3 từng mua loa Bluetooth trên mạng với giá 200.000 đồng. Anh mày mò mãi mà không thể kết nối với máy để loa hoạt động. Phản hồi cho bên bán, bên bán “vâng vâng dạ dạ” và lịch sự chấp nhận đổi sản phẩm với điều kiện anh gửi sản phẩm về Hà Nội, theo đúng quy định của sàn giao dịch. Phí chuyển hàng gần 100.000 đồng, nên anh Trí quyết định vứt chiếc loa Bluetooth.

Nhiều sàn online rao bán máy sấy tóc hiệu Panasonic, đời HC 3100 với giá 84.000-99.000 đồng; bếp nướng điện không khói hiệu Samsung giá 249.000-350.000 đồng; máy đánh trứng Philips, xuất xứ Trung Quốc, giá 110.000-150.000 đồng; USB hiệu Sony giá 75.000 đồng… Tuy nhiên, đại diện các hãng này cho biết không sản xuất hoặc có nhưng sản phẩm không có giá rẻ như vậy. “Ða số các sản phẩm có giá “bèo” như trên nhiều trang mạng rao bán đều là hàng giả, hàng nhái” - đại diện một nhãn hàng cho hay.

Quản lý thị trường kêu khó

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TPHCM, cho biết, thực trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trên các sàn TMÐT tại Việt Nam được xem là hiện tượng bình thường. Theo bà Thu, Nhà nước chưa có biện pháp chặt chẽ với những người quảng cáo, kinh doanh trên các trang TMÐT, sàn online và trang mạng xã hội. Sàn TMÐT phải có trách nhiệm với hình thức phân phối sản phẩm chứ không đổ hết trách nhiệm cho người bán hàng. Bán hàng nhưng không kiểm soát hàng, không chịu trách nhiệm là điều vô lý, không phù hợp với Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng như Luật Thương mại” - bà Thu nói.

Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, có nhiều đơn vị tham gia quản lý hàng hóa kinh doanh trên mạng không chỉ riêng QLTT. Việc bán hàng trên mạng hiện rất khó kiểm tra, họ đăng ký trên mạng, không có kho hàng, trụ sở nên rất khó quản lý. Lực lượng QLTT mỏng, khó có thể kiểm tra hết được các doanh nghiệp, hàng hóa trên thị trường. Nếu nghi ngờ, người mua có thể gửi đơn phản ánh đến Chi cục QLTT, Chi cục sẽ cử cán bộ thẩm tra, nắm bắt thông tin chính xác rồi kiểm tra.

“Sau khi có thông tin nhiều trang TMÐT kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, Chi cục QLTT đã nắm thông tin và đang có kế hoạch triển khai kiểm tra. Lĩnh vực này đang phát sinh, phát triển thêm nhiều thứ khác nữa, rất phức tạp từ quảng cáo đến kinh doanh” - ông Kiếm cho biết.

Ngày 26/7, PV báo Tiền Phong liên lạc với đại diện công ty CP Công nghệ Sen Ðỏ (Sendo.vn) để chất vấn thông tin liên quan phản ánh của người tiêu dùng về chất lượng cũng như xuất xứ sản phẩm. Vị này đề nghị PV gửi câu hỏi qua mail để trả lời. Tuy nhiên, đến cuối ngày, đơn vị này vẫn chưa có phản hồi về nội dung câu hỏi. Theo đơn vị này, Sendo là  trang bán hàng online giống như một cái chợ, Sendo đóng vai trò như Ban quản lý. Sendo cho rằng, có kiểm soát hàng hóa vào chợ, nhưng với quy mô lớn thì khó kiểm soát được hết.
MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.